'Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?' *

Suốt gần một thế kỉ qua, 'tháp chàm thơ' sừng sững và bí ẩn Chế Lan Viên đã tạc vào nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm đồ sộ có giá trị. Năm 2020, tròn 100 năm ngày sinh của nhà thơ, người con của làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ. Cũng trong dịp này tỉnh Quảng Trị dự kiến khánh thành Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại làng An Xuân quê hương ông.

 Ngôi nhà thờ Chế Lan Viên tại làng An Hưng ngập tràn cỏ cây, hoa lá. Ảnh: HNK

Ngôi nhà thờ Chế Lan Viên tại làng An Hưng ngập tràn cỏ cây, hoa lá. Ảnh: HNK

Nhưng ít người biết rằng ngay tại khu phố An Hưng thuộc thị trấn Cam Lộ, người con gái của ông là nhà thơ Phan Thị Vàng Anh lại tự tay dựng một ngôi nhà nhỏ trên một khu vườn rộng sát với dòng sông Hiếu hiền hòa. Tôi đã gặp được Vàng Anh trong một lần chị tạm rời xa náo nhiệt phố phường, tìm về quê hương sống khép mình trong ngôi nhà, là chốn yên bình nơi quê cha đất tổ.

Phải chăng tác giả của tập truyện ngắn “Khi người ta trẻ” lại có suy tư “khi không còn trẻ” theo một lẽ thường “lá rụng về cội” sau quãng đời bôn ba nơi đất khách. Khi tiếp xúc với thần tượng thơ ca thuở bé “Mèo con đi học” của mình, tôi mới biết rằng chuyện dựng nhà ở quê để một năm đôi ba lần về sống cả tháng trời chính là sự đền ơn báo hiếu với bậc sinh thành. Bởi trong mỗi con người luôn có một hoàn cảnh khác nhau: Đương thời nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thốt lên“Một cây mấy rễ/Mấy đời lang thang”.

Cuộc đời Chế Lan Viên gắn bó với các địa danh như An Xuân (Cam An, Cam Lộ) là quê cha, quê mẹ; huyện An Nhơn (Bình Định), nơi một thời ông theo cha sinh sống, lớn lên và bắt đầu viết những câu thơ đầu đời; Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh), nơi nâng niu cuộc đời ông lúc tuổi già. Vậy nên Chế Lan Viên là một con người hoài cổ, hoài hương và hoài thương. Nỗi niềm đó bắt nguồn từ sự nhạy cảm vượt ra ngoài giới hạn thông thường đưa ông đến với thế giới siêu hình, thế giới của vong quốc cổ xưa trong những dấu chân đầu tiên bước vào vườn thi ca đương đại. Sự nhạy cảm về cuộc sống mà ông đã trải qua phải chăng bắt nguồn từ sự kết tinh của gia đình ông, nơi người cha, một công chức mẫn cán, một phật tử tại gia thành tâm, một người biết chăm lo cho gia đình, họ tộc; với người mẹ, người cùng làng An Xuân suốt một đời lam lũ theo chồng nuôi con. Vậy nên ẩn sau một tính cách bộc trực là một tâm hồn đa cảm. Nỗi niềm đó bắt nguồn từ một tình yêu về quê hương xứ sở, về mảnh đất nghèo nuôi dưỡng tâm hồn ông lớn lên nên luôn cảm thông với quê hương mình: “Ôi gió Lào ơi!Ngươi đừng thổi nữa/Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người/Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười”.

Nhưng có lẽ không hạnh phúc nào hơn đối với nhà thơ sau bao năm theo cách mạng, tháng 7/1949, ông được gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương ngay chính trên quê hương mình: “Giã từ mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời/Kết nạp Đảng, bỗng trở về quê mẹ!/Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?/Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm…” (Kết nạp Đảng trên quê mẹ).

Năm 1972, Quảng Trị giải phóng, Chế Lan Viên lại về thăm quê, nhưng ông không thể đến viếng phần mộ mẹ ông do đường vào đầy mìn. Mảnh vườn mẹ ở làng An Xuân dù đã bị chiến tranh tàn phá nhưng hình ảnh thân thương cứ trở đi trở lại trong thơ ông như một nỗi hoài hương day dứt: “Vườn mẹ xe ủi sạch/Lối về bom với mìn/Đứng xa nhìn kỉ niệm/Ban mai sao hoàng hôn” (Vườn mẹ), hay “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/Khế trong vườn thêm một tí rau thơm/ Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm” (Canh cá tràu). Và cũng chính vì đau đáu một niềm thương với quê hương nên lúc còn là đại biểu Quốc hội (đại diện khu vực Bình Trị Thiên) trong một dịp về thăm quê, ông đã cảm động đến rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy dòng nước của trạm bơm Nam Thành (nay thuộc thị trấn Cam Lộ) tưới tắm cho “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ” đã hằn sâu trong tiềm thức của mình.

 Anh Phan Văn Vĩnh, một hậu duệ của nhà thơ nói chuyện về đề tài thơ Chế Lan Viên với giáo viên, học sinh Trường THPT Chế Lan Viên. Ảnh: HNK

Anh Phan Văn Vĩnh, một hậu duệ của nhà thơ nói chuyện về đề tài thơ Chế Lan Viên với giáo viên, học sinh Trường THPT Chế Lan Viên. Ảnh: HNK

Vậy nên như một sự thôi thúc tâm linh, chị Vàng Anh quyết định dựng một ngôi nhà không phải ở làng An Xuân quê chị mà tại khu phố An Hưng, nơi có một nhánh của họ Phan lên đây lập nghiệp. Dựng một ngôi nhà nhỏ có khuôn vườn rộng, trồng thật nhiều cây trái là dựng lại một “cõi nhớ” của nhà thơ với bóng dáng vườn mẹ yêu thương, với dư vị canh khế cá tràu da diết và cả ngọn gió Lào ám ảnh trong tâm trí người cha mình. Nhiều người nhận xét chị Vàng Anh sống khép kín nhưng với tôi thì không. Thoải mái gặp gỡ chuyện trò nhưng không quay phim, chụp ảnh bởi đó là nguyên tắc sống riêng của chị.

Lần gặp này, chị vui vẻ chuyện trò với tôi bên mép sông sau vườn nhà với bao câu chuyện thú vị, ví như sự lí giải tại sao chị lại chọn nơi này để dựng nhà chứ không phải ở làng An Xuân. Bởi trong những lần về thăm quê, chị thường được người cháu Phan Bảo Hòa chở bằng xe máy dạo quanh thăm thú cảnh vật quê nhà. Một buổi chiều cùng Bảo Hòa ngồi uống nước ở bờ Bắc sông Hiếu nhìn sang khu phố An Hưng, chị thấy hai lùm cây tỏa bóng. Khung cảnh thật hiền hòa và có duyên trong mắt người. Một điều gì đó cứ thôi thúc chị, khiến chị quyết tâm tìm về vị trí đó hỏi mua miếng đất rồi đích thân kêu thợ dựng nhà. Ngôi nhà được làm bằng gỗ dân dụng, chị Vàng Anh tự nghĩ kiểu dáng, kích thước, chi tiết, rồi cùng với thợ… dựng lên. Ngôi nhà nhỏ gọn, không cầu kì nhưng có lối kiến trúc khác lạ, bốn bề chỉ ngăn cách đơn sơ, thông thoáng mở ra với thế giới bên ngoài là vườn tược cỏ cây. Nơi trang trọng nhất của ngôi nhà chính là bàn thờ của người cha yêu quý-Chế Lan Viên. Không gian này cũng giản đơn chỉ một bức chân dung nhỏ của nhà thơ cùng mấy con vật bằng đất nung. Chị lí giải rằng dẫu là chốn thờ tự linh thiêng nhưng vẫn muốn tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với mọi người. Thỉnh thoảng chị cùng mẹ - nhà văn Vũ Thị Thường cùng con chị về đây sống cả tháng trời để con được đẫm mình trong không gian đậm chất đồng quê dân dã. “Nào cần gì phải đi xa/Lên giường nhắm mắt, cũng là đi chơi/Có khi mộng cũng núi đồi/Cũng sông, cũng biển, cũng thời trẻ thơ”. Qua đó là nhận biết cá tính “xê dịch” của Vàng Anh luôn đắm chìm trong không gian làng mạc gần gũi quê nhà.

Hiện nay Phan Thị Vàng Anh sống cùng mẹ trong căn nhà ở quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) có tên gọi là Viên Tĩnh Viên. Nhưng ở Quảng Trị quê cha, chị vẫn muốn tìm lại ở đó một khoảng sống an bình với thiên nhiên hoang sơ đầy cỏ cây hoa lá. Chị nói với tôi như một sự giải bày: “Mẹ tôi cứ mỗi lần về sống ở đây là thích ở mãi không muốn vào lại TP. Hồ Chí Minh. Bà còn bảo tôi đưa con cháu về ở hẳn trong ngôi nhà này nhưng tôi đang lưỡng lự bởi sợ ảnh hưởng đến việc học hành của tụi nhỏ. Nhưng sớm muộn gì tôi cũng chiều theo ý nguyện của bà cụ…”.

Nhìn nét mặt chị, tôi nhận ra tính cách của Phan Thị Vàng Anh, nếu dữ dội bao nhiêu thì cũng chân tình, đằm thắm bấy nhiêu. Và trách nhiệm nhà văn trong chị lớn bao nhiêu thì chị cảm thấy phía trước còn nhiều việc phải làm bấy nhiêu, nhất là sự quyến luyến với quê cha đất tổ, sự trở về trên mảnh đất “Ấm lành Quảng Trị” như một sự tất yếu đối với mẹ con chị Vàng Anh.

Hồ Nguyên Kha

.............

* Một câu trong bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145634