Cổ phiếu dầu khí đua nhau vượt đỉnh, vì sao?
Sau phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới đã có những tín hiệu hết sức tích cực nhờ triển vọng về thắt chặt nguồn cung và sự lạc quan của OPEC về sự hồi phục của nhu cầu năng lượng. Đây là động lực lý giải dòng tiền đang đổ vào gom cổ phiếu dầu khí.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9, giá dầu đạt được mức tăng gần 2%, cao nhất kể từ thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, giá dầu Brent tương lai tăng lên 1.42 USD (+1.57%), tương đương với mức 92.06 USD/thùng. Còn với giá dầu WTI của Mỹ tăng 1.55 USD (+1.8%), tương với mức 88.84 USD/thùng. Hai loại dầu tiêu chuẩn này đã có những chuyển biến tích cực trong 8 phiên liên tiếp.
Nhận động lực từ giá dầu thế giới
Trong phiên giao dịch ngày 13/9, hai loại dầu này tiếp tục ở trong trạng thái quá mua khi có được mức tăng tương đối tốt. Điều này đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phiếu dòng dầu khi ở thị trường chứng khoán trong nước. Nhận được tín hiệu tích cực từ giá dầu thế giới, các cổ phiếu của nhóm này đồng loạt tăng mạnh trong phiên ngày 13/9 và đua nhau vượt đỉnh.
Cụ thể, BSR là cổ phiếu nổi bật nhất trong nhóm khi kết thúc phiên giao dịch buổi sáng với mức tăng 1.10 điểm (+5.21%). Bên cạnh đó các cổ phiếu khác cũng đều có được mức tăng khá ấn tượng. Một số cổ phiếu đáng chú ý có thể kể đến như PVS (+2.71%), PVD (+2.08%), PVC (+2.08%) hay PVT (+1.55%).
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn đang cho thấy sức mạnh nhất định của mình ở trên thị trường chứng khoán. OPEC vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm về tăng trưởng nhu cầu dầu khí trong năm 2023 và 2024. Báo cáo hàng tháng của OPEC dự báo rằng nhu cầu sử dụng dầu sẽ tăng lên 2.25 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Để thắt chặt nguồn cung, Saudi Arabia và Nga đã cắt giảm nguồn tổng nguồn cung tự nguyện ở mức 1.3 triệu thùng/ngày vào thời điểm cuối năm nay.
Theo dự báo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ ( EIA), sản lượng dầu trên toàn cầu sẽ tăng lên mức 101.2 triệu thùng/ngày vào năm nay và 102.9 triệu thùng/ngày vào năm sau. Cũng theo cơ quan này, nhu cầu sử dụng dầu trên toàn thế giới sẽ lên mức 101 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 102.3 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
EIA cũng cho biết rằng dự kiến tồn kho dầu sẽ giảm khoảng 500 nghìn thùng/ngày và đẩy giá dầu tăng và giá dầu Brent lên mức 93 USD/thùng vào cuối năm 2023.
Ở Mỹ, cơ quan này dự báo rằng sản lượng dầu thô sẽ tăng lên mức 12.8 triệu thùng /ngày vào năm 2023 và 13.2 triệu thùng /ngày vào năm 2024. Trong khi đó, mức tiêu thụ cũng sẽ tăng lên mức 20.1 triệu thùng/ngày trong năm nay và đạt được mức 20.3 triệu/thùng/ngày.
Trong ngày hôm qua, Viện Dầu khí Mỹ cung cấp những dữ liệu cho thấy sự tăng lên bất ngờ của tồn kho dầu nước này trong 8-9 ngày qua. Cụ thể, tồn kho dầu thô tăng 1.174 triệu thùng, tồn kho xăng dầu tăng 4.21 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 2.592 triệu thùng.
Giới đầu tư và các chuyên gia đang rất mong chờ dự báo của IEA - Cơ quan năng lượng quốc tế về cung cầu dầu khí và dữ liệu tồn kho của Mỹ từ EIA trong ngày hôm nay.
Tác động lên nhóm dầu khí
Theo nhận định của ông Lâm Gia Khang, Trưởng nhóm phân tích thị trường của CTCK Vietinbank, tác động của giá dầu trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn như PLX, OIL và BSR và tạo động lực cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn như PVD, PVS và PVB. Còn các doanh nghiệp thuộc nhóm trung nguồn như GAS, PVT, PVC và PXS, kết quả kinh doanh của họ ít phụ thuộc vào giá dầu hơn, mà chịu ảnh hưởng nhiều từ nhu cầu sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp thượng nguồn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong tập đoàn dầu khí sẽ chịu tác động lớn hơn từ tiến trình triển khai dự án Lô B - Ô Môn, vì yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi nhuận của họ.
Bộ phận phân tích chiến lược tại CTCK Yuanta đã xác định sáu mã cổ phiếu trong ngành dầu khí sẽ hưởng lợi hàng đầu từ dự án khí Lô B - Ô Môn, bao gồm: PVS, PVD, PVB, PVC, PXS và GAS.
Theo Yuanta, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ dự án Lô B - Ô Môn. Lĩnh vực cơ khí và xây lắp của công ty này sẽ nhận được một lượng công việc đáng kể từ dự án, trong giai đoạn ban đầu có thể đạt hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra, việc cung cấp tàu chở và xuất khẩu dầu thô cho dự án Lô B cũng có tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, đội ngũ phân tích của VNDirect cũng đã chỉ ra những rủi ro trong ngành dầu khí như việc triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí có thể bị chậm trễ, đặc biệt là đối với các dự án lớn như Lo B - Ô Môn, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng công việc tiềm năng cho các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn cũng như nguồn cung dầu khí trong nước trong dài hạn.
Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành của CTCK VPBank, giá cổ phiếu của ngành dầu khí hiện đang được định giá thấp hơn so với VN-Index, cả về chỉ số PE (P/E) và chỉ số PB (P/B). Một số cổ phiếu như PVD, PVC, OIL và PVG có chỉ số PE cao do các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp sau một giai đoạn thấp điểm.
Trong khi đó, các cổ phiếu có chỉ số PB cao như GAS và PGD vượt trội so với trung bình của VN-Index và VN30, do có dòng doanh thu và lợi nhuận tương đối ổn định và biến động phù hợp với giá dầu và giá khí tự nhiên.
Đây sẽ là những tín hiệu hết sức tích cực dành cho nhóm cổ phiếu dầu khí và thời điểm cuối năm giá dầu thường có những biến chuyển tích cực nên dự kiến sắp tới đây sẽ có một làn sóng tăng điểm mạnh mẽ dành cho nhóm này.