Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/5 của các công ty chứng khoán.
CTCK MB (MBS)
Doanh thu quý I/2024 của CTCP Cơ điện lạnh (REE – sàn HOSE) giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, do doanh thu mảng điện giảm 34% trong bối cảnh doanh thu cơ điện lạnh và bất động sản đi ngang. Trong đó, thủy điện ghi nhận sản lượng giảm do pha El Nino duy trì cùng với giá bán giảm mạnh do tỷ trọng giá huy động trên thị trường cạnh tranh giảm.
Lợi nhuận gộp quý I/2024 theo đó giảm 41%, biên lợi nhuận gộp giảm 13 điểm % đến từ việc mảng biên cao như thủy điện giảm sút. Chi phí tài chính giảm 13%, hỗ trợ bởi chi phí lãi vay và lỗ tỉ giá giảm. Doanh thu tài chính tăng 20%, do doanh thu cổ tức từ các khoản đầu tư. Lãi từ liên doanh liên kết cũng ghi nhận giảm 42% do danh mục thủy điện và nước giảm. Theo đó, lợi nhuận ròng quý I/2024 giảm 36% đạt 480 tỷ đồng, hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu cả năm của REE.
Trong 2024, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 9.421 tỷ đồng (tăng 9,8% so với năm trước và 2.304 tỷ đồng (tăng trưởng 5,3%), với mảng cho thuê văn phòng và bất động sản là động lực tăng trưởng chính. Trong đó, E.Town 6 dự kiến đi vào hoạt động từ quý III/2024, tăng tổng diện tích cho thuê của doanh nghiệp thêm 25%, cùng với dự án bất động sản Thái Bình Light square dự kiến bàn giao và ghi nhận lợi nhuận 215 tỷ trong năm.
Ngoài ra, hoạt động cơ điện lạnh dự kiến cũng sẽ phục hồi nhờ lượng back-log ký mới từ các hợp đồng nhà ga sân bay Long Thành, bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận nhóm điện do giá bán thủy điện giảm mạnh, và nhóm nước do chi phí tăng thu hẹp biên lợi nhuận.
Nhìn sang 2025, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 9.920 tỷ đồng (tăng 5,3% so với năm trước và 2.549 tỷ đồng (tăng trưởng 11%), đến từ sự phục hồi của mảng thủy điện do pha La Nina duy trì cả năm, cùng với cả mảng kinh doanh đều có sự tăng trưởng nhẹ, hỗ trợ bởi sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Chúng tôi áp dụng phương pháp định giá từng phần (SOTP) cho từng mảng kinh doanh của REE, và đưa ra giá mục tiêu 76.800 đồng/cp với tiềm năng tăng giá 19%. Mặc dù chưa sở hữu nhiều yếu tố tăng trưởng mạnh, chúng tôi cho rằng vẫn thích hợp để bắt đầu tích lũy REE - một cổ phiếu có định giá hợp lý với tài chính khỏe mạnh, cùng các chỉ tiêu sinh lời tốt hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Rủi ro đầu tư bao gồm: 1) Thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự kiến, ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh nhóm cơ điện lạnh và bất động sản; 2) Thủy điện ghi nhận sản lượng và giá bán thấp hơn dự kiến.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HSG
CTCK BIDV (BSC)
Luận điểm đầu tư: Kết quả kinh doanh cốt lõi của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) sẽ phục hồi dần về mức bình thường 1.400 – 1.500 tỷ đồng/năm trong năm 2025 nhờ sản lượng thép nội địa tăng và diễn biến giá HRC khả quan hơn.
Có các tín hiệu thị trường thép hồi phục trong tháng 4: sản lượng thép tăng 30-35% so với tháng trước trong tháng 4/2024, (2) biên độ giảm giá tương đối hẹp và giữ ở mức cao hơn vùng đáy Tháng 10.2023, cho thấy sức mua đang quay trở lại.
Bên cạnh đó, định giá HSG đang được chiết khấu về P/B FWD 2024 = 1.05x.
Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu HSG với giá trị hợp lý cho cuối năm 2024 – đầu năm 2025 là 28.350 đồng/CP (tương đương Upside 38% so với giá tham chiếu ngày 11/05/2024), với P/B FWD cho giai đoạn bình thường = 1.3x. So với Báo cáo trước đó, BSC giữ nguyên giá mục tiêu và luận điểm đầu tư đối với HSG.
Sau đợt thị trường giảm vào cuối tháng 3, giá cổ phiếu HSG đã chiết khẩu về mức 19.200 – 20.500 đồng/CP, tương đương P/B FWD 20224 = 1.05x, thấp hơn 12% so với P/B trung bình của HSG trong một chu kỳ thép. BSC cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mua HSG khi: (1) thời điểm xấu nhất của ngành thép đã qua, (2) HSG sở hữu chiến lược quản trị hàng tồn kho tốt, và thị phần lớn nhất ngành tôn mạ.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ELC
CTCK BIDV (BSC)
So với báo cáo trước đó, BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ELC của Công ty cổ phần công nghệ - viễn thông ELCOM với giá mục tiêu 29.500 đồng/CP (tăng 25%/36% so với lần lượt giá ngày 10/05/2024 và khuyến nghị gần nhất ngày 04/08/2023) dựa trên:
BSC sử dụng mức EPS của năm 2025 nhằm phản ánh đầy đủ triển vọng của ELC do (i) 2025 là năm mà hàng loạt các dự án CTBN hoàn thành, chính phủ kỳ vọng sẽ lắp đặt đồng bộ trên toàn bộ các cao tốc còn lại sau khi những khó khăn liên quan đến chi phí vận hành được giải quyết trong 2024 (ii) ELC là doanh nghiệp có tiềm năng trúng thầu các dự án ITS cao nhất trong số 3 doanh nghiệp ITS nội địa
Thêm vào đó, mức P/E mục tiêu = 17 lần (i) tương đương mức P/E mục tiêu trong báo cáo trước đó dựa trên mức P/E trung bình 5 năm (21 lần) chiết khấu 20% cho các chi phí cơ hội, (ii) mức CAGR kỳ vọng đạt 23.6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026 .
Quan điểm đầu tư: Kết quả kinh doanh quý II/2024 kỳ vọng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ ghi nhận dự án Diễn Châu – Bãi Vọt; ELC đạt điểm rơi tăng trưởng vào năm 2025 nhờ (i) nhu cầu ITS bùng nổ tại các cao tốc, tuyến đường nội đô (ii) ELC chiếm 60% thị phần ITS tại Việt Nam; Dự án văn phòng cho thuê tại 18 Nguyễn Chí Thanh kỳ vọng tạo tăng trưởng bền vững từ năm 2026 nhờ (i) ELC hoàn thành chi phối 100% và tiến hành xây dựng trong 2024 (ii) ước tính lợi nhuận đem lại hằng năm khoảng 40 – 50 tỷ đồng tương đương 31% lợi nhuận năm 2025.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2024, BSC dự báo ELC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số lần lượt đạt 1.249 tỷ đồng (tăng 27% so với năm ngoái) và 110 tỷ đồng (tăng 42%), điều chỉnh lần lượt giảm 7%/tăng 18% so với báo cáo trước đó, tương đương EPS FW 2024 = 1.334 đồng/CP, PE FW 2024 = 16 lần.
Năm 2025, BSC dự báo ELC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số lần lượt đạt 1.658 tỷ đồng (tăng 34% so với năm ngoái) và 143 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), tương đương EPS FW 2025 = 1.740 đồng/CP, P/E FW 2025 = 13 lần.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-135-post345023.html