Có nơi 'đặt hàng' tuyển dụng sớm nhưng ngành Hải dương học vẫn ít SV theo học

Với vai trò quan trọng trong quản lý tài nguyên biển và phát triển bền vững, ngành Hải dương học hiện nay đang có nhu cầu về nhân lực rất lớn.

Ngành Hải dương học là một nhánh của các Khoa học về Trái Đất nghiên cứu về đại dương. Tại Việt Nam, hiện nay chỉ có 2 cơ sở đào tạo đại học hệ chính quy ngành Hải dương học, là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

Theo đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Hải dương học là 30 nhưng nhà trường chỉ tuyển được 14 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến năm 2023, tình hình tuyển sinh ngành này đã có sự tiến triển rõ rệt hơn với 32 sinh viên nhập học.

Còn tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), theo đề án tuyển sinh năm 2024: Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Hải dương học của nhà trường là 30 nhưng chỉ có 3 sinh viên nhập học. Năm 2023, tình hình tuyển sinh của trường cũng đã có sự tiến triển hơn trước nhưng vẫn chưa đạt 50% chỉ tiêu (chỉ có 14 sinh viên nhập học trên 30 chỉ tiêu).

Còn lo ngại làm việc liên quan đến nghiên cứu trên biển hoặc trong môi trường khắc nghiệt

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiền Giang - Trưởng khoa Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam và các nước trên thế giới đã và đang chứng kiến sự sụt giảm về số lượng các sinh viên theo học các ngành Khoa học Trái Đất. Không nằm ngoài xu thế này, ngành Hải dương học thu hút được số lượng sinh viên khá khiêm tốn theo học.

Theo vị phó giáo sư, một trong những nguyên nhân chính của việc ít sinh viên theo học các ngành Khoa học Trái Đất là do thị trường việc làm biến đổi nhanh chóng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ở quy mô toàn cầu.

Thời kỳ hiện nay được đánh dấu bởi những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, công nghệ sinh học, khoa học dữ liệu, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và điện toán lượng tử. Nền kinh tế tri thức và nền kinh tế sáng tạo dựa vào các sáng kiến, phát minh sẽ lấn át các nền kinh tế dựa vào tài nguyên.

Bên cạnh đó, do nhận thức của xã hội còn chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của ngành học này trong sự phát triển và bảo vệ đất nước, cũng như của toàn nhân loại.

Thầy Giang chia sẻ: “Thực tế, hiện nay, chưa nhiều người biết tới ngành Hải dương học, điều đó cũng giống như một sản phẩm tốt, chất lượng nhưng lại không tiếp cận được thị trường và thị trường rất thiếu thông tin về sản phẩm đó. Giải quyết vấn đề này không hề đơn giản và không thể chỉ từ một phía.

Dự kiến trong năm 2025, định hướng của nhà trường cũng như định hướng riêng của khoa sẽ tạo cơ hội cho các thí sinh có sở thích và sở trường liên quan đến một trong các môn như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học,...có thể xét tuyển vào ngành Hải dương học. Đồng nghĩa với việc, cơ hội xét tuyển của các thí sinh sẽ mở rộng hơn”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Lương Hồng Phước - Trưởng bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn, Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Nhiều học sinh và phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ về tầm quan trọng và tiềm năng của ngành Hải dương học và chưa nhận thức đúng đắn về cơ hội nghề nghiệp của ngành học này.

Bên cạnh đó, một số sinh viên có thể lo ngại về điều kiện làm việc trong ngành Hải dương học, đặc biệt là những công việc liên quan đến nghiên cứu trên biển hoặc trong môi trường khắc nghiệt.

