Có phải chiến đấu cơ J-35 Trung Quốc sao chép F-35 của Mỹ?

Triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc đã khai mạc hôm 12/11 tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Quân đội Trung Quốc đã trình diễn máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm bí ẩn J-35A trong ngày khai mạc triển lãm hàng không.

Máy bay J-35A của Trung Quốc bay trình diễn tại Chu Hải hôm 12/11 (Ảnh: 6park)

Máy bay J-35A của Trung Quốc bay trình diễn tại Chu Hải hôm 12/11 (Ảnh: 6park)

Việc J-35A, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 thứ hai của Trung Quốc cất cánh bay biểu diễn vào ngày khai mạc Triển lãm hàng không Chu Hải đã thu hút được nhiều sự chú ý nhất.

Trung Quốc bác bỏ thông tin J-35 sao chép F-35 của Mỹ

J-35A là máy bay chiến đấu tàng hình hạng trung, trong khi máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đầu tiên hiện đang phục vụ trong Không quân Trung Quốc là máy bay chiến đấu hạng nặng. Quân đội Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới đưa tiêm kích tàng hình vào sử dụng và sau đó trở thành lực lượng vũ trang đầu tiên trên thế giới sở hữu cả cặp đôi tiêm kích tàng hình F-22 và F-35.

Ngoại hình của máy bay chiến đấu J-35A của Trung Quốc rất giống với F-35. Trang tin VOA của Mỹ ngày 13/11 đưa “trong giới quân sự bên ngoài có tin đồn rằng các nhà thiết kế Trung Quốc đã lấy được một số bí mật của F-35 thông qua hành vi đánh cắp trên mạng và sử dụng trong thiết kế của J-35A”.

 J-35 của Trung Quốc và F-35 của Mỹ (Ảnh: Santaihu).

J-35 của Trung Quốc và F-35 của Mỹ (Ảnh: Santaihu).

Tuy nhiên, một bài viết được đăng tải trên nhiều trang tin Trung Quốc đã phân tích, phủ nhận giả thuyết này. Bài báo viết: Một số người cho rằng J-35A là mẫu máy bay đa năng giá rẻ bắt chước F-35. Tuyên bố này đi theo một thói quen là “Trung Quốc luôn bắt chước Mỹ”. Tuy nhiên, F-35 của Mỹ được tạo ra sau khi Liên Xô sụp đổ; khi đó Mỹ không cần phải chiến đấu chống lại các cường quốc mà chỉ cần “một chiếc búa rẻ tiền để cướp nhà và đòi nợ”. Ý tưởng cốt lõi của thiết kế là giá rẻ và mục tiêu là những kẻ khủng bố.

Sự xuất hiện của J-20 cho thấy Trung Quốc đã thoát khỏi con đường bắt chước và bắt đầu phát triển vũ khí theo nhu cầu chiến đấu của chính mình.

 J-20 của Trung Quốc (trái) và F-35 của Mỹ (Ảnh: Sohu).

J-20 của Trung Quốc (trái) và F-35 của Mỹ (Ảnh: Sohu).

Trung Quốc cũng phân tích môi trường chiến trường và phát triển vũ khí dựa trên mục tiêu chiến thuật, chỉ ra rằng J-35 không thể nào bắt chước F-35 của Mỹ.

Thực ra, J-35 giống như phiên bản nâng cấp của F-22. Cách bố trí khí động học của hai chiếc rất giống nhau, nhưng thiết kế tinh tế hơn, loại sơn cao cấp hơn, vòi phun động cơ hoàn toàn đối xứng theo trục và tiên tiến hơn F-22 với hai vách ngăn, cửa hút gió tiên tiến hơn, đơn giản và tàng hình tốt hơn, chưa cần nói tới máy tính và cảm biến radar càng vượt trội.

