'Có những con người như thế' qua trái tim thầy Nguyễn Khắc Phi
Tập ký 'Có những con người như thế' được thầy Nguyễn Khắc Phi viết bằng tất cả trái tim nhân hậu, đầy trân trọng, yêu thương.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Phi được tôn vinh là “một bậc thầy thông tuệ, đa tài” (GS. Trần Đình Sử), “một người tài hoa đa diện, một nhà văn hóa vừa uyên bác, vừa thâm sâu” (PGS-TS Đỗ Ngọc Thống) và "Ðọc Nguyễn Khắc Phi, độc giả có hứng thú được thưởng thức những bài viết của một người hay chữ mà sự uyên bác hiện lên sau mỗi trang viết, hứng thú được cùng tác giả tìm tòi, suy ngẫm và học được từ đó nhiều điều bổ ích" (PGS.TS Vũ Thanh).
Gần đây, Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành tập kí “Có những con người như thế” của thầy. Tập sách dày 255 trang với 24 chân dung và phần phụ lục được thầy viết bằng tất cả trái tim nhân hậu, đầy trân trọng, yêu thương. Trái tim thầy thật khiêm cung: “Tuyệt đại bộ phận là những nhân vật tích cực, có thể đem lại cho bạn đọc những điều thú vị và bổ ích”.
Chúng ta ngưỡng mộ La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn đa năng, đa tài, đi đầu trên nhiều lãnh vực, sẽ càng trân quý “tinh thần nhân văn, một tính cách hồn hậu ở một nhà khoa học uyên bác, nhà trí thức lớn” khi biết được BÀI THƠ MỪNG CƯỚI ĐỘC ĐÁO CỦA GS HOÀNG XUÂN HÃN.
Càng thêm tự hào vì tình người thuần Việt giữa đôi trai trẻ ngày xưa Hoàng Xuân Hãn – Nguyễn Thị Vàng, được hai gia đình hứa hôn nhưng không thành, vẫn tôn trọng quý mến bền chặt qua thời gian: “Đây là một bài thơ xướng – họa đặc biệt, những bức thư dưới dạng thơ đặc biệt, một bài thì viết và đã gởi đi trên sáu mươi năm song người viết vẫn không biết là đã đến tay người nhận hay chưa, một bài thì cũng đã viết trên sáu mươi năm nhưng đến nay mới gửi!”.
Đọc kí THẦY NGUYỄN THÚC HÀO - NHÀ GIÁO, NHÀ QUẢN LÝ ĐẶC BIỆT, chúng ta không chỉ gặp “một trong những vị hiệu trưởng đầu tiên của đại học Việt Nam”, một hiệu trưởng chịu đựng nhiều gian lao thử thách nhất và có đóng góp lớn đưa Trường Đại học Sư phạm Vinh từ buổi đầu tạm bợ trong thành phố Vinh trơ trụi sau chiến tranh, ngày một phát triển về chất và lượng,… mà còn được gặp một thầy giáo điềm đạm ứng xử mực thước thấu lý đạt tình.
Người viết luôn nhận biết thầy Nguyễn Thúc Hào đã vượt qua cái danh (“Thầy chưa hề được phong tặng một danh hiệu gì theo hệ thống học hàm của Nhà nước!”), thực sự sống đẹp “Chín mươi lăm tuổi, bài thơ đẹp/Đức trọng, tài cao, sánh núi non” (GS Văn Như Cương)...
HÃY TIẾP BƯỚC NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC LÃO THÀNH là tiêu đề mời gọi chúng ta đến với nhiều nhà: nhà văn, phê bình, dịch thuật, khảo cứu, từ điển học, văn học so sánh,… trong một nhà nghiên cứu văn học PGS, NGƯT Trương Chính.
