Có phải chỉ là thói quen?

Trước mấy ngày diễn ra Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI (từ 8 - 12/11/2022), nhiều bộ phim của điện ảnh Việt đã phát hết vé mời.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Có trường hợp, ê-kíp làm phim vừa thông tin trên tài khoản Facebook cá nhân vào buổi sáng, đến buổi chiều báo lại rằng vé đã phát hết.

Chi tiết này cho thấy sự quan tâm của khán giả, cho dù công tác truyền thông về Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 6 rất chừng mực, dè sẻn. Ở một mức độ cao hơn, có thể nhận định lạc quan rằng: Chúng ta đang có nhiều bộ phim tốt, điện ảnh nước nhà đang ngày một phát triển.

Không chỉ ở liên hoan phim lần này, mà ở nhiều sự kiện tương tự khác cũng vậy, hay các tuần phim kỉ niệm, các buổi chiếu miễn phí, thì dù chưa đến giờ chiếu, các hàng ghế cũng đã lấp đầy khán giả. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà nhiều đạo diễn khẳng định: Phim của chúng tôi đã thu hút rất đông người đến xem.

Tuy nhiên, cũng bộ phim đó nếu đưa ra rạp chiếu thương mại, hoặc là bị xếp vào các khung giờ vắng khách, hoặc phải rời rạp rất nhanh. Lý do là bởi số vé bán được quá ít, thậm chí có những suất chiếu không thể thực hiện. Điều này thường xảy ra với các phim dùng ngân sách Nhà nước, với đề tài và cách khai thác đề tài không mới mẻ.

Có rất nhiều lý do để phân tích lý giải nguyên nhân vì sao cũng bộ phim ấy khi chiếu miễn phí thì đông khách, khi chiếu thương mại thì doanh thu vô cùng thấp. Và một trong những lý do có thể nhắc đến, ấy là thói quen thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận khán giả.

Hình như những gì miễn phí thường đông người hưởng ứng. Từ một buổi biểu diễn ca nhạc, một vở rối ngoài trời cho tới một liên hoan sân khấu… Và tất nhiên, cả liên hoan phim.

Trong cái sự dè sẻn ấy, có lý do về kinh tế. Nhưng không thể đổ lỗi tất cả cho cái nghèo, theo kiểu “cái khó bó cái khôn”.

Bình thường chúng ta có thể lãng phí đồ ăn thức uống, vung tay sắm, vào quán gọi cốc cà phê mấy chục nghìn, nhưng lại đắn đo cân nhắc có nên mua cuốn sách này, có nên đặt vé xem bộ phim kia với số tiền tương đương.

Không ai có quyền phê phán thói quen tiêu dùng của người khác. Song thực tế cho thấy nhiều người thường chuộng vật chất, ưu tiên vật chất cho cơ thể mà chưa quan tâm đúng mức tới phần bên trong, phần tinh thần, cái phần không nhìn thấy được nhưng có khả năng chi phối toàn bộ thể xác hữu hình.

Chúng ta thường định vị người kia giàu, người kia nghèo qua đồ dùng, qua tài sản bên ngoài. Chúng ta chưa bao giờ biết được người tưởng nghèo túng kia đang sở hữu một kho của cải vô giá trong tâm hồn.

Song nói đi cũng phải nói lại. Thực tế ở một số liên hoan phim như Liên hoan phim Nhật Bản tổ chức mấy năm nay vẫn bán vé với giá rẻ hơn vé thương mại. Và những người yêu thích phim Nhật vẫn vui vẻ trả tiền để được xem bộ phim mình lựa chọn.

Có thể làm tương tự với điện ảnh Việt được không?

Cũng là một dịp để thử phản ứng, để biết phim mình đang ở đâu, đang có vị trí như thế nào với khán giả trong nước.

Nếu chỉ sản xuất rồi lưu kho, chiếu miễn phí dịp nọ dịp kia và dành cho nhau lời có cánh thì cả phía người làm và người xem vẫn chỉ đang vờ quan tâm đến nhau mà thôi.

Thư Vũ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-phai-chi-la-thoi-quen-post614485.html