Cổ phiếu cao su bùng nổ, VN-Index phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp
Trong phiên hôm nay, VN-Index tiếp tục ghi nhận diễn biến giằng co. Cổ phiếu cao su tăng mạnh kéo VN-Index phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp.
Thanh khoản thấp, VN-Index tiếp tục phục hồi chậm
Trong phiên hôm nay, VN-Index tiếp tục ghi nhận diễn biến giằng co. Chỉ số có thời điểm giảm hơn 7 điểm trước khi hồi trở lại và đóng cửa phiên 26/6 tăng 4,68 điểm tại 1.261 điểm. Dòng tiền duy trì với thanh khoản thấp, chỉ đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng/phiên.
Về mức độ ảnh hưởng, GVR, BCM, FPT và PLX là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 3,3 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, VCB, CTG, VHM và VRE là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 1,4 điểm của chỉ số chung.
Ngành sản phẩm cao su là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 5,05% chủ yếu đến từ các mã DRC (+7%), CSM (+3,24%) và BRC (+1,03%). GVR, DRC là 2 mã cực mạnh, chiều nay đều kịch trần với thanh khoản lớn. GVR khớp 358,8 tỷ đồng và DRC đạt 252 tỷ đồng.
Theo sau là ngành sản xuất nhựa – hóa chất và ngành bán buôn với mức tăng lần lượt là 3,83% và 2,04%. Ở chiều ngược lại, ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ có mức giảm mạnh nhất thị trường với -1,3% chủ yếu đến từ mã TV2 (-1,97%) và VNC (-0,74%).
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng gần 600 tỷ đồng, tập trung tại các mã FPT (279 tỷ), MWG (125 tỷ), AAA (51 tỷ) và VNM (46 tỷ). Tại chiều mua, cổ phiếu TCB là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 79 tỷ đồng. Theo sau, DBC và MSN là hai mã tiếp theo được gom 42 và 37 tỷ đồng. Ngoài ra, STB và PLX cũng được mua 34 và 33 tỷ đồng.
LPBank (LPB) chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã cổ phiếu LPB - sàn HoSE) vừa có thông báo về việc tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2024.
Trước đó, vào ngày 17/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của LPBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, ngân hàng này sẽ chào bán thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của LPBank theo kế hoạch trên. Nếu kế hoạch này được thực hiện thành công, vốn điều lệ của LPBank sẽ tăng thêm tới 31%, đạt hơn 33.500 tỷ đồng – lọt Top các ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Tuy nhiên, HĐQT LPBank cho biết nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông thì kế hoạch trên sẽ được tạm dừng. Thay vào đó, HĐQT LPBank sẽ trình Đại hội đồng cổ đông xem xét phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến diễn ra vào tháng 8/2024.
Nếu phương án này được thông qua, vốn điều lệ của LPBank sẽ tăng lên 29.873 tỷ đồng và cũng sẽ lọt Top các ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Kết phiên hôm nay 26/6, cổ phiếu LPB tăng 1,41% lên 23.750 đồng/cp, với hơn 4 triệu cổ phiếu sang tay.