Có những mùa thi nhiều 'tâm tư' với phóng viên
Bất cứ phóng viên nào theo dõi đưa tin về ngành giáo dục cũng đều trải qua những mùa thi nóng bỏng (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), với bao nỗi tâm tư. Đó là những ngày đội nắng, mưa đến các điểm thi, là những đêm thao thức cùng thí sinh chờ công bố điểm...
Khi phóng viên chỉ mong... nhầm lẫn
Nhà báo Nghiêm Huê (báo Tiền Phong) là một phóng viên theo dõi giáo dục có thâm niên. Chị vẫn nhớ như in mùa thi 2018, một mùa thi rúng động cả nước về vụ tiêu cực thi cử ở 3 địa phương Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Từ những thông tin lao xao trên mạng xã hội, đến khi biết chắc đến 90% kết quả thi của ba địa phương này có vấn đề, nhưng nhà báo Nghiêm Huê vẫn mong rằng có sự nhầm lẫn hay một lý do nào đó.
Nhà báo Nghiêm Huê kể: “Nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc, niềm tin của tôi như đám vôi vữa lâu ngày bám vào bức tường thành vững chắc bị mục nát, bong tróc, lở từng mảng lớn. Vừa phanh phui xong Hà Giang, nhiều phóng viên giáo dục trở về tòa soạn chưa nóng chỗ đã lên đường lên Sơn La để thông tin vụ việc".
Chuyến xe đưa một số nhà báo lên Sơn La trong một ngày mưa tầm tã, đường quốc lộ 6 nhiều đoạn sạt lở chỉ còn 1 làn xe chạy hoặc phải đi đường vòng. Ngồi trên xe gần một ngày rồi cũng đến được thành phố Sơn La.
"Sở GD&ĐT Sơn La đón chúng tôi bằng thái độ lạnh te của những người đang trong tầm ngắm điều tra gian lận thi cử. Vạ vật ngoài cổng, làm bạn với các hàng nước hai bên đường, nhưng cũng từ những hàng nước đó mà chúng tôi nghe được kha khá chuyện những tưởng là “dã sử truyền kỳ” về học sinh A, học sinh B trường chuyên Sơn La, trường THPT Tô Hiệu học chuyên một lớp nhưng điểm thi các môn lại không liên quan hay là học cá biệt bỗng dưng đạt điểm cao..." chị Huê nhớ lại.
Men theo nguồn tin, phóng viên tìm đến Trường THPT Tô Hiệu để tìm hiểu về trường hợp thí sinh V.H.L đỗ Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội đứng thứ 3 toàn trường với 28,4 điểm. Tất nhiên, bản án đã được tuyên cho những người vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật, để gian lận thi cử hòng trục lợi cho một số cá nhân. Nhưng vụ việc gian lận thi cử năm 2018 đã gây cú sốc quá lớn.
Nhà báo Nghiêm Huê kể lại: “Tiếp chúng tôi, đại diện Trường THPT Tô Hiệu khi đó giống như gà mắc tóc, không biết nên thông tin thế nào cho đúng. Vì bản thân họ thực tế không nằm trong đường dây nâng điểm của hội đồng thi nên không biết thực hư câu chuyện ra sao. Cô giáo chủ nhiệm của V.H.L cho biết, những bạn trong lớp học giỏi hơn L. có điểm thi THPT quốc gia 2018 chỉ ở mức làng nhàng, tầm 5 - 6 điểm/ môn. Về điểm thi của L., toán 9,4 hóa 9,5 sinh 9,5, cô xin phép từ chối bình luận. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, điểm lần lượt của sinh viên này là Toán 5,6 điểm, Hóa 3,4 điểm, Sinh 4 điểm. Như vậy, sinh viên này được tăng khống 15,3 điểm. Trong đó, môn được tăng nhiều nhất là Hóa học, 6,1 điểm”.
“Một nỗi buồn man mác theo chúng tôi suốt hành trình dài từ Sơn La về Hà Nội. Bởi nếu vụ việc không được phanh phui, liệu H.L có đủ năng lực để theo tiếp ngành Y hay lại đứt gánh giữa đường. Hoặc nếu như đủ năng lực, quãng đường trở thành người thầy thuốc sau này, liệu H.L có khi nào dám nhìn vào quá khứ từng gian lận thi cử của mình. Có quá nhiều câu hỏi mà khó tìm được câu trả lời", nhà báo Nghiêm Huê nhớ lại.
