Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/5

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu QNS

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu QNS

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM) tăng trưởng ấn tượng với doanh thu thuần 2.130 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 317 tỷ đồng, tăng trưởng 80%.

Cập nhật kết quả kinh doanh 4 tháng 2023 với doanh thu 3.410 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế 580 tỷ đồng (tăng trưởng 98%). Trong đó, mía đường tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lợi nhuận trong khi sữa đậu nành chưa khởi sắc về doanh thu, lợi nhuận đi ngang cùng kỳ.

BVSC dự báo năm 2023 với doanh thu 9.959 tỷ đồng (tăng 20,6% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 1.528 tỷ đồng (tăng trưởng 18,8%), điều chỉnh tăng lần lượt 5% và 10%. Trong đó, thay đổi chủ yếu là giá và sản lượng đường kỳ vọng cho cả năm được điều chỉnh tăng thêm lần lượt 5% và 7%. EPS dự báo 5.071 đồng/cp và P/E dự phóng 9,1x tại giá thị trường ngày 15/5/2023.

Khuyến nghị đầu tư: Với việc giá cổ phiếu đã tăng hơn 20% kể từ cuối tháng 3/2023 phản ánh kết quả kinh doanh quý I/2023 cũng như triển vọng cả năm tích cực, BVSC hạ khuyến nghị xuống NEUTRAL đối với QNS, giá kỳ vọng 49.600 đồng/CP tương ứng với P/E mục tiêu 9,8x – mức bình quân trong 2 năm trở lại đây.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DPM

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (DPM – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 3.265 tỷ đồng (giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ đồng (giảm 88%) - đây là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây của DPM. Trong đó, sản lượng tiêu thụ phân Ure và NPK đều sụt giảm gần 50% so với quý I/2022. Biên lợi nhuận doanh nghiệp cũng rơi mạnh từ 48,4% về mức 16%.

Công ty cho biết giá bán và sản lượng kinh doanh các loại phân bón đều giảm trong quý I (đặc biệt giá bán Ure giảm 44%) trong khi giá khí tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận giảm (DPM đã sử dụng 100% khí giá cao từ mỏ Cửu Long nên giá vận chuyển cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tăng từ 2,2 USD/mmbtu trong quý I/2022 lên 4,5 USD/mmbtu trong quý I/2023). Với kết quả đạt được, DPM chỉ hoàn thành được 19% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

DPM có tiềm lực tài chính mạnh mẽ với: (1) số dư tiền mặt ròng 8,7 nghìn tỷ đồng trong khi tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu giảm 59% vào cuối năm 2022; và (2) chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của DPM duy trì ở mức 1.400–1.900 tỷ đồng trong giai đoạn 2023–2028 nhờ động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và tiềm năng tăng trưởng từ nhà máy NPK khi nhà máy này hiện tại vẫn chưa hoạt động hết công suất; điều này hỗ trợ công ty chi trả cổ tức tiền mặt cao và ổn định 3.000–4.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2023–2028 (công ty dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt 2023 là 40%). Chúng tôi nhận định rằng DPM là cơ hội đầu tư nhận cổ tức hấp dẫn (với lợi suất cổ tức dao động từ 7,5%-13%) trong giai đoạn 2023-2028 trong bối cảnh giá Ure có xu hướng giảm và đi ngang, thay vì là một cổ phiếu được giao dịch dựa theo diễn biến giá Ure.

Nhu cầu Ure trong nước sẽ tăng trong 2023: DPM kỳ vọng tiêu thụ Ure trong nước sẽ phục hồi vào năm 2023 nhờ: (1) giá Ure hạ nhiệt; và (2) Trung Quốc mở cửa tác động tích cực tới các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng. Công ty kỳ vọng tiêu thụ Ure trong nước sẽ phục hồi 12-16% trong năm 2023 do giá Ure giảm khiến nhu cầu Ure tăng mạnh hơn. Ngoài ra, chúng tôi dự báo sản lượng tiêu thụ Ure của DPM đi ngang so với cùng kỳ trong năm 2023 mặc dù DPM thực hiện bảo trì nhà máy trong vòng 26 ngày (hoàn thành thời gian bảo dưỡng trước thời gian dự kiến 4 ngày).

