Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/6

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2024, tăng trưởng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) chậm lại, cùng với NIM suy giảm đã ảnh hưởng đến thu lãi thuần (giảm 11% so với cùng kỳ). Chất lượng tài sản suy giảm đáng kể với nợ xấu tăng mạnh, bộ đệm dự phòng sụt giảm tương đối (từ 117% năm 2023 còn 80% đến cuối quý I/2024). Chi phí dự phòng ở mức cao cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận trước thuế đạt 5.795 tỷ đồng (giảm 11%), hoàn thành 19% dự phóng của chúng tôi.

KBSV kỳ vọng mức cải thiện của CoF sẽ đáng kể hơn từ quý II, được hỗ trợ bởi tiền gửi lãi suất thấp. Hiệu ứng của các “khoản vay tạm thời” (cho lợi suất thấp) đã kết thúc trong quý I, bên cạnh lãi suất cho vay của ngân hàng khó giảm thêm sẽ là động lực giúp IEA giảm chậm hơn. Nhìn chung, NIM của ngân hàng dự kiến sẽ tăng trở lại từ quý II hoặc quý III/2024, song chúng tôi hạ dự phóng cho NIM 2024 của ngân hàng về mức 4,75% (giảm 12 bps so với dự phóng cũ) do triển vọng quý I không đạt kỳ vọng.

Mặc dù diễn biến chất lượng tài sản trong quý I/2024 ở dưới mức kỳ vọng trước đó, song chúng tôi cho rằng đây là yếu tố mang tính tạm thời và nợ xấu đã tạo đỉnh trong quý I. Cơ sở cho việc chất lượng tài sản sẽ dần được cải thiện tích cực từ quý II/2024 đến từ: (1) Ngân hàng chủ động giảm tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro (bất động sản, TPDN) trong nhiều quý liên tiếp (từ 19% tổng tín dụng quý I/2022 còn 16% trong quý I/2024); (2) kỳ vọng khách hàng lớn chuyển nhóm nợ trong quý II/2024; (3) triển vọng kinh tế hồi phục tốt hơn trong nửa cuối năm 2024.

Chúng tôi cho rằng giai đoạn khó khăn với những thông tin tiêu cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu MBB, giá mục tiêu mới sau khi điều chỉnh dự phóng là 27.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GVR

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2024, doanh thu thuần của Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR – sàn HOSE) đạt 4.590 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ). Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh thu của GVR là mảng kinh doanh cốt lõi – mủ cao su tự nhiên - với doanh thu đạt 3.391 tỷ đồng (tăng 16%), tăng đáng kể do giá cao su trung bình đạt hơn 36,7 triệu đồng/tấn (tăng 13%). Hết quý I/2024, GVR đã hoàn thành 18% mức doanh thu kế hoạch đặt ra cho 2024.

Hiện giá cao su trung bình của GVR đã đạt mức 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn so với giá cao su trung bình của GVR năm 2023. Chúng tôi kì vọng giá cao su trung bình của GVR 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng 8% so với cùng kỳ do (1) nhu cầu săm lốp ô tô trên thế giới vẫn đang có xu hướng phục hồi, (2) giá dầu vẫn neo ở mức cao và (3) thời tiết không thuận lợi tại các quốc gia cung cấp cao su chính.

Chúng tôi kì vọng tốc độ chuyển đổi đất và triển khai các dự án KCN của GVR sẽ được đẩy nhanh hơn trước nhờ tác động của: (1) quy hoạch của các tỉnh Bình Phước, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu được thông qua với 25.000 ha đất cao su chuyển đổi của GVR và (2) quyết định 227/QĐ-TTg ban hành tháng 3/2024 tăng chỉ tiêu sử dụng đất tại Bình Phước, gỡ vướng mắc pháp lý liên quan đến dư địa đất có hạn của tỉnh.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GVR, mức giá mục tiêu 38.800 đồng/CP, tương ứng với mức sinh lời 16,3% so với mức giá đóng cửa ngày 17/06/2024.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PVT

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu và lợi nhuận gộp trong quý I/2024 của CTCP Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) tăng mạnh lần lượt 24,1% và 60,9% chủ yếu nhờ giá cước định hạn vận tải dầu thô, hóa chất/thành phẩm và LPG tăng mạnh và ghi nhận lợi nhuận từ các tàu mới nhận về từ quý II/2023.