20 tuổi đã viết báo, 23 tuổi đã in sách Dưới mắt tôi (1939, tập hợp bài phê bình 25 tác phẩm của 13 nhà văn), quan tâm nhất tính trung thực, đã cho rằng “Nhà nghệ sĩ không có quyền đứng ngoài xã hội, ẩn trong tháp ngà để hưởng hạnh phúc mình một cách ích kỷ và khốn nạn”, thầy giáo Bùi Trương Chính đã cầm bút và dạy học trọn 65 năm. Một cuộc đời trong sáng như gương.
Với CÓ MỘT NGƯỜI THẦY THUỐC NHƯ THẾ, người viết cho ta gặp Bác sĩ- Đại tá Lê Khắc Thiền, một lương y (đã từng kê đơn thuốc bắc, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân nơi quê nhà), một bác sĩ quân y (với quân hàm Đại tá), một nhà thơ (làm thơ từ rất sớm, 1939)…
“Một cái hoa tươi rất mực ném vào trong lẵng thơ kháng chiến” / Xuân Diệu nhận định), một học giả (biên soạn cuốn Danh từ y học, 1943), một nhân vật văn học (với đầy đủ họ tên thật, công việc có thật trong cuốn Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán). Với người viết, ông là một đại ân nhân. Sự hòa âm giữa bác sĩ nhà thơ với người viết thật đằm thắm dịu dàng: “Người không biết tuổi tháng ngày trôi*…, em có biết không, hồi ấy ở một vài nơi thuộc vùng núi Bình - Trị - Thiên, người ta chưa có khái niệm về lịch, chỉ biết dùng dao rạch lên cây để đánh dấu…”… (*câu thơ trong bài thơ Giản dị)
Mến phục Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới của ngành Giáo dục, người viết mời độc giả tiếp cận GS DƯƠNG TRỌNG BÁI – THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP: Một gia đình truyền thống yêu nước, hiếu học, đầy nội lực, làm rạng danh dòng họ Dương ở Khoái Châu - Hưng Yên; Một sự nghiệp giáo dục in nhiều dấu son: Là người đầu tiên của Việt Nam tham gia nghiên cứu bốn đề tài về Năng lượng phổ hạt nhân; đầu tiên xây dựng phòng thí nghiệm cho môn Vật lí ở nước ta; có công đầu đối với việc giảng dạy môn Vật lí ở phổ thông; Chủ biên bộ sách Chuyên lý đầu tiên của quốc gia; đi đầu trong đề xuất dạy tích hợp, giảm tải sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa... Chi tiết thật quý trong bài ký: “Anh chỉ thắc mắc là tại sao trên lại không phong cho Ông cụ anh (tức Nhà giáo – Liệt sĩ Dương Quảng Hàm) mà lại phong cho anh?” đủ nói lên phẩm chất anh hùng của Nhà giáo nhân dân Dương Trọng Bái.
SỨC XUÂN CÒN MÃI Ở TRONG ANH. Anh đây là GS. NGND Lê Quang Long - người “Luôn giữ ngọn lửa trong trái tim mình và luôn muốn tiếp lửa cho bao thế hệ học trò; luôn ủ ấp những hy vọng đẹp đẽ và luôn muốn truyền niềm hy vọng bất diệt ấy cho bao thế hệ trẻ”.
Người Huế phải gọi là Mệ Long, vì xuất thân của thầy: “Tôi sinh ra ở Huế, trong một gia đình Hoàng tộc – đại quan lại. Công chúa Công Nữ Lương Diên, con gái thứ chín của vua Thành Thái, là mẹ tôi. Bà cũng là chị ruột của vua Duy Tân – chị họ của vua Bảo Đại….” Càng đọc, càng vô cùng trân quý trái tim luôn có lửa và cuộc đời đầy bản lĩnh, luôn vượt qua những vật cản (khách quan và chủ quan) trên đường đời, trên đường công tác của thầy Lê Quang Long.