Giá Ure sẽ duy trì ổn định trong nửa cuối năm 2023 nhờ nhu cầu phục hồi: Chúng tôi nhận định giá Ure có thể chạm đáy vào quý I/2023 và phục hồi dần từ giữa hoặc cuối quý II trở đi, với kỳ vọng: (1) một cuộc đấu thầu mua Ure của Ấn Độ có thể diễn ra trong quý II/2023. Đầu năm 2023, IPL đã thông báo gói thầu mua Ure của Ấn Độ khoảng 600 nghìn tấn Ure dạng hạt đục hoặc dạng hạt từ 01/3/2023-29/02/2024 (cho phép giao Ure từ 40 nghìn–60 nghìn tấn mỗi tháng); và (2) nhu cầu tiêu thụ nội địa phục hồi rõ rệt hơn trong tháng 5 khi mà mùa mưa đến gần và tháng 5–tháng 7 là mùa cao điểm tiêu thụ phân bón để phục vụ cho vụ mùa Hè Thu.

Nguồn cung khí đầu vào được đảm bảo: DPM cho biết nếu lượng khí từ mỏ khí giá rẻ Bạch Hổ và các mỏ khí giá cao ở bể Cửu Long không đáp ứng đủ nhu cầu trong giai đoạn 2023- 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ cho phép DPM dùng khí từ các mỏ khí ở bể Nam Côn Sơn. Tuy nhiên, chúng tôi ước tính giá khí đầu vào có thể tăng 10% so với cùng kỳ do DPM phải sử dụng nguồn khí giá cao từ mỏ Cửu Long.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế Cổ đông công ty mẹ của DPM trong năm 2023 lần lượt đạt 14.080 tỷ đồng (giảm 24%) và 1.438 tỷ đồng (giảm 74% so với năm trước) do giá bán giảm mạnh.

Ở mức giá hiện tại, DPM đang giao dịch tại mức P/E 2023 là 9,1x; gần với mức trung bình 5 năm ngành phân bón là 10,1x. Với phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và P/E, BVSC khuyến nghị NEUTRAL cho DPM với giá mục tiêu là 36.300 đồng/cổ phiếu – với tỷ suất sinh lời là 9%.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DCM

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần 2.735 tỷ đồng (giảm 33%) do giá phân bón giảm mạnh (giá bán Ure bình quân quý I giảm hơn 32%). Riêng doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm 60%, xuống còn 884 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 48,5% về mức 20,5%. Lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng (giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái) - mức lãi thấp nhất trong 7 quý gần đây của DCM. Kết thúc quý I, DCM đã hoàn thành lần lượt 20,3% kế hoạch doanh thu và 16,6% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023.

Công ty có năng lực tài chính mạnh mẽ với số dư tiền mặt ròng 8.900 tỷ trong khi đó tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu là -84,2% vào cuối năm 2022. Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của DCM duy trì ở mức 1.000–1.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2023–2028, duy trì dự báo cổ tức giai đoạn 2023-2027 là 1.600 đồng/cp (lợi suất 7%), tương ứng tỷ lệ chi trả cổ tức trên lợi nhuận trung bình là 85% trong giai đoạn 2023-2028.

Nhu cầu Ure trong nước sẽ tăng trong 2023: Chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ Ure trong nước sẽ phục hồi vào năm 2023 nhờ: (1) giá Ure hạ nhiệt; và (2) Trung Quốc mở cửa tác động tích cực tới các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng. Chúng tôi dự báo sản lượng Ure tiêu thụ nội địa của DCM tăng 30-35% so với cùng kỳ, bù đắp mức sụt giảm mạnh của sản lượng xuất khẩu.

