Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/10
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/10 của các công ty chứng khoán.
CTCK Vietcap (VCSC)
Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu về CTCP Tập đoàn GELEX (GEX – sàn HOSE) với khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 24.600 đồng/CP.
GEX có lịch sử tăng trưởng mạnh thông qua M&A. Công ty đã tái cơ cấu các công ty thống trị trong ngành thiết bị điện của Việt Nam thành công ty con mà GEX sở hữu 80% cổ phần (GEE - UPCoM) và hợp nhất Viglacera (VGC – sàn HOSE) – chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) lớn thứ hai ở miền Bắc.
Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 9% mỗi năm và tăng gấp đôi/gấp ba công suất điện quốc gia/năng lượng tái tạo vào năm 2030, thúc đẩy nhu cầu về thiết bị điện. Sự phục hồi theo chu kỳ của bất động sản và tăng trưởng cơ cấu dân số đô thị ở Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, từ đó làm tăng nhu cầu về vật liệu xây dựng và dây cáp điện.
Chúng tôi cũng kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tăng mạnh khi các nhà sản xuất toàn cầu dịch chuyển đến Việt Nam, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu KCN cao hơn.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 sẽ tăng 14% đạt 420 tỷ đồng chủ yếu do khoản lỗ đầu tư từ công ty mẹ của GEX giảm. Trong năm 2024, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của GEX sẽ tăng 86% do (1) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của GEE tăng 51% do nhu cầu thiết bị điện tăng và hiệu suất hoạt động cao hơn của các trang trại điện gió và (2) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của VGC tăng 35% nhờ doanh số vật liệu xây dựng phục hồi & thu nhập ổn định từ việc cho thuê bất động sản.
Chúng tôi dự báo GEX sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 đạt 47%, nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2 chữ số từ GEE/VGC, công suất cấp nước tăng gấp đôi, hiệu suất cao hơn của danh mục năng lượng tái tạo và đóng góp từ khách sạn Trần Nguyên Hãn mới ở Hà Nội.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
CTCK Phú Hưng (PHS)
Kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) lần lượt đạt 29.465 tỷ đồng (tăng 8,7% so với quý trước, giảm 14,2% so với cùng kỳ) và 17,4 tỷ đồng (giảm 18,2% so với quý trước, giảm 98,5% so với cùng kỳ). Lợi nhuận hoạt động của công ty lũy kế 6 tháng đầu năm đã giảm 50,4% so với cùng kỳ do tiêu thụ yếu và tác động từ cuộc chiến về giá.
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2023 sẽ lần lượt đạt 109.699 đồng (giảm 17,8% so với năm ngoái) và 356 tỷ đồng (giảm 91,3%) do cạnh tranh, sức cầu tiêu thụ yếu dẫn đến chi phí marketing, khuyến mãi tăng cao.
Sử dụng phương pháp Định giá từng phần (SOTP), chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 65.900 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với mức tăng giá tiềm năng là 37,4%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và chưa tính đến các chuỗi Ava.
Rủi ro: (1) Suy yếu sức mua do suy thoái kinh tế; (2) Rủi ro hàng tồn kho; (3) Rủi ro thương vụ bán vốn không hoàn thành.
Bách hóa xanh là tâm điểm hiện tại: Kết quả kinh doanh quý II của MWG cho đến thời điểm hiện tại chưa cho thấy những tín hiệu hồi phục rõ ràng. Kết thúc quý III/2023, lợi nhuận hoạt động (EBIT) của công ty chỉ đạt 0,88 tỷ đồng, nếu loại bỏ khoản thu nhập tài chính giá trị 585 tỷ đồng (tăng trưởng 96,6%), kết quả kinh doanh của quý này có thể đã chuyển sang lỗ. Điều này chủ yếu đến từ sức cầu rất yếu của nền kinh tế nói chung và các sản phẩm ICT nói riêng.
Hơn nữa, cuộc chiến về giá giữa các chuỗi bán lẻ đã khiến biên lợi nhuận gộp của công ty teo tóp và kéo theo chi phí bán hàng tăng mạnh nhằm giành lấy thị phần trong thời điểm thị trường khó khăn.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cuộc chiến về giá sẽ phải đi đến hồi kết bởi đây không phải là một chiến lược có thể duy trì trong thời gian lâu dài. Ngay khi việc giảm giá dừng lại, sẽ không thiếu các nhà bán lẻ nhỏ lẻ gia nhập cuộc chơi và lấp lại khoảng trống về giá mà các ông lớn để lại. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ hàng đầu như MWG sẽ phải đi tìm điểm cân bằng giữa việc cạnh tranh thị phần và duy trì khả năng sinh lợi.
Trước mắt, chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp và doanh số bán hàng của công ty sẽ bắt đầu có sự hồi phục mang tính mùa vụ bắt đầu từ quý 3 nhờ vào các dịp mua sắm tựu trường và dịp cuối năm. Đồng thời cuộc chiến về giá cũng đã tạm thời cho thấy tín hiệu hạ nhiệt trong thời gian qua.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-1210-post331614.html