Cổ phiếu bất động sản sắp rời sàn vẫn đua trần
Quyết định tăng lãi suất 0,25% của Fed hôm qua không nằm ngoài dự đoán của thị trường, VN-Index không có phản ứng tiêu cực. Hôm nay, VN-Index tiếp tục đi lên, nhờ sự ủng hộ của nhóm bất động sản. Đáng chú ý, một cổ phiếu sắp rời sàn là PVL vẫn liên tục tăng trần.
Quyết định tăng lãi suất 0,25% của FED hôm qua không nằm ngoài dự đoán của thị trường, VN-Index không có phản ứng tiêu cực. Đêm qua, chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại. Thị trường trong nước mở cửa sáng nay tiếp tục đi lên. Thanh khoản gia tăng là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường.
Nhóm bất động sản là trụ đỡ vững chắc cho thị trường, được dẫn dắt bởi VHM, VIC, NVL. VHM đã bước sang phiên thứ 3 tăng giá liên tiếp, dù đà tăng thu hẹp nhưng áp lực chốt lời chưa rõ rệt. VHM đóng cửa tăng 2,1%. Như vậy, chỉ qua 1 tuần, cổ phiếu này đã tăng giá 13%.
Cũng trong nhóm bất động sản, NLG, HU1, NVL, PVL cùng tăng trần. PVL tăng trần 2 phiên liên tiếp, bất chấp cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết. 50 triệu cổ phiếu PVL sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 13/4 tới đây. Cổ phiếu PVL bị hủy niêm yết là do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của công ty. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, PVL ghi nhận doanh thu chỉ đạt 2,77 tỷ đồng, đạt 9,23% so với kế hoạch - trong khi cùng kỳ năm trước đạt 23,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 58,5 triệu đồng, đạt 2,9% so với kế hoạch - trong khi cùng kỳ thu về 17,1 tỷ.
Cổ phiếu của các nhà thầu xây dựng cũng khởi sắc trong bối cảnh Chính phủ, bộ, ngành, địa phương liên tục “thúc” giải ngân đầu tư công. Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có Chỉ thị 08 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ba Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cổ phiếu xây dựng đồng loạt khởi sắc, C4G, EVG, VCG, FCN, HBC, HTN cùng tăng giá.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng gây áp lực cho thị trường. Các mã lớn nhóm Big4 như CTG, BID, VCB đi lùi. VCB là mã giao dịch tiêu cực nhất thị trường hôm nay, bị chốt lời sau 3 phiên tăng tốt vừa qua. VCB đóng cửa giảm 1,9%, không quá mạnh nhưng với vốn hóa lớn nhất thị trường, ảnh hưởng của VCB cũng khiến chỉ số chính lao đao. Nhóm kéo chỉ số đi lùi còn có MSN, VNM, BVH, DCM, PPC, GAS, FPT.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,69 điểm (0,16%) lên 1.046,79 điểm. HNX-Index tăng 2,4 điểm (1,18%). UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (0,01%) xuống 76,16 điểm. Thanh khoản tăng mạnh, giá trị khớp lệnh HoSE gần 8.300 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 104 tỷ đồng, tập trung vào VHM, HPG, VIC, NLG, VCI.
Trong bối cảnh hiện nay, dù thị trường khởi sắc trở lại, nhưng Chứng khoán Vietcombank khuyến nghị nhà đầu tư duy trì quan điểm phòng thủ, tận dụng những phiên tăng điểm của thị trường để đưa tài khoản về ngưỡng an toàn, đồng thời, quan sát thị trường từ 2-3 phiên tới để xác định xu hướng rõ ràng hơn và hạn chế giải ngân sớm trong giai đoạn này.
Dù chưa xác nhận được tín hiệu tích cực, nhưng theo Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), một số cổ phiếu đã có sự bứt phá (dòng chứng khoán, bất động sản, ngân hàng…) có thể là một tín hiệu khởi đầu cho xu hướng tăng điểm còn non trẻ.CSI khuyến nghị mở vị thế mua thăm dò một phần nhỏ ở các dòng chứng khoán, bất động sản, ngân hàng…để thăm dò và có thể tăng dần tỷ trọng khi thị trường tiếp tục hồi phục mạnh.
Còn Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, Áp lực chốt lời không quá mạnh cùng lực mua chủ động gia tăng đã giúp chỉ số bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.02x điểm. Mặc dù áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục và hướng lên vùng đích kỳ vọng quanh 1.05x điểm của VN-Index vẫn đang có phần chiếm ưu thế. Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng tỷ trọng trading khi giá của các cổ phiếu mục tiêu về quanh ngưỡng hỗ trợ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-phieu-bat-dong-san-sap-roi-san-van-dua-tran.html