Giá Ure sẽ duy trì ổn định trong nửa cuối năm 2023 nhờ nhu cầu phục hồi: Chúng tôi nhận định giá Ure có thể chạm đáy vào quý I/2023 và phục hồi dần từ giữa hoặc cuối quý 2 trở đi, với kỳ vọng: (1) Một cuộc đấu thầu mua Ure của Ấn Độ có thể diễn ra trong quý II/2023. Đầu năm 2023, IPL đã thông báo gói thầu mua Ure tại nước này khoảng 600 nghìn tấn Ure dạng hạt đục hoặc dạng hạt trong từ 01/3/2023-29/02/2024 (cho phép giao Ure từ 40 nghìn–60 nghìn tấn mỗi tháng); và (2) Nhu cầu tiêu thụ nội địa phục hồi rõ rệt hơn trong tháng 5 khi mà mùa mưa đến gần và tháng 5–tháng 7 là mùa cao tiêu thụ phân bón để phục vụ cho vụ mùa Hè Thu.

Năng lực sản xuất: Chúng tôi nhận định dư địa tăng trưởng mảng NPK còn lớn do công ty phát triển mảng này từ 2 năm trước và dư địa công suất vẫn còn lớn. Ước tính sản lượng tiêu thụ NPK sẽ tăng 25%, khoảng 100 nghìn tấn trong 2023. Bên cạnh đó, nhà máy Ure của DCM sẽ hết khấu hao vào khoảng tháng 9/2023. Do đó, chúng tôi ước tính mức giảm lợi nhuận của DCM sẽ chậm lại từ quý IV/2023.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế Cổ đông công ty mẹ của DCM trong năm 2023 lần lượt đạt 12.447 tỷ đồng (giảm 22% so với năm ngoái) và 1.367 tỷ đồng (giảm 68%) do giá bán giảm mạnh.

Ở mức giá hiện tại, DCM đang giao dịch tại mức P/E 2023 là 8,9x; gần với mức trung bình 5 năm ngành phân bón là 10,1x. Với phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và P/E, BVSC khuyến nghị NEUTRAL cho DCM với giá mục tiêu là 27.700 đồng/cổ phiếu – với tỷ suất sinh lời là 14%.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NLG

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh số bán hàng trong quý I/2023 của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE) giảm mạnh so với cùng kỳ với 45 căn tương đương với tổng giá trị hợp đồng đạt 238 tỷ đồng (giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái) phản ánh những khó khăn của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng đã có sự khởi sắc từ nửa đầu tháng 4 với 44 căn hộ được bán với tổng giá trị hợp đồng đạt 196 tỷ đồng.

Nam Long đặt mục tiêu doanh số năm 2023 đạt 9.430 tỷ đồng (tăng 15% so với năm ngoái) từ mở bán tại các dự án Southgate, Cần Thơ, Hải Phòng, Akari City và Mizuki Park. Tuy nhiên, ước tính của chúng tôi thận trọng hơn với doanh số bán hàng năm 2023 đạt khoảng 4.466 tỷ đồng (giảm 46%) đến từ dự án Akari City, Mizuki Park và Southgate.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của NLG năm 2023 đạt 583 tỷ đồng (tăng 5% so với năm ngoái) từ bàn giao dự án Southgate, Izumi City và đẩy mạnh bàn giao dự án Mizuki Park (giai đoạn 2) và chuyển nhượng 25% cổ phần còn lại tại dự án Paragon Đại Phước.

Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với cổ phiếu Nam Long nhờ (1) Nền tảng cơ bản vững chắc với cơ cấu tài chính an toàn và (2) Các dự án căn hộ trung cấp tại TP HCM như Mizuki và Akari City hay căn hộ vừa túi tiền Ehome Southgate vẫn thu hút được người mua có nhu cầu ở thực. Giá cổ phiếu Nam Long có mức tăng 44% trong vòng 2 tháng qua. Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 35,200 đồng/CP, cao hơn 7% so với giá đóng cửa ngày 15/05/2023.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-175-post321555.html