Cổ phiếu dệt may: Kỳ vọng trong thận trọng
Cùng với những ngành xuất khẩu chủ lực, ngành dệt may cũng đang ghi nhận những điểm sáng rõ nét. Với những kỳ vọng tích cực, trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu dệt may cũng nhận được sự quan tâm của dòng tiền.
Theo quan sát, từ cuối tháng 8 đến nay, trong khi thị trường đang gặp “sức ép” gia tăng nhưng dòng tiền vẫn “nhớ” đến nhóm cổ phiếu ngành dệt may.
Cổ phiếu dần phục hồi
Điển hình, cổ phiếu TNG (Đầu tư và Thương mại TNG) đạt 20.600 đồng/cp - mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây (phiên 19/9).
Như vậy, sau đợt sụt giảm mạnh kéo dài suốt nửa đầu tháng 8, cổ phiếu TNG hiện đã phục hồi, với mức tăng hơn 20% trong vòng 14 ngày giao dịch gần đây, cùng với thanh khoản được cải thiện đáng kể. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu TNG đã tăng hơn khoảng 70%.
Đáng chú ý, theo thông tin mới nhất, Quỹ AFC VF Limited đã thông báo trở thành cổ đông lớn của Dệt may TNG sau khi mua vào thêm 403.000 cổ phiếu vào ngày 29/8, nâng lượng cổ phiếu TNG đang nắm giữ lên hơn 5,7 triệu đơn vị, tương đương 5,04% vốn cổ phần của Dệt may TNG.
Tương tự, cổ phiếu HTG (Dệt may Hòa Thọ). Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9, cổ phiếu HTG có giá 32.000 đồng/cp, tăng hơn 12% chỉ sau một tháng và tăng khoảng 50% kể từ đầu năm.
Cùng thời gian, cổ phiếu MSH đạt 45.300 đồng/cp. Đáng chú ý, cổ phiếu này đã ghi nhận nhịp tăng mạnh với mức tăng hơn 25% chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, với thanh khoản cao đột biến so với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu MSH đã tăng gần 45%.
Ngược thời gian, trong nửa đầu năm 2023, ngành dệt may vẫn trong cảnh khó khăn khi tình hình xuất khẩu chưa mấy khởi sắc. Việc các doanh nghiệp dệt may không chỉ về "đói" đơn hàng mà cả về đơn giá là những nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả kinh doanh của nhóm ngành dệt may chưa thể “trở mình”.
Cùng với đó, trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành dệt may cũng rơi vào xu hướng giảm xuống và đi ngang. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu trong nhóm dệt may đã có mức chiết khấu đủ sâu đưa định giá về mức phù hợp. Bên cạnh đó, tình hình xuất nhập khẩu có những tín hiệu tích cực và tiếp tục được dự báo khả quan trong quý cuối năm khi thị trường bước vào mùa lễ tết được cho là những yếu tố “kích hoạt” dòng tiền tìm đến nhóm ngành này để tìm kiếm cơ hội tích lũy cổ phiếu cho những tháng cuối năm.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay tại thị trường Mỹ, khách hàng đã bắt đầu tăng đặt hàng trở lại cho những tháng cuối năm và đầu vụ Xuân Hè 2024. Các đơn hàng cho quý IV cũng đã dồi dào hơn trước.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp dệt may lớn như CTCP Tập đoàn Gia Định, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã nhận được số lượng đơn hàng đủ cho quý III và quý IV của năm nay.
Ban lãnh đạo May Sông Hồng cho biết, nhiều đơn hàng đã được ký mới trong quý II/2023, dự kiến tình hình đơn hàng vào quý III/2023 vẫn có thể còn gặp khó khăn nhưng từ quý IV/2023 trở đi thì đơn hàng sẽ dồi dào trở lại.
Là một trong số ít doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong bối cảnh toàn ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề vì thiếu đơn hàng, khi sức mua tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm mạnh nhưng Dệt may TNG cho biết, doanh thu tiêu thụ tháng 8/2023 của công ty đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, Dệt may TNG ghi nhận 4.837 tỷ đồng doanh thu, tăng 132 tỷ đồng tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ. Qua đó, hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu cả năm nay.
Vẫn còn khó khăn
Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May10: "Ngành dệt may trong hơn 30 năm nay đã xuất khẩu các đơn hàng đi khắp các thị trường như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2023 đánh dấu một năm khó khăn khi những đơn hàng chúng tôi phải 'giật gấu vá vai' liên tục trong suốt 8 tháng vừa qua. Dù vậy, thời điểm hiện tại đang dần chuyển sang trạng thái đủ ăn, đủ mặc".
Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho biết thêm dệt may Việt Nam luôn nằm vị trí thứ 2 và thứ 3 về xuất khẩu trên toàn cầu. Việc ký kết chiến lược toàn diện giữa 2 Chính phủ Việt – Mỹ là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng, sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới vào thị trường Mỹ.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”. Đơn vị này cũng cho biết hơn một nửa khách hàng của tập đoàn đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong những tháng cuối năm sẽ khả quan.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện cũng lưu ý các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về rủi ro quy mô đơn hàng bị giảm và rủi ro tỷ giá. Hơn nữa, Tập đoàn cũng dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.
Tương tự, SSI Research nhận định đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý IV/2023.
SSI Research hiện dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB. Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Đơn cử, dù doanh thu tiêu thụ tháng 8/2023 của Dệt may TNG tăng hơn so với cùng kỳ nhưng lại giảm gần 8% so với tháng 7/2023.
FPT Securities cho biết, tiến độ đặt đơn hàng mới từ các đối tác của Dệt may TNG đang diễn ra tương đối chậm so với năm ngoái. Tới tháng 8 vừa qua, Dệt may TNG mới nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 10 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho quý IV/2023. Trong khi vào tháng 7/2022, Dệt may TNG đã nhận đủ đơn hàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm.
Với trường hợp của CTCP Sản xuất thương mại - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) - nhà sản xuất nhiều loại sản phẩm cho gia dụng và công nghiệp, sử dụng máy móc hiện đại và có công suất lớn nhưng doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc danh mục khách hàng dẫn tới khoản lỗ lớn trong quý II vừa qua. Trong tình cảnh này, mặc dù kỳ vọng về khả năng phục hồi doanh thu nhưng khả năng có lợi nhuận dương của doanh nghiệp khá yếu. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay.