Cổ phần hóa DNNN: Không làm phát sinh thủ tục, vướng mắc ngoài quy định

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý, nội dung văn bản số 4544/BTC-TCDN bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật; không làm phát sinh thủ tục, vướng mắc ngoài các quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2019.

Tổng Công ty viễn thông MobiFone là một trong số 93 doanh nghiệp nằm trong danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Ảnh: TL

Nhiều vướng mắc, khó thực hiện

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm.

Tính đến hết quý 2/2019, cả nước mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88 trên tổng số 405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Sự chậm trễ này một phần là do vướng mắc ở các quy định pháp lý; trong đó, một nội dung được cho là gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cổ phần hóa DNNN chính là quy định “giá đất cụ thể” được lấy làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp quy định tại văn bản số 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, quy định “giá đất cụ thể làm cơ sở định giá trị doanh nghiệp” tức là sẽ phải xác định giá đất trước để làm cơ sở xác định giá trị tài sản là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, việc xác định “giá đất cụ thể” sẽ thực hiện sau cổ phần hóa. Vì vậy, với quy định mới này, doanh nghiệp cho rằng, mình bị “đánh đố”, rất khó để thực hiện.

Bên cạnh đó, việc tính “giá đất cụ thể” đối với đối với doanh nghiệp thuê đất có thời hạn theo hình thức trả tiền hàng năm thì đây phải được coi là chi phí thường xuyên của doanh nghiệp, không phải là giá trị tài sản để tính vào giá trị doanh nghiệp. Vì vậy, quy định như tại văn bản 4544/BTC-TCDN sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi áp dụng vào tính giá trị tài sản khi cổ phần hóa.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, nếu áp dụng theo quy định này, giá trị doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể nhưng sẽ giảm sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Hơn nữa, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính giá trị đất này vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nên các doanh nghiệp rất lúng túng khi thực hiện.

Nói về những khó khăn khi thực hiện cổ phần hóa, một cán bộ của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) nêu ví dụ: Để thực hiện sắp xếp lại, doanh nghiệp phải lập danh sách tài sản là đất đai rồi trình lên cấp có thẩm quyền, khi được đồng ý thì gửi đi các tỉnh. Trong khi đó, mỗi doanh nghiệp có hàng trăm cơ sở đất đai ở hàng chục tỉnh khác nhau, doanh nghiệp sẽ phải đến từng tỉnh lấy ý kiến rồi quay về nộp Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến các đơn vị có liên quan mới ra phương án cổ phần hóa. Nhưng ra phương án xong, nếu có thay đổi thì lại phải làm lại từ đầu.

Trước đây, đã từng có quy định đưa “giá trị lợi thế vị trí địa lý” của lô đất để tính vào giá trị doanh nghiệp và đã gây khó khăn trên thực tế áp dụng khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Lý do là do phương pháp tính không cụ thể, mỗi địa phương có cách tính khác nhau và “giá đất” tính vào bằng cách này làm giá trị doanh nghiệp tương đối cao và sau đó đã phải bỏ cách tính này.

Rà soát một số văn bản pháp lý

Tính đến hết năm 2017, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong khi mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp hoạt động trong 11 lĩnh vực. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017 - 2020, sẽ thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý, nội dung văn bản số 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật; không làm phát sinh thủ tục, vướng mắc ngoài các quy định pháp luật của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 theo Thông báo số 7287/VPCP-ĐMDN ngày 15/8/2019.

Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện có kết quả các nội dung theo Thông báo số 249/TB-VPCP ngày 17/7/2019 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp ban ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-phan-hoa-dnnn-khong-lam-phat-sinh-thu-tuc-vuong-mac-ngoai-quy-dinh-post68651.html