Vị trí tác chiến chiếm ưu thế trên không của J-35 cũng tương tự như F-22. Mẫu F-22 ban đầu được thiết kế để đối phó với khả năng siêu cơ động của dòng Su-27 của Liên Xô. Nó là một chiếc máy bay tác chiến trên không. Thật không may, nó được sinh ra không đúng thời điểm. Kể từ khi ra đời, F-22 chưa bao giờ có cơ hội tham gia một cuộc không chiến nào. Cho đến nay, các tên lửa được nó phóng vẫn chưa bắn trúng mục tiêu nào.

Tuy nhiên, mục tiêu chiến đấu của J-35 lại là tiêu diệt F-35. Chi phí phát triển F-35 là 200 tỷ USD và có 8 quốc gia trên thế giới tham gia hợp tác. Không quân Mỹ có kế hoạch trang bị hơn 2.000 máy bay chiến đấu F-35. Chiến đấu cơ này mới bắt đầu được trang bị, và nó là loại duy nhất trong toàn bộ thế giới phương Tây. Việc Trung Quốc đặc biệt thiết kế một chiếc máy bay để đối phó F-35 là điều đáng làm.

 Cặp đôi chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 (trên) và F-22 của Mỹ (Ảnh: 6park).

Cặp đôi chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 (trên) và F-22 của Mỹ (Ảnh: 6park).

Nếu J-35 được sử dụng làm máy bay hoạt động trên tàu sân bay, thì vai trò của tàu sân bay Trung Quốc không phải là ném bom lục địa Mỹ mà là mở rộng bán kính phòng thủ của Trung Quốc. Đối tượng tấn công của máy bay trên tàu sân bay Trung Quốc cũng là máy bay của tàu sân bay Mỹ, tức là F-35.

J-35A sẽ sớm được sản xuất hàng loạt

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng chuyến bay của J-35A tại Triển lãm hàng không Chu Hải cho thấy loại máy bay chiến đấu này sẽ sớm được đưa vào phục vụ trong PLAF (Không quân Trung Quốc), khiến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ có hai loại máy bay chiến đấu tàng hình hoạt động trong biên chế cùng một lúc.

Vào ngày khai mạc triển lãm hàng không, phi đội biểu diễn trên không “Bát Nhất” của PLAF đã cho một nhóm máy bay chiến đấu J-20 bay lên bầu trời và thực hiện màn trình diễn nhào lộn trên không.

 J-35A bay trình diễn sáng 12/11 (Ảnh: Reuters).

J-35A bay trình diễn sáng 12/11 (Ảnh: Reuters).

J-35 là mẫu đầu tiên của loại máy bay chiến đấu tàng hình hạng trung có khả năng sử dụng cho cả Không quân và Hải quân, phi công đã cố gắng thể hiện hiệu suất cao trong màn biểu diễn bay vào ngày đầu tiên của triển lãm hàng không. Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc gọi đây là một "sự xuất hiện bất ngờ đáng kinh ngạc" và "vừa xuất hiện đã thể hiện động tác nhào lộn khiến người ta nín thở".

Tân Hoa Xã dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Minh Chí (Wang Mingzhi) cho biết, chiếc J-20 chủ yếu thực hiện hoạt động tác chiến chiếm ưu thế trên không, trong khi J-35A có thể thực hiện cả các hoạt động tác chiến chiếm ưu thế trên không và các nhiệm vụ tấn công mặt đất và mục tiêu trên biển khác nhau.

Ông Vương Minh Chí nói: "J-20 và J-35A không chỉ tạo thành tổ hợp chức năng 'nặng và vừa' của cặp máy bay chiến đấu tàng hình hạng nặng và hạng trung, mà còn tạo thành tổ hợp nhiệm vụ 'chuyên và đa', tập trung vào kiểm soát trên không là chính và chú trọng đa nhiệm nhằm mục đích tăng cường khả năng tấn công trong môi trường đe dọa cao và đối đầu mạnh mẽ”.

 Phi đội J-20 4 chiếc bay trình diễn hôm 12/11 (Ảnh: Chuanguan).

Phi đội J-20 4 chiếc bay trình diễn hôm 12/11 (Ảnh: Chuanguan).