Trong năm 2024, 10 tàu được PVT mua mới/thuê mua trong giai đoạn quý II-IV/2023 sẽ hoạt động với công suất tối đa, giúp tăng cường lợi nhuận cả năm của công ty. Chúng tôi kỳ vọng PVT sẽ tiếp tục bổ sung thêm khoảng 4 tàu, tập trung vào phân khúc chở dầu thô và hóa chất/xăng dầu thành phẩm.

Chúng tôi ước tính sản lượng vận chuyển dầu thô nội địa của PVT trong năm 2024 sẽ sụt giảm khoảng 17,7% do đợt bảo dưỡng lớn tại NMLD Dung Quất. Mặt khác, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường vận tải dầu thô quốc tế khi nguồn cung duy trì thắt chặt trong khi nhu cầu tonne-miles được hỗ trợ mạnh do tranh chấp tại khu vực kênh đào Suez.

Chúng tôi cho rằng thị trường tàu LPG trong năm 2024 sẽ ở mức khá cân bằng khi nhu cầu tonne-miles duy trì ở mức cao có thể hấp thụ được tốc độ gia tăng đội tàu toàn cầu. Trong dài hạn, chúng tôi vẫn thận trọng khi đánh giá triển vọng mảng tàu LPG do (1) kênh đào Panama có thể sớm hoạt động bình thường và (2) tỷ lệ orderbook/fleet đã tăng lên 30% trong tháng 5/2024.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập do thị giá cổ phiếu đã phản ánh tương đối giá trị của doanh nghiệp. Mức giá mục tiêu cho PVT là 33.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức upside 8,7% so với giá đóng cửa ngày 18/06/2024.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BMP

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) mặc dù điều chỉnh giảm 8% giá mục tiêu xuống còn 109.700 đồng/cổ phiếu do giá cổ phiếu của BMP đã giảm 5% trong 3 tháng qua.

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu do (1) quan điểm kém tích cực hơn của chúng tôi đối với mức tăng trưởng sản lượng bán ống nhựa năm 2024 (ở mức giảm 10% so với tăng 10% trong dự báo trước đây) do kết quả kinh doanh quý I/2024 yếu hơn dự kiến và (2) chiết khấu thương mại/doanh thu năm 2024 dự kiến tăng nhẹ (ở mức 10,0% so với 9,8% trong dự báo trước đây) do chúng tôi kỳ vọng BMP sẽ cho khách hàng hưởng mức chi phí đầu vào thấp hơn để thúc đẩy nhu cầu.

Những yếu tố trên ảnh hưởng nhiều hơn so với (1) quan điểm lạc quan hơn của chúng tôi về biên lợi nhuận gộp (chúng tôi tăng dự báo biên lợi nhuận gộp các năm 2024/25/26/27/28 thêm 140/120/100/80/60 điểm cơ bản) và (2) tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2025.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 9% mỗi năm cho dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số các năm 2024/25/26 do (1) giả định sản lượng bán hàng thấp hơn và (2) giả định chi phí bán hàng & quản lý (SG&A)/doanh thu cao hơn ảnh hưởng nhiều hơn so với quan điểm tích cực hơn của chúng tôi về biên lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu năm có lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của BMP.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu GEX

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi tăng 12% giá mục tiêu đối với GEX và nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên khả quan. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do số dư tiền mặt cao hơn của công ty mẹ và tác động tích cực từ việc cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025, bù đắp cho việc dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 của chúng tôi giảm 3%.

Ngoài ra, định giá cao hơn cho GEX của chúng tôi được thúc đẩy bởi định giá mảng thiết bị điện cao hơn 11% (PE mục tiêu và lợi nhuận trung bình các năm 2024/25 của CAV cao hơn bù đắp cho mức lợi nhuận thấp hơn từ THI) và định giá mảng KCN cao hơn 17% (chủ yếu từ KCN Sông Công), bù đắp cho việc định giá mảng vật liệu xây dựng thấp hơn 15%.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 của GEX do mức dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số thấp hơn lần lượt 3% và 2% của VGC và GEE, do lợi nhuận của mảng vật liệu xây dựng và công ty con sản xuất máy biến áp (THI) trong quý I/2024 thấp hơn dự kiến.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo năm 2024 sẽ đạt 853 tỷ đồng (tăng 158% so với năm ngoái) vì chúng tôi kỳ vọng (1) doanh số bán thiết bị điện sẽ phục hồi 16%, và (2) lợi nhuận trước thuế từ việc thoái vốn khỏi danh mục năng lượng tái tạo sẽ ở mức 950 tỷ đồng (trang 7). Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023-2028 sẽ đạt 41%.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-206-post347799.html