Trong 2 năm gần đây, do có sự thay đổi trong nhu cầu của thị trường lao động, các chủ trương chính sách phát triển nguồn nhân lực cho nghiên cứu cơ bản về Khoa học Trái Đất và phát triển kinh tế hướng ra biển của Chính phủ, lượng tuyển sinh đầu vào của ngành Hải dương học đã có sự cải thiện rõ rệt so với các năm trước”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Lương Hồng Phước - Trưởng bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn, Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Lương Hồng Phước - Trưởng bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn, Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Có công ty đặt hàng tuyển dụng từ năm thứ 2 đại học

Theo Phó Giáo sư Võ Lương Hồng Phước, ngành Hải dương học đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển, quản lý tài nguyên biển và phát triển bền vững. Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, nhu cầu về chuyên gia trong lĩnh vực này ngày càng cao. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam với vùng lãnh hải rộng lớn, đây chính là lợi thế để phát triển các ngành nghề về nghiên cứu và quản lý biển.

Cô Phước cũng cho hay, sinh viên theo học ngành Hải dương học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) sẽ được học các kiến thức về vật lý biển, hóa học biển, sinh thái biển và các kiến thức liên quan đến các quá trình thủy động lực học (sóng, triều, dòng chảy...), môi trường và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sinh viên còn được trau dồi thêm những kỹ năng thực địa và làm việc tại phòng thí nghiệm, kỹ năng lập trình, kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề,... nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc sau khi ra trường. Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh viên được kiến tập, thực tập tại các cơ quan có chuyên môn cao, đây chính là cơ hội cho sinh viên trải nghiệm công việc thực tế và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

“Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên biển, bảo tồn sinh vật biển và phát triển công nghệ liên quan đến biển.

Sau khi ra trường sinh viên có thể làm dự báo viên tại Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và khu vực, các Đài kiểm soát không lưu; hoặc có thể làm nghiên cứu viên tại Viện Hải dương học, Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu...”, cô Phước cho biết thêm.

 Sinh viên ngành Hải dương học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đi thực tập. Ảnh: NTCC.

Sinh viên ngành Hải dương học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đi thực tập. Ảnh: NTCC.

Chia sẻ về vị trí nghề nghiệp mà sinh viên ngành Hải dương học có thể đảm nhiệm, Phó Giáo sư Nguyễn Tiền Giang cũng khẳng định, cơ hội là rất lớn: “Sinh viên tốt nghiệp ngành Hải dương học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thế kỷ 21, do vậy, hoàn toàn có thể đáp ứng tốt các công việc ở nhiều vị trí khác nhau.

Ngoài nghiên cứu, giảng dạy tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cử nhân ngành Hải dương học còn có thể tham gia công tác quản lý nhà nước tại các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước.

Vị trí việc làm và loại hình công việc sau khi tốt nghiệp của sinh viên ngành Hải dương học rất đa dạng và phong phú. Tỷ lệ ra trường có việc làm của sinh viên tốt nghiệp từ ngành học này cũng thuộc nhóm cao trong trường.

Tiếc rằng, những thông tin này còn ít được lan tỏa tới cộng đồng, khiến cái nhìn về “đầu ra” của sinh viên còn chưa tích cực. Hiện nay, Khoa Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học luôn nhận được đề nghị về cung cấp nguồn nhân lực tốt nghiệp ngành Hải dương học từ các cơ sở tuyển dụng.

Thậm chí, còn có doanh nghiệp (chẳng hạn như Công ty cổ phần tư vấn và kỹ thuật hạ tầng giao thông - CEOTIC) đã đặt hàng tuyển dụng và cung cấp học bổng cho sinh viên ngay từ năm thứ 2 đại học

Vấn đề thu nhập là thách thức không riêng gì với ngành Hải dương học. Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, chú trọng vào chất lượng nguồn lao động thì những sinh viên có năng lực, có tinh thần phấn đấu tốt sẽ luôn có thể sống tốt với nghề”.

Có nhiều chính sách thu hút sinh viên và tiếp cận nhà tuyển dụng

Đề cập đến thế mạnh đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Lương Hồng Phước cho biết, nhà trường sở hữu đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Hải dương học, Khoa học Trái Đất, giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức chuyên sâu và cập nhật các kiến thức mới.

