Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Làm rõ cơ sở pháp lý

Đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty chậm đổi mới, ngại đổi mới theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn không ít vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện.

Chậm đổi mới, ngại đổi mới

Theo báo cáo "Tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)" của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), với tổng giá trị 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 36/128 DN CPH thuộc danh mục phải CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng (đạt 28% kế hoạch).

Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận, tình hình thực hiện CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng vẫn rất chậm. Nguyên nhân là do còn nhiều DN, tổng công ty vẫn "chậm đổi mới, ngại đổi mới".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ rõ, công tác CPH, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện. Cụ thể, vướng mắc về phê duyệt phương án sắp xếp, CPH, phương án sử dụng đất đai trước khi CPH. Điển hình, việc CPH những DN lớn như: Agribank, VNPT, Vinafood 1… đang bị đình trệ. Một số tập đoàn, tổng công ty có địa bàn hoạt động rộng, trải dài trên 63 tỉnh, thành phố, nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn. "Chỉ cần 1 địa phương trong tổng số 63 tỉnh không phê duyệt phương án CPH là dẫn tới ách tắc hết" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều DN sau CPH chưa tuân thủ quy định về quản lý giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công tác đào tạo cán bộ có năng lực còn bất cập, người tài ít vào DNNN…

Trong khi CPH vẫn diễn ra chậm, công tác thoái vốn cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn từ năm 2016 – tháng 9/2019, cả nước mới chỉ thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2019, có 12/62 DN thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 783 tỷ đồng, thu về 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN ngoài Danh mục theo Quyết định 1232/QĐ-TTg thoái vốn với tổng giá trị 2.432 tỷ đồng, thu về 4.653 tỷ đồng.

Mặc dù, CPH và thoái vốn phải theo tinh thần công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình này đã phát hiện những bất cập.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ, hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn

Để hoàn thành công tác cơ cấu lại DNNN, trong đó trọng tâm là CPH, thoái vốn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm rõ thêm giá trị pháp lý, cơ sở pháp lý và hiệu lực của Công văn số 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất khi CPH DN; rà soát, sắp xếp lại toàn bộ đất đai của các công ty mẹ, công ty con, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN trực thuộc theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg. Đồng thời, kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm phê duyệt phương án theo quy định. Hoàn thành chậm nhất trong quý IV/2019.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-phan-hoa-thoai-von-nha-nuoc-lam-ro-co-so-phap-ly-126773.html