Có phải lắp đặt lan can trên diện tích mái?
Liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn cháy, trong phạm vi của QCVN 06:2022/BXD, yêu cầu về lắp đặt lan can tay vịn trên các mái cũng chỉ áp dụng đối với phần mái được thiết kế bố trí trước cho việc tiếp cận từ trên mái, không quy định đối với những khu vực không tính toán trước để người có thể qua lại.
Theo phản ánh của ông Lê Bá Long, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về An toàn cháy cho nhà ở và công trình QCVN 06:2022/BXD. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã phát sinh nhiều câu hỏi, cũng như hướng dẫn khác nhau từ các địa phương.
Theo Điều 6.14, Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về An toàn cháy cho nhà ở và công trình QCVN 06:2022/BXD quy định:
"Trong các nhà có độ dốc mái đến 12%, chiều cao đến diềm mái hoặc mép trên của tường ngoại (tường chắn) lớn hơn 10 m, cũng như trong các nhà có độ dốc mái lớn hơn 12% và chiều cao đến diềm mái lớn hơn 7 m phải có lan can, tay vịn trên mái phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành".
Tuy nhiên, theo Khoản a Điều 3.1.2 Quy chuẩn An toàn nhà ở và công trình công cộng – An toàn sinh mạng và sức khỏe QCVN 05:2008/BXD, thì:
"Phải có lan can hoặc vật chắn đủ khả năng ngăn người đi lại không bị ngã tại các sàn nền có cao độ chênh nhau từ 2 bậc thang (hoặc 380 mm nếu không có bậc thang trở lên và ở các vị trí:
a) Cầu thang bộ, bậc thang, đường dốc, sàn, ban công, lô gia, hành lang và mái có người đi lại;".
Đồng thời, tại Điều 7.9 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995, về Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế cũng đề cập: "Phải đặt lan can hoặc tường chắn trên mái những ngôi nhà có các điều kiện độ dốc mái đến 12%, chiều cao diềm mái từ 10 m trở lên hay độ dốc mái lớn hơn 12%, chiều cao diềm mái từ 7 m trở lên. Phải đặt lan can dọc tường chắn cho mái bằng (khi mái được sử dụng), ban công, lô gia hành lang ngoài, cầu thang ngoài trời, chiếu nghỉ cầu thang".
Cả hai quy chuẩn, tiêu chuẩn như đề cập ở trên đều nhấn mạnh đến việc cần thiết lan can cho diện tích mái được sử dụng, có người đi lại.
Tuy nhiên ở một số địa phương, cán bộ thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy lại yêu cầu lắp đặt trên các diện tích mái lợp tấm tôn và không có mục đích cho người đi lại hay sử dụng.
Quy định ở Điều 6.14 không phải là quy định mới, đây cũng chính là Điểm 5.15 tại QCVN 06:2010, và toàn bộ thiết kế các công trình từ năm 2010 đến nay đều phần lớn không gắn lan can trên mái tôn.
Việc thay đổi cách diễn giải một cách đường đột, yêu cầu lan can trên mái mà không có luận chứng lý giải rõ ràng là rất khó hiểu.
Ngoài ra, ông Long cũng đề nghị được làm rõ quy định về lan can, tay vịn trên mái phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành thì tại thời điểm hiện tại, tiêu chuẩn hiện hành đang được áp dụng là tiêu chuẩn nào?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Nội dung Điều 6.14 trong các quy định của QCVN 06:2022/BXD liên quan đến bảo đảm tiếp cận cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn khi công trình có bố trí tiếp cận từ trên mái.
Do vậy liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn cháy, trong phạm vi của QCVN 06:2022/BXD, yêu cầu về lắp đặt lan can tay vịn trên các mái cũng chỉ áp dụng đối với phần mái được thiết kế bố trí trước cho việc tiếp cận từ trên mái, không quy định đối với những khu vực không tính toán trước để người có thể qua lại.