Năm 2024, ngành Hải dương học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) được cấp chứng nhận kiểm định ASIIN về chất lượng đào tạo đại học.

Chương trình đào tạo được thiết kế linh hoạt, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về ngành và phát triển kỹ năng cần thiết; các hoạt động thực hành, như thực tập tại các trung tâm nghiên cứu, tham gia các dự án nghiên cứu thực địa và các chuyến đi thực tế đến các khu vực biển.

Bên cạnh đó, nhà trường có các phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và thực hành, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và nghiên cứu một cách hiệu quả.

“Nhà trường có mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức và trường đại học quốc tế, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi, nghiên cứu và thực tập ở nước ngoài. Ngoài ra, trường có một mạng lưới cựu sinh viên thành công trong ngành, là cầu nối giúp sinh viên được học hỏi và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Chúng tôi cũng rất chú trọng đến nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực Hải dương học, điều này giúp sinh viên có cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển”, cô Phước nhấn mạnh.

Cũng theo cô Phước, trong năm 2025, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) có thể sẽ có một số thay đổi trong phương thức tuyển sinh và đào tạo ngành Hải dương học, nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Theo đó, về chương trình đào tạo, nhà trường tính đến cập nhật và điều chỉnh để tích hợp thêm các môn học mới, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành Hải dương học như: Công nghệ thông tin, Ứng dụng AI trong nghiên cứu biển, Quản lý tài nguyên biển bền vững và các vấn đề về biến đổi khí hậu. Mỗi năm, nhà trường và khoa đều cập nhật và đổi mới các môn học cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

 Sinh viên ngành Hải dương học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đi thực tế. Ảnh: NTCC.

Sinh viên ngành Hải dương học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đi thực tế. Ảnh: NTCC.

Về phía Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiền Giang cũng chia sẻ, nhà trường có truyền thống đào tạo lâu năm với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có mạng lưới hệ thống các đối tác chuyên môn trong và ngoài nước, giúp cho việc trao đổi học thuật và đầu ra của sinh viên được đảm bảo.

Ngoài ra, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của ngành học trong sự phát triển bền vững của đất nước, nhà trường cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều chính sách, hành động cụ thể để thu hút sinh viên trong những năm gần đây. Trong đó, có các nhóm chính sách liên quan đến học bổng, học phí của sinh viên, các chính sách liên quan đến nâng cao chất lượng người học và hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp.

Cụ thể, thầy Giang cho biết: “Ngoài các chính sách liên quan đến học bổng, học phí của sinh viên, hằng năm, nhà trường dành một khoản kinh phí để hỗ trợ Khoa Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế cho sinh viên ngành Hải dương học. Các đợt trải nghiệm thực tế tại các vùng biển trong những năm gần đây luôn thu hút được đông đảo sinh viên tham gia, mang lại niềm hứng khởi, tình yêu và sự gắn bó nhiều hơn với nghề.

Bên cạnh đó, một số gói đầu tư thiết bị cho phòng thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo ngành Hải dương học đã được đưa vào vận hành, giúp sinh viên được tiếp cận với máy móc, thiết bị; nâng cao sự hiểu biết về các chế độ thủy động lực của vùng biển thông qua những mô hình vật lý trực quan.

Hằng năm, nhà trường đều có chính sách để các thầy cô cập nhật và bổ sung chương trình, đề cương môn học, góp phần đưa các vấn đề, nhu cầu thực tế vào mỗi môn học, bài giảng, nhằm trang bị hành trang tốt hơn cho sinh viên trước khi bước vào môi trường làm việc.

Để sinh viên được thực tập, làm quen với môi trường làm việc; đồng thời, có nhiều cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng, trường và khoa chủ động kết nối, tạo điều kiện cho sinh viên với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Hải dương học”.

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-noi-dat-hang-tuyen-dung-som-nhung-nganh-hai-duong-hoc-van-it-sv-theo-hoc-post248005.gd