Những chi tiết mới mẻ của J-35A

Trang CCTV News ngày 14/11 đăng bài viết “Chuyên gia hàng đầu giải thích về những điểm mới của J-35A”, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới do Trung Quốc độc lập phát triển, xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 được tổ chức tại Chu Hải. Theo bài viết, J-35A bao gồm những điểm mới sau:

Thứ nhất, thích ứng với môi trường chiến trường mới. J-35A là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới được Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc phát triển độc lập. Máy bay sử dụng thiết kế một chỗ ngồi, hai động cơ, thân cánh tích hợp, đuôi khum dọc hai cánh. Nó tập trung lấy tác chiến chiếm ưu thế trên không là chủ yếu và kiêm tác chiến đối đầu. Nó chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ chiếm giữ và duy trì ưu thế trên không, tấn công máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba/thứ tư của đối phương, lực lượng phòng không mặt đất/trên biển và đánh chặn máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tên lửa hành trình và các mục tiêu trên không khác của đối phương.

 J-35A trưng bày tĩnh cùng vũ khí đối không (Ảnh: Singtao).

J-35A trưng bày tĩnh cùng vũ khí đối không (Ảnh: Singtao).

Ông Vương Vĩnh Khánh (Wang Yongqing), Chuyên gia trưởng kiêm Giám đốc Khoa học và Công nghệ của Viện thiết kế máy bay Thẩm Dương thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc, cho biết: “Nói về sự mới mẻ của J-35A, có thể mô tả nó từ nhiều góc độ. ‘Mới’ chủ yếu thể hiện ở sự cần thiết phải thích ứng với môi trường chiến trường mới. Điểm ‘mới’ về chiến trường hiện tại có thể được mô tả bằng một vài từ. Đó là tin học, phân tán, tàng hình và thông minh. Cũng có thể nói đó là chiến trường được nối mạng và hệ thống hóa”.

Thứ hai, có năng lực tác chiến mới. Ông Vương Vĩnh Khánh cho rằng J-35A cũng cần có khả năng tác chiến mới. Khả năng tàng hình và bay của nó là cơ sở. Khả năng chiến đấu mới có liên quan chặt chẽ đến tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tin học hóa và thông minh hóa, bao gồm những thành tựu mới về công nghệ máy tính, công nghệ mạng, công nghệ cảm biến, cấu trúc mở, tích hợp dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các tiến bộ công nghệ khác, mang lại cho máy bay những khả năng mới, để thích ứng với chiến trường mới.

Thứ ba là công nghệ mới. J-35A là máy bay chiến đấu đa năng, có thể được sử dụng để tấn công cả trên không, dưới đất và trên biển. Là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc, 'tính chất mới' của J-35A chủ yếu thể hiện ở khả năng tàng hình, tin học hóa, kết nối mạng và thông minh hóa".

 Có tin hiện Trung Quốc đã có 16 chiếc F-35A và sắp tới sẽ được sản xuất hàng loạt để đưa vào trang bị (Ảnh: Singtao).

Có tin hiện Trung Quốc đã có 16 chiếc F-35A và sắp tới sẽ được sản xuất hàng loạt để đưa vào trang bị (Ảnh: Singtao).

Ông Vương Vĩnh Khánh cho rằng công nghệ tàng hình ngày nay đã phát triển đến giai đoạn mà các chi tiết quyết định thành bại. Đôi khi một số chi tiết mà mắt thường không nhìn thấy đều ảnh hưởng đến sự tán xạ của radar. Bề ngoài của J-35A mà mọi người nhìn thấy rất giản đơn, nhưng sự giản đơn không hề đơn giản. Mọi chi tiết của J-35A đều phản ánh công nghệ tàng hình khí động học cao và trí tuệ cao của người thiết kế.

Theo CCTV, 6park

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/co-phai-chien-dau-co-j-35-trung-quoc-sao-chep-f-35-cua-my-post180089.html