Cổ phiếu công nghệ thế giới trúng đòn

Cổ phiếu Tập đoàn công nghệ Nvidia giảm 9,5% trong phiên giao dịch hôm 3-9, khiến giá trị vốn hóa thị trường 'bốc hơi' 279 tỉ USD

Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc hôm 4-9 trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ giảm mạnh và các nhà đầu tư rời bỏ tài sản rủi ro do lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Theo Reuters, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 3%. Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,6%.

Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ hôm 3-9 (giờ địa phương) trải qua phiên bán tháo tồi tệ nhất kể từ đầu tháng 8. Đáng chú ý, cổ phiếu của Tập đoàn Công nghệ Nvidia giảm 9,5% giữa lúc các nhà đầu tư bớt hào hứng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Mức giảm trên khiến giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia "bốc hơi" 279 tỉ USD trong một ngày, con số cao kỷ lục đối với một công ty Mỹ. Kỷ lục trước đó thuộc về Meta (công ty mẹ của Facebook) với mức giảm 232 tỉ USD trong một ngày hồi tháng 2-2022.

Sự lao dốc của cổ phiếu Nvidia cũng kéo theo sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu chip khác, như Intel (giảm gần 8%), Marvell (giảm gần 8,2%), AMD (giảm 7,8%), Qualcomm (giảm gần 7%). Theo đài CNBC, chỉ số VanEck Semiconductor ETF, chuyên theo dõi cổ phiếu lĩnh vực bán dẫn, đã giảm 7,5%. Đây là ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 3-2020.

Đà bán tháo ở Phố Wall sau đó lan sang châu Á, nơi các công ty công nghệ và bán dẫn chịu tác động mạnh nhất. Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Samsung giảm 3,45% trong khi cổ phiếu của SK Hynix (cung cấp chip nhớ băng thông rộng cho Nvidia) giảm 8%. Tại Nhật, cổ phiếu của các công ty như Tokyo Electron, Advantest… cũng chịu số phận tương tự.

Giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) “bốc hơi” 279 tỉ USD hôm 3-9. Ảnh: REUTERS

Giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) “bốc hơi” 279 tỉ USD hôm 3-9. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, các nhà phân tích chỉ ra nhiều yếu tố dẫn đến sự sụt giảm nói trên. Nổi bật là dữ liệu sản xuất yếu của Mỹ được công bố hôm 3-9 làm dấy lên nỗi lo nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Đến ngày 6-9 tới, Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố báo cáo việc làm tháng 8 được theo dõi sát sao. Do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED đang tập trung nhiều vào thị trường lao động, báo cáo có thể quyết định quy mô của đợt cắt giảm lãi suất dự kiến bắt đầu trong tháng này.

Theo thăm dò của Reuters, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Mỹ tạo thêm 160.000 việc làm trong tháng 8, so với con số 114.000 việc làm trong tháng 7.

Còn tại Trung Quốc, các dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này vẫn gặp khó trên con đường phục hồi vững chắc, làm dấy lên lời kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế. Nỗi lo về triển vọng ảm đạm ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - và nguy cơ suy thoái toàn cầu khiến giá dầu giảm.

Ngoài ra, một diễn biến gây tác động khác là việc Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đang điều tra xem liệu Nvidia và một số công ty khác có vi phạm luật chống độc quyền hay không. Theo trang Bloomberg hôm 3-9, DOJ đã gửi trát hầu tòa đến các công ty nói trên để tìm kiếm bằng chứng về các vi phạm chống độc quyền.

Các quan chức DOJ lo ngại rằng sự thống trị của Nvidia trên thị trường chip AI toàn cầu khiến khách hàng có ít lựa chọn, từ đó khó có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác nếu không sử dụng sản phẩm của Nvidia.

Cổ phiếu chip đã tăng trong năm qua, xuất phát từ kỳ vọng về sự bùng nổ của AI sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải mua nhiều chất bán dẫn và bộ nhớ hơn để đáp ứng yêu cầu tính toán ngày càng tăng cho ứng dụng AI. Đáng chú ý, cổ phiếu Nvidia vẫn tăng 118% so với đầu năm 2024 bất chấp những đợt sụt giảm mới đây.

Mỹ: Dữ liệu kinh tế mới gây lo ngại

Viện Quản lý Cung ứng (ISM) hôm 3-9 cho biết hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 8. Cụ thể, theo khảo sát của ISM, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 47,2 trong tháng rồi, so với mức 46,8 được ghi nhận trong tháng 7.

PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Con số mới nhất đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp PMI dưới 50.

Ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát kinh doanh sản xuất của ISM, đánh giá nhu cầu vẫn còn yếu khi các công ty không muốn đầu tư vào vốn và hàng tồn kho do chính sách tiền tệ liên bang hiện tại và sự không chắc chắn của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, theo đài CNBC, ông Fiore nói thêm rằng PMI trên 42,5 thường cho thấy sự mở rộng của toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, một khảo sát khác của Công ty S&P Global (Mỹ) cho thấy PMI ở Mỹ trong tháng 8 là 47,9, so với mức 49,6 trong tháng 7.

Ông Chris Williamson, chuyên gia tại Công ty S&P Global Market Intelligence, cho rằng PMI tiếp tục giảm cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trở thành lực cản ngày càng lớn đối với nền kinh tế vào giữa quý III/2024 và sự cản trở này có thể gia tăng trong những tháng tới.

Các dữ liệu mới nói trên làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm % trong tháng này. Một số chuyên gia thậm chí dự báo mức cắt giảm có thể lên đến 0,5 điểm %.

Chủ tịch FED Jerome Powell gần đây cũng tuyên bố đã đến lúc điều chỉnh chính sách tiền tệ, gửi thông điệp thẳng thắn tới thị trường rằng FED có khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp kéo dài 2 ngày 17 và 18-9. Lãi suất tại Mỹ hiện ở mức 5,25% - 5,5%.

Xuân Mai

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-phieu-cong-nghe-the-gioi-trung-don-196240904210737553.htm