Tất nhiên, bản án đã được tuyên cho những người vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật để gian lận thi cử hòng trục lợi cho một số cá nhân. Nhưng vụ việc gian lận thi cử năm 2018 đã gây một cú sốc quá lớn.
Khi học sinh tan thi là lúc vừa tay máy ảnh, vừa tay gõ máy tính để gửi bài về tòa soạn.
Tìm sự khác biệt
Là một phóng viên nam hiếm hoi theo dõi ngành giáo dục, nhà báo Lê Thanh Hùng (báo Vietnamnet) khẳng định vị thế của mình bằng sự nhanh nhạy và luôn tìm một lối đi khác biệt khi làm thông tin về thi cử.
Bảy năm gắn bó với Vietnamnet, nhà báo Lê Thanh Hùng luôn nhớ về những đêm trắng tra cứu điểm thi cùng thí sinh.
Những năm trước, điểm thi tốt nghiệp THPT luôn có vào lúc 12 giờ đêm. Vì thế, với những phóng viên giáo dục, đây là cuộc đua thực sự. Nhà báo Thanh Hùng cho biết: “Sau khi công bố điểm, ngay lập tức cả ban giáo dục phải lọc dữ liệu exel để tìm ra con số thí sinh có điểm cao nhất, điểm 10... Thậm chí, chúng tôi phải phỏng vấn nhân vật khoảng 2, 3 giờ sáng. Lúc này chẳng còn cách nào khác là phải “chai mặt”. Có trường hợp gia đình thí sinh thể hiện sự khó chịu khi đêm rồi mà nhà báo vẫn gọi điện, bắt mặc quần áo tự chụp ảnh chân dung. Nhưng tôi phải dựa vào tâm lý thí sinh và người nhà đang vui để động viên, để các em hợp tác trả lời phỏng vấn. Cố gắng phỏng vấn để sớm để sớm mai có bài độc quyền đã trở nên quen thuộc với tôi trong những mùa thi".
Quả thật, khi link bài viết của nhà báo Thanh Hùng chia sẻ trên facebook từ 5 - 6 giờ sáng, có phóng viên nói đùa: "Hùng ơi, em đi ngủ đi cho các chị viết bài với".
Nhà báo Thanh Hùng chia sẻ: "Có lúc cũng rất mệt và lăn ra ốm sau mùa thi, bởi tôi thường phải thức dậy từ 5 giờ sáng để theo chân thí sinh và người nhà. Trong lúc thí sinh thi thì phóng viên cũng ngồi đợi cùng phụ huynh, săn những hình ảnh bên lề thi cử. Khi học sinh tan thi là lúc vừa tay máy ảnh, vừa tay gõ máy tính để gửi bài về tòa soạn. Nếu hôm nào có nhân vật hay thì quên cả ăn trưa, chiều lại làm môn tiếp theo. Ngày nắng, mồ hôi ướt đẫm áo như đi cày”.
Khai thác được những câu chuyện riêng biệt luôn là cách làm được khuyến khích. Nhà báo Thanh Hùng nói: “Có năm đề thi vào tác phẩm văn học của nhà văn Đặng Hoàng Giang. Ban giáo dục xác định không chỉ dừng lại đưa đề thi, đánh giá đề, mà yêu cầu phải gặp trực tiếp nhân vật. Nhóm phóng viên đã quên cả ăn trưa để đi phỏng vấn và gần 2 giờ sau mới trở về tòa soạn. Làm tin về thi cử phóng viên nào cũng vất vả và luôn phải vắt óc để tìm khác biệt trong luồng thông tin”.
Theo nhà báo Thanh Hùng, động lực để làm việc lớn lao nhất là có đội ngũ làm báo chuyên nghiệp và sẵn sàng lao vào điểm nóng trong mùa thi. Bên cạnh đó là sự vất vả của phóng viên được bạn đọc ghi nhận.