Cổ phiếu châu Á, đồng USD và giá vàng cùng sụt giảm

Cổ phiếu châu Á giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Ba (27/5). Đồng USD cũng tiếp tục suy yếu và đang hướng đến mức giảm hàng tháng thứ năm liên tiếp cho dù Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn việc áp thuế quan 50% đối với EU đến ngày 9/7. Giá vàng cũng giảm.

Các thị trường cổ phiếu ở châu Á bước vào phiên giao dịch thứ Ba trong bối cảnh các thị trường Mỹ và Anh. Trong khi sự lạc quan sau khi ông Trump gia hạn việc áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ EU tới ngày 9/7 đang dần tan biến và tâm lý thận trọng đã quay trở lại, khiến các thị trường giảm điểm.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,23% trong khi chỉ số Topix đi ngang. Còn tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,59% và chí số vốn hóa nhỏ Kosdaq giảm 0,13%. Tại Trung Quốc, chỉ số blue-chip CSI300 giảm 0,56% và chỉ số Shanghai giảm 0,33%; chí số Hang Sheng của Hồng Kông cũng giảm 0,27%. Tuy nhiên tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,32%

Tính chung chỉ số của MSCI về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 0,17%.

Tâm lý thận trọng cũng bao phủ thị trường tiền tệ, đẩy đồng USD tiếp tục suy yếu và đang hướng tới tháng giảm thứ năm liên tiếp.

Cụ thể đồng USD giảm gần 0,1% so với đồng tiền chung euro và bảng Anh, hiện đang được giao dịch ở mức 1,1396 USD/EUR và 1,3570 USD/GBP. Đồng bạc xanh càng giảm mạnh so với các đồng tiền an toàn là yên Nhật và franc Thụy Sĩ, khi giảm tương ứng là 0,37% xuống còn 142,32 JPY/USD và giảm 0,18% xuống 0,8196 CHF/USD.

Hiện chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm về 98,9 và đang hướng đến tháng thứ năm liên tiếp giảm so với rổ tiền tệ, chuỗi thua lỗ dài nhất kể từ năm 2017.

Theo các nhà phân tích, chính sách thương mại hỗn loạn của ông Trump và mối lo ngại về triển vọng thâm hụt tài khóa ngày càng xấu đi của Mỹ đã làm suy yếu tâm lý đối với tài sản của Mỹ, kéo đồng đôla xuống.

“Một sự thay đổi đối với đồng USD có thể đang diễn ra trong dài hạn sau khi nó dường như đã đạt đỉnh gần đây”, David Meier - một nhà kinh tế tại Julius Baer cho biết. “Việc hoạch định chính sách thất thường của Mỹ, tình hình tài chính căng thẳng và nợ nước ngoài lớn, trong bối cảnh thâm hụt kép, cho thấy rằng một đồng đôla yếu hơn là con đường ít kháng cự nhất”.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô cũng giảm vào thứ Ba khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng OPEC+ quyết định tăng thêm sản lượng dầu thô tại cuộc họp vào cuối tuần này. Hiện giá dầu thô Brent tương lai giảm 0,1% xuống còn 64,67 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giảm 0,16% xuống còn 61,43 USD/thùng.

Đáng chú ý là mặc dù đồng USD tiếp tục suy yếu, song giá vàng vẫn giảm 0,28% xuống còn 3.332,91 USD/oz.

Theo các nhà phân tích, trọng tâm của các nhà đầu tư trong tuần này cũng sẽ là các bài phát biểu của một loạt các nhà hoạch định chính sách của Fed và chỉ số giá PCE cơ bản của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu tới, để có manh mối về triển vọng lãi suất của Fed.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm tới hội nghị thường niên kéo dài hai ngày do NHTW Nhật Bản (BOJ) và nhóm nghiên cứu liên kết của ngân hàng này tổ chức đã bắt đầu vào thứ Ba, và trọng tâm thảo luận của các nhà ngân hàng trung ương toàn cầu năm nay tại Tokyo sẽ tập trung vào tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và lạm phát ổn định.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-phieu-chau-a-dong-usd-va-gia-vang-cung-sut-giam-164831.html