Cổ phiếu công nghệ đưa Nasdaq lập kỷ lục mới
Sự đảm bảo chắc chắn về phục hồi kinh tế mà nhà đầu tư cảm nhận được mấy tuần trước giờ đang giảm đi khiến các cổ phiếu có độ nhạy cao với chu kỳ kinh tế lại suy yếu...
Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/1), dước sức ép từ hai cổ phiếu blue-chip là Intel và IBM, khi nhà đầu tư giảm bớt hy vọng về sự mở cửa hoàn toàn trở lại của nền kinh tế trong vài tháng tới.
Trái lại, nhóm công phiếu công nghệ lớn BigTech giúp đưa chỉ số Nasdaq thiết lập một đỉnh cao lịch sử mới.
Theo tin từ Reuters, cổ phiếu IBM sụt 9,9%, trở thành nhân tố gây giảm điểm chủ đạo trong Dow Jones, sau khi công ty báo cáo doanh thu quý 4/2020 giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và không đạt dự báo. Đây là quý giảm doanh thu thứ tư liên tiếp của Intel và do doanh thu ở mảng phần mềm đi xuống.
Cổ phiếu Intel sụt 9,3% sau khi phát biểu của tân Tổng giám đốc (CEO) Pat Gelsinger cho thấy công ty thiếu sự chú trọng đối với mảng thuê ngoài (outsourcing). Trước đó, cổ phiếu Intel tăng 6% trong phiên ngày thứ Năm sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.
Dù vậy, một số cổ phiếu công nghệ lớn khác như Microsoft và Apple tăng mạnh, giữ vai trò trụ đỡ cho các chỉ số và đưa Nasdaq có thêm một phiên tăng.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, năng lượng và tài chính là hai nhóm giảm mạnh nhất trong phiên ngày thứ Sáu. Những nhóm phòng thủ như dịch vụ tiện ích và bất động sản đồng loạt tăng.
"Bất kỳ một sự trì hoãn hay trở ngại nào trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng sẽ là thách thức đối với các cổ phiếu năng lượng", ông Andrews Mies, Giám đốc đầu tư của 6 Meridien, nhận định. "Thị trường cũng đang phản ánh rằng niềm tin vào các nhóm cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế đang suy giảm".
Từ cuối năm ngoái cho tới gần đây, các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với chu kỳ kinh tế, như năng lượng, đã tăng mạnh do giới đầu tư lạc quan vào triển vọng phục hồi tăng trưởng nhờ vaccine ngừa Covid-19. Ngược lại, các cổ phiếu công nghệ lớn đuối sức.
Trong những phiên gần đây, xu hướng trên đảo ngược: cổ phiếu chu kỳ yếu đi xuống và cổ phiếu công nghệ khởi sắc. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến những gì đã diễn ra trong phần lớn thời gian của năm ngoái - khi cổ phiếu chu kỳ thất thế và cổ phiếu công nghệ lên ngôi.
Diễn biến trên cho thấy nỗi lo về phục hồi kinh tế lại đang nổi lên sau một thời gian ngắn lạc quan, dù nhà đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,57%, còn 30.996,98 điểm. S&P 500 giảm 0,3%, còn 3.841,47 điểm. Nasdaq tăng 0,09%, đạt 13.543,06 điểm. Có 12,79 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 12,76 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Cả 3 chỉ số đều tăng trong tuần này, trong đó Nasdaq có tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 6/11. Giới đầu tư mua mạnh những cổ phiếu như Alphabet, Apple và Amazon do kỳ vọng cao vào báo cáo kết quả kinh doanh mà các công ty này sẽ công bố trong mấy tuần tới.
Cả tuần, S&P 500 tăng 1,9%, Dow Jones tăng 0,6%, và Nasdaq tăng 4,2%.
Mức định giá cổ phiếu ở Phố Wall đang ở gần mức cao kỷ lục từ thời bong bóng dotcom, nên một số nhà phân tích cho rằng sự xuất hiện của những biến chủng Covid-19 mới và trở ngại trong việc triển khai vaccine có thể đặt ra rủi ro trong ngắn hạn.
Phát biểu ngày 22/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này đang trở nên trầm trọng hơn và Chính phủ cần hành động mạnh ngay để giúp đỡ những người dân gặp khó hăn.
"Sự đảm bảo chắc chắn về phục hồi kinh tế mà nhà đầu tư cảm nhận được mấy tuần trước giờ đây đang giảm đi", ông Mies nói thêm.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện Mỹ phê chuẩn với tỷ lệ 100% phiếu thuận việc bổ nhiệm bà Janet Yellen vào cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đây là một dấu hiệu cho thấy bà Yellen sẽ dễ dàng nhận được sự phê chuẩn của toàn bộ Thượng viện.