Cổ phiếu bất động sản tiếp tục hút dòng tiền, MSN thỏa thuận 'khủng'
Dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đặc biệt là các mã bất động sản. Cổ phiếu MSN thỏa thuận 'khủng', trong đó khối ngoại bán ròng tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Sau phiên tăng điểm trở lại với thanh khoản thấp, tâm lý nhà đầu tư ngày 27/3 vẫn tỏ ra khá tích cực. Điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, trạng thái chủ đạo của thị trường chung là biến động trong biên độ hẹp khi có sự tranh chấp mạnh giữa bên mua và bên bán.
Đến cuối phiên sáng, giao dịch trên thị trường diễn ra tiêu cực hơn khi nhóm ngân hàng vấp phải áp lực bán mạnh và khởi đầu cho đà điều chỉnh sau đó. Phiên chiều diễn ra không quá tiêu cực dù áp lực bán xuất hiện mạnh ở phiên sáng. Xu hướng chủ đạo vẫn là giằng co với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen. Dù lực bán có phần dâng cao ở đầu phiên chiều nhưng sau đó, lực cầu xuất hiện trở lại và kéo một số nhóm ngành cổ phiếu từ đó giúp VN-Index hồi phục, thậm chí chỉ số này còn đóng cửa trong sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa là tâm điểm của phiên hôm nay khi ghi nhận nhiều mã bứt phá mạnh. Trong đó, các mã như VSC, QCG, CSV... đều được kéo lên mức giá trần. Cổ phiếu VSC sau khi giao dịch cầm chừng ở phiên sáng thì đến cuối phiên bất ngờ tăng vọt. Bên cạnh đó, các cổ phiếu thuộc nhóm cảng hay vận tải biển như HAH, GMD, VOS... cũng tăng giá khá tốt ở phiên chiều. Thông tin được cho là tác động đến nhóm này là việc Cảng lớn của Mỹ phải đóng cửa sau vụ sập cầu từ đó ngành logistics lại hối hả ứng phó.
Nhóm bất động sản cũng hút dòng tiền tốt khi PIV, VRC, QCG hay TN1 đều tăng trần. Bên cạnh đó, DIG tăng 2,5%, DXG tăng 2,3%, HDG tăng 2,1%...
Tại nhóm chứng khoán, mọi sự chú ý của nhà đầu tư vẫn tập trung vào VND khi VNDirect chưa kết nối trở lại với các sở giao dịch. Lực bán đối với cổ phiếu VND hôm nay đã suy yếu đi đáng kể và cổ phiếu này chỉ giảm nhẹ 0,64%. Các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng có sự phân hóa mạnh, trong đó, FTS, CTS, VCI hay VDS đều chìm trong sắc đỏ.
Ở hướng ngược lại, HCM và SSI bật tăng mạnh vào cuối phiên, SSI tăng 1,3% còn HCM tăng 2,5%. Cuối phiên giao dịch xuất hiện một số tin đồn về vấn đề bảo lãnh thanh toán cho NĐT nước ngoài mua trước và nộp tiền sau, đây được cho là nguyên nhân chính giúp SSI và HCM bật tăng cuối phiên.
Ở nhóm thép, sau khi giao dịch rất khởi sắc ở đầu phiên thì biến động ở cuối phiên lại đi theo chiều hướng ngược lại, HPG và NKG tăng khá tốt trước đó thì đóng cửa không biến động nhiều so với phiên trước. NKG về lại mốc tham chiếu còn HPG tăng nhẹ 0,16%. HSG có sự khác biệt với 2 mã trên khi tăng 2,6% và khớp lệnh hơn 27 triệu đơn vị.
Tại nhóm ngân hàng, BID và VCB là 2 mã tác động xấu nhất đến VN-Index khi lấy đi lần lượt 0,7 điểm và 0,69 điểm. Đóng cửa phiên, BID giảm 0,94% còn VCB giảm 0,52%. Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu lớn như GVR, TCB, VHM, VRE... cũng chìm trong sắc đỏ.
Chiều ngược lại, MWG gây bất ngờ khi tăng mạnh 4,2% và đóng góp 0,73 điểm cho VN-Index. Tiếp sau đó, MSN và CTG tăng lần lượt 1,9% và 0,85% với số điểm đóng góp là 0,49 điểm và 0,39 điểm. MSN phiên hôm nay có giao dịch thỏa thuận hơn 39,6 triệu cổ phiếu ở mức giá 69.500 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch lên đến hơn 2.750 tỷ đồng. Khối ngoại phiên hôm nay cũng bán ròng gần 14,3 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,88 điểm (0,07%) lên 1.283,09 điểm. Toàn sàn có 244 mã tăng, 209 mã giảm và 95 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,82 điểm (0,34%) lên 242,85 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 64 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm (0,02 điểm -0,02%) xuống 91,19 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch riêng trên HoSE đạt 919,3 triệu cổ phiếu, trị giá 24.061 tỷ đồng, tăng gần 10% so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4.557 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.784,4 tỷ đồng và 563 tỷ đồng. NVL khớp lệnh mạnh nhất thị trường ở phiên hôm nay với 43,8 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, VND và HSG khớp lệnh lần lượt 37 triệu đơn vị và 27,4 triệu đơn vị.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 2.000 tỷ đồng trên HoSE, trong đó bán ròng mạnh nhất mã MSN với 1.008 tỷ đồng. VIX, VHM và GEX đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã VSC với 45 tỷ đồng. HSG và MWG được mua ròng lần lượt 33 tỷ đồng và 30 tỷ đồng.