Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/8
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/8 của các công ty chứng khoán.
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Quý II/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 13.807 tỷ đồng (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái); tổng thu nhập hoạt động đạt 17.505 tỷ đồng (tăng 1,3% so với quý trước, giảm 3,5% so với cùng kỳ).
Chi phí trích lập dự phòng đạt 4.192 tỷ đồng (giảm 24,2% so với quý trước, giảm 35% so với cùng kỳ) khiến lợi nhuận trước thuế đạt 6.943 tỷ đồng (tăng 0,3% so với quý trước, tăng 7% so với cùng kỳ). Lũy kế nửa đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
KBSV duy trì quan điểm BID có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng 11-12% với động lực chính từ chi phí vốn đầu vào sẽ bắt đầu giảm trong 3Q2023 nhờ các khoản huy động giai đoạn quý IV/2022 kỳ hạn 6 tháng đáo hạn cùng với lãi suất huy động thị trường 1&2 giảm trong quý II/2023.
Tỷ lệ nợ xấu quý II/2023 của BID đạt 1,59% (tăng 5bps so với quý trước) trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm 15bps so với quý trước, đạt 2,17% sau khi tăng mạnh trong quý I/2023. Chất lượng tài sản khả quan hơn trong quý II cùng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao thứ 4 toàn ngành, đạt 152,6% là cơ sở để BID có thể hoàn thành chỉ tiêu trích lập 20-21 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BID. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 46.200 đồng/CP, thấp hơn 2,7% so với giá tại ngày 16/08/2023.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPR
CTCK Phú Hưng (PHS)
CTCP Cao su Đồng Phú (HSX: DPR), niêm yết trên HOSE từ năm 2007, hiện đang khai thác hơn 16,700 ha rừng cao su. Ngoài ra, DPR cùng với CTCP Cao su Bình Phước và CTCP Nam Tân Uyên (NTC) đã thành lập Công ty cổ phần Công nghiệp Bắc Đồng Phú vào năm 2009, quản lý KCN Bắc Đồng Phú và KCN Nam Đồng Phú.
Trong 1H23, doanh thu DPR đạt 326.1 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ), và lợi nhuận sau thuế đạt 127,2 tỷ đồng (giảm 14%). Sự sụt giảm kết quả kinh doanh đến từ tình trạng nhu cầu suy giảm trong giai đoạn khó khăn nền kinh tế, cũng như giá bán đã giảm giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, nhờ vào khoản đầu tư ngắn hạn lớn và hưởng lợi từ lãi suất tiền gửi cao, doanh thu tài chính đã tăng lên 60,9 tỷ đồng (tăng 123%), hỗ trợ kết quả kinh doanh của DPR trong nửa đầu năm 2023
Chúng tôi dự phóng doanh thu DPR năm 2023F sẽ giảm còn 892 tỷ đồng (giảm 26% so với năm ngoái), trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 302 tỷ đồng (tăng trưởng 4%), nhờ vào (i) khoản tăng thu nhập tài chính lên 129 tỷ đồng (tăng 77%) và (ii) DPR có thể nhận 100 tỷ đồng từ bồi thường đền bù đất.
Luận điểm đầu tư: Động lực chính đến từ việc mở rộng 2 Khu công nghiệp hiện có và thu nhập từ bồi thường đền bù đất.
(i) Mảng cao su: Mặc dù hoạt động kinh doanh đang phải chịu tác động lớn từ xu hướng giảm giá cao su hiện tại, nhưng trong tương lai, vườn cao su đang khai thác với năng suất cao sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ gia tăng sản lượng cho DPR. Ngoài ra, kế hoạch thanh lý trung bình 400-500 ha cao su hàng năm, DPR có thể duy trì nguồn vốn ổn định và chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15-20% mỗi năm.
(ii) Mảng BDS KCN: Động lực tăng trưởng chính của DPR đến từ 2 dự án mở rộng Khu công nghiệp hiện hữu – KCN Bắc Đồng Phú mở rộng và KCN Nam Đồng Phú Mở rộng. Với mức giá thuê trung bình dao động từ 70-80 USD/m2 và có thể hưởng lợi từ xu hướng tăng giá thuê trong tương lai, DPR dự kiến sẽ thu về từ 5.000 – 6.000 tỷ đồng từ hai dự án này trong dài hạn.
(iii) Thu nhập từ bồi thường đền bù đất: DPR dự kiến chuyển giao khoảng 2,000 ha đất cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước trong 10 năm tới với giá chuyển giao trung bình 1 tỷ đồng mỗi hecta. Do đó, DPR có thể kỳ vọng thu nhập trung bình từ 150-200 tỷ đồng hàng năm từ dự án chuyển giao đất này.
Sử dụng phương pháp SOTP và phương pháp RNAV, chúng tôi tính toán giá hợp lý là 88.016 đồng/cổ phiếu. Do đó, đề xuất của chúng tôi là mua với tiềm năng tăng giá là 37%.
Rủi ro đầu tư: (1) Nhu cầu cao su giảm cùng với giá bán tiếp tục giảm mạnh (2) Khu công nghiệp không được phê duyệt mở rộng do vấn đề pháp lý. (3) Giá thuê thấp hoặc tỷ lệ lấp đầy không đảm bảo do tình hình khó khăn của nền kinh tế (4) Các vấn đề pháp lý liên quan đến khâu đền bù và bồi thường đất.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MWG
CTCK SSI (SSI)
Với kết quả kinh doanh quý II/2023 của CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) thấp hơn kỳ vọng, chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 xuống mức 1,27 nghìn tỷ đồng (giảm 69% svck, từ 2,41 nghìn tỷ đồng).
Lợi nhuận ròng năm 2024 ước đạt 4,99 nghìn tỷ đồng (tăng 294% svck, không đổi). Với hệ số mục tiêu không đổi dựa trên ước tính lợi nhuận năm 2024 mới, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới là 61.500 đồng/cổ phiếu (từ mức 59.400 đồng).
Kể từ báo cáo khuyến nghị mua vào ngày 12/7/2023, giá cổ phiếu MWG đã tăng 10%. Với tiềm năng tăng giá là 14,1% theo giá mục tiêu mới, chúng tôi hiện khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VIB
CTCK SSI (SSI)
Với sự hỗ trợ của Thông tư 02, chúng tôi cho rằng tỷ lệ hình thành nợ xấu đã đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2023 và tỷ lệ nợ xấu sẽ dao động quanh mức 3% trong thời gian còn lại của năm 2023.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE) không mấy mặn mà trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng như cho vay các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, chất lượng tài sản suy giảm do lãi suất cho vay vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của khách hàng.
Mặc dù chúng tôi cho rằng các động thái hỗ trợ từ Chính phủ cho ngành bất động sản sẽ giúp thời gian phục hồi của ngành này ngắn lại so với chu kỳ trước, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, chặng đường phục hồi vẫn còn gặp nhiều thách thức ít nhất trong một năm tới. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VIB với giá mục tiêu 1 năm là 22.700 đồng/cổ phiếu.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-218-post328262.html