Không thể không THƯƠNG TIẾC MỘT NGƯỜI THẦY, MỘT NGƯỜI ANH KÍNH MẾN - “nhà bác học đa tài” Phan Ngọc. Thầy là người chưa được đào tạo ở nước ngoài, nhưng tự học để biết giỏi nhiều thứ tiếng. “Thầy Ngọc quả là “người ôm nhiều thứ”: Dịch thuật (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hi Lạp, tiếng Latinh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Hán…), Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm học, Văn bản học, Văn học so sánh, Văn học Trung Quốc, Văn học Pháp, Văn học Anh, Triết học, Lí luận văn học…
Ở lĩnh vực nào thầy cũng để lại được những dấu ấn khá sâu đậm”. Vậy nhưng thầy rất khiêm tốn, khuyên trò: “Viết được một công trình gì xong là phải lập tức rút kinh nghiệm và nhất là phải tìm ra được khuyết điểm, có thế mới mong tiến bộ được”.
Mỗi thầy giáo, mỗi người anh, người chị, người bạn, người thân - được tác giả giới thiệu, phác thảo, khắc họa trong tập sách mỗi người một vẻ, rất chân thật mà lung linh, sống động, có sức lôi cuốn lạ lùng. GS. NGND PHAN TRỌNG LUẬN: Một tâm hồn luôn tươi trẻ. GS. NGND NGUYỄN ĐÌNH CHÚ: Người anh cả của lớp Văn khoa 1954-1957. GS. NGND NGUYỄN HẢI HÀ: Một nghị lực phi thường. CỬ NHÂN TRƯƠNG VĂN MINH: Ông bạn mất tích đúng nửa thế kỷ. PHẠM TÚ CHÂU: Nhà khoa học nữ gắn bó với Truyện Kiều và Những kỷ niệm khó quên về chị Tú Châu.
GS. NGƯT PHÙNG VĂN TỬU: Một nhà khoa học đầu ngành, một thầy giáo mẫu mực. PGS.TS. VĂN NHƯ CƯƠNG: Nhà sư phạm độc đáo, tài ba xứ Nghệ. PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ: Người bạn cố tri ở nơi xa. GS. NGND TRẦN ĐÌNH SỬ: 49 năm về trước, anh đã là Thầy của tôi. PGS.TS. NGUYỄN ĐĂNG NA: Đích đáng chuyên gia có mấy người… TS. NGUYỄN VĂN VỌNG: “Nhất kiến” thành cố tri.
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN KHẮC ĐỨC: Một sĩ quan có năng khiếu và máu mê văn chương. TS. PHẠM HẢI ANH và PGS.TS. NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG: Chuyện bên lề hai luận án tiến sĩ. CÔNG NHÂN NGUYỄN THỊ HUÊ: Từ chuyện một chiếc ví rơi. HỌC GIẢ, PHÓ GIÁO THỤ LA TRƯỜNG SƠN: Nhà khoa học Trung Quốc am hiểu nền văn hóa và văn học Việt Nam, yêu mến và quí trọng Truyện Kiều. RICHARD KING và PHẠM THỊ HOA: Một giờ với đôi vợ chồng câm điếc đến từ nước Mỹ.
Trên 20 chân dung cá nhân và 2 chân dung tập thể (Phụ lục) hiển hiện trên trang sách được người viết bao lần công phu vẽ ra trong tâm tưởng, trong ký ức, trong niềm yêu thương trìu mến thiết tha. Phải là người gần thời, cùng thời, phải sống cùng sống với, phải có những sợi dây nối kết hữu hình và vô hình, phải bút lực dồi dào mới có thể vẽ bằng ngôn ngữ chân dung các bậc công huân của nền đại học Việt Nam ấn tượng như thầy giáo Nguyễn Khắc Phi được.
Xin chân thành cảm tạ thầy giáo Nguyễn Khắc Phi, bằng tập sách, đã nối kết quá khứ với hiện tại, đã cho thế hệ trẻ một cầu nối đẹp đầy năng lượng, làm bệ phóng bay về tương lai.