Cổ phiếu châu Âu sau bầu cử Đức như thế nào?
Cổ phiếu châu Âu ổn định vào thứ Hai (17/2) khi cuộc bầu cử tại Đức không mang đến bất ngờ lớn, trong khi hợp đồng tương lai Phố Wall tăng nhẹ.
Hợp đồng tương lai Phố Wall tăng nhẹ
Theo Reuters, cổ phiếu châu Âu ổn định vào thứ hai (ngày 17/2) khi cuộc bầu cử tại Đức không mang đến bất ngờ lớn, trong khi hợp đồng tương lai Phố Wall tăng nhẹ nhờ kỳ vọng rằng kết quả của “gã khổng lồ AI” NVIDIA trong tuần này sẽ chứng minh mức định giá cao ngất ngưởng của lĩnh vực công nghệ là hợp lý.

Ông Friedrich Merz (giữa) phát biểu tại một sự kiện bầu cử ở Berlin - Đức ngày 23/2. Ảnh: Bloomberg
Hợp đồng tương lai DAX tăng 0,2%, trong khi hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 đi ngang. Đồng euro nhích 0,3% lên 1,0493 USD sau khi ông Friedrich Merz - nhà lãnh đạo Liên minh bảo thủ CDU/CSU giành chiến thắng như dự đoán từ các cuộc thăm dò.
Thủ tướng tương lai của Đức sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh, nhưng vẫn chưa rõ liệu liên minh này sẽ bao gồm một hay hai đối tác - với phương án thứ hai có thể sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều thỏa hiệp hơn.
Sự không chắc chắn này diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 6/3 để thảo luận về hỗ trợ bổ sung cho Ukraine cũng như cách tài trợ cho nhu cầu quốc phòng của châu Âu.
Trong khi đó, thanh khoản thị trường bị thu hẹp do kỳ nghỉ lễ tại Nhật Bản, trong khi chỉ số MSCI của các cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản (.MIAPJ0000PUS) giảm 0,15%. Hợp đồng tương lai Nikkei giao dịch ở mức 38.300 điểm, thấp hơn so với mức đóng cửa thực tế là 38.776 điểm.
Hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 0,4% và hợp đồng tương lai Nasdaq tăng 0,5%. Nasdaq đã giảm 2,5% vào tuần trước, đánh dấu một tuần tồi tệ nhất trong ba tháng, với mức lỗ dẫn đầu bởi nhóm “Magnificent Seven” - nhóm 7 “gã khổng lồ” công nghệ, gồm Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Tesla, NVIDIA và Meta (công ty mẹ của Facebook).
Đợt điều chỉnh này làm tăng áp lực lên kết quả của NVIDIA (NVDA.O) vào thứ tư (ngày 19/2), khi các nhà đầu tư kỳ vọng doanh thu quý IV đạt khoảng 38,5 tỷ USD và dự báo doanh thu quý I khoảng 42,5 tỷ USD.
Như thường lệ, thị trường quyền chọn cho thấy cổ phiếu NVIDIA có thể biến động khoảng 8% theo bất kỳ hướng nào nếu kết quả gây bất ngờ.
Phố Wall đã chịu áp lực vào thứ sáu (ngày 21/2) khi một cuộc khảo sát về lĩnh vực dịch vụ cho thấy hoạt động sụt giảm mạnh do lo ngại về thuế quan và chi phí gia tăng.
Nỗi lo lạm phát
Thước đo lạm phát cơ bản yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ được công bố vào thứ sáu (ngày 28/2), dự kiến cho thấy mức giảm từ 2,8% xuống 2,6%, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về thuế quan.
Một cuộc khảo sát người tiêu dùng Mỹ công bố ngày 21/2 cho thấy, lạm phát trong 5 đến 10 năm tới được dự báo sẽ tăng lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 1995.
“Các kỳ vọng lạm phát dài hạn đang có nguy cơ mất neo” (những cú sốc giá cả ngắn hạn có thể làm thay đổi kỳ vọng dài hạn), các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ cảnh báo và cho biết: “Đó là thông điệp rõ ràng từ một số khảo sát kinh tế của Mỹ được công bố ngày 21/2 và đối với FED, dữ liệu này báo hiệu rằng sự thận trọng cao hơn là cần thiết”.
Ít nhất 9 quan chức FED sẽ phát biểu trong tuần này và có khả năng sẽ nhắc lại thông điệp thận trọng về việc cắt giảm lãi suất tiếp theo.
Thị trường hiện chưa định giá cho một đợt nới lỏng nào cho đến tháng 7, với chỉ hai đợt cắt giảm lãi suất được dự đoán trong cả năm.
Trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng giá sau dữ liệu yếu kém về lĩnh vực dịch vụ, mặc dù những lo ngại về lạm phát và nguồn cung vẫn là rào cản. Hợp đồng tương lai kỳ hạn 10 năm giảm 5 điểm vào thứ hai (ngày 17/2).
Sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc, đặc biệt là theo giá trị thực, đã gây áp lực lên đồng USD so với đồng Yên của Nhật Bản, khi lợi suất Nhật Bản tăng do đồn đoán về một đợt tăng lãi suất khác từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Đồng USD bị kẹt ở mức 149,04 Yên, sau khi mất 2% vào tuần trước, đe dọa mức hỗ trợ kỹ thuật tại 148,65. Chỉ số đồng USD giảm gần 0,2% xuống còn 106,480.
Trên thị trường hàng hóa, giá vàng vẫn được hỗ trợ tốt ở mức 2.935 USD/ounce, sau khi tăng 8 tuần liên tiếp.
Giá dầu đang đi theo hướng ngược lại, một phần do suy đoán rằng một thỏa thuận hòa bình cuối cùng ở Ukraine có thể dẫn đến việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga, giúp nước này tăng xuất khẩu dầu.
Giá dầu Brent nhích nhẹ 9 cent lên 74,523 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng 2 cent lên 70,42 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất trong hai tháng trước đó.
Một cuộc khảo sát người tiêu dùng Mỹ công bố ngày 21/2 cho thấy, lạm phát trong 5 đến 10 năm tới được dự báo sẽ tăng lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 1995.
Minh Hiền
Theo Reuters
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-phieu-chau-au-sau-bau-cu-duc-nhu-the-nao-375336.html