'Cổ phiếu điện phù hợp cho đầu tư dài hạn nhưng không nên đánh đồng'
Nhóm ngành điện không phù hợp cho đầu tư ngắn hạn mà thích hợp với xu hướng đầu tư dài hạn, tăng trưởng bền vững bởi đây là nhóm ngành phòng thủ khá đặc trưng, trao đổi của chuyên gia với Mekong ASEAN.
Nhóm cổ phiếu ngành điện đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư. Các cổ phiếu đại diện cho ngành như NT2, QTP, PPC, HND, BCG, ASM, GEX, GEG... đều đã tăng giá đáng kể. Trong đó, NT2 đã vượt đỉnh, QTP cũng đã tiến gần sát mức giá cao nhất đã xác lập. Câu hỏi là thời gian tới, nhóm cổ phiếu ngành này triển vọng thế nào?
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Phạm Quang Huy – Giám đốc Khối Trung tâm khách hàng Cao cấp (Chứng khoán KB) nhận định, nhóm ngành điện đang có nhiều thông tin tác động. Ngoài tăng giá điện, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII thì tình hình thủy văn bất lợi dẫn tới tình trạng thiếu điện khiến các doanh nghiệp điện khí, nhiệt điện, năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ tăng sản lượng, qua đó làm tăng kỳ vọng lợi nhuận.
Tuy nhiên theo ông Huy, nhóm cổ phiếu ngành điện không phù hợp cho đầu tư ngắn hạn vì đây là nhóm ngành phòng thủ khá đặc trưng.
Ngoài ra, việc đầu tư không nên đánh đồng, bởi trong Quy hoạch Điện VIII có đề cập rất rõ đến vấn đề giảm phụ thuộc vào điện than. Đây là nhóm đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng trong dài hạn xu hướng sẽ giảm dần theo thời gian.
Thay vào đó, điện khí và năng lượng tái tạo sẽ là mũi nhọn tập trung phát triển trong giai đoạn từ giờ đến 2050. Vì vậy, các doanh nghiệp có tiềm lực tốt như PC1, REE, GEG, HDG, NT2, POW, GAS, PVS, … sẽ được hưởng lợi khá nhiều trong thời gian tới.
“Cũng cần lưu ý thêm rằng, mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng GDP đang là mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Do vậy việc kích cầu sản xuất cho các khu công nghiệp lớn, đầu tư công cũng sẽ cần sản lượng điện cung ứng rất lớn và nghiễm nhiên ngành điện sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới”, ông Huy nói.
Nhìn lại báo cáo triển vọng ngành điện 6 tháng cuối năm 2023 cập nhật ngày 30/5 của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), đến cuối quý 1/2023, có 2 dự án nhiệt điện than mới chính thức vận hành thương mại, gồm: Nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW – COD ngày 6/5/2022), Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW – COD ngày 14/7/2022). Bên cạnh đó, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (cả 2 tổ máy đã hoàn thành công tác vận hành chạy thử và dự kiến sẽ COD trong quý 2/2023).
Trong khi công suất năng lượng tái tạo chứng kiến sự chững lại do các nút thắt về cơ chế giá mới thì các dự án thủy điện Ialy MR (360 MW), Trị An MR (200 MW) và Hòa Bình MR (480 MW) đã được cho phép thi công trở lại. Các dự án thủy điện mở rộng là các nhà máy đều có hồ chứa điều tiết năm hoặc điều tiết nhiều năm.
Các dự án nguồn điện lớn trên được kỳ vọng giúp bổ sung công suất ở khu vực phía Bắc trong bối cảnh phụ tải ở khu vực này tăng trưởng cao trong những năm gần đây.
Đối với các dự án nhiệt điện khí, dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 (1.050 MW) có nhiều tín hiệu tích cực khi nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư và ký thỏa thuận khung hợp đồng bán khí với PV GAS trong tháng 2/2023. Dự án Nhiệt điện Ô Môn 3 (1.050 MW) đang đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ do gặp vướng mắc về vay vốn ODA và dự án nhiệt điện Ô Môn IV (1.050 MW) đã được chuyển giao từ EVN sang PVN làm chủ đầu tư.
Các doanh nghiệp nhiệt điện khí có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1/2023 do: Các nhà máy điện khí chủ yếu nằm ngay trung tâm phụ tải ở phía Nam nên được phân bổ sản lượng hợp đồng cao; giá khí đầu vào tại 2 nhà máy giảm nhẹ giúp cạnh tranh tốt hơn trên thị trường điện.
Các doanh nghiệp nhiệt điện than có kết quả kinh doanh kém khả quan hơn do: Sản lượng sụt giảm do phụ thải thấp hơn khi hoạt động sản xuất kém khả quan; các nhà máy nhiệt điện than sử dụng chủ yếu là than trộn với giá cao hơn hẳn so với giá than nội địa, mức tăng của giá than được chuyển tiếp vào giá bán điện trong hợp đồng PPA nên có sự tăng trưởng về doanh thu; biên lợi nhuận gộp chịu ảnh hưởng khi các doanh nghiệp vận hành ở mức công suất thấp và không đủ bù đắp chi phí khấu hao.
Với nhóm thủy điện, La Nina đã chính thức kết thúc vào tháng 2/2023 nhưng lưu lượng mưa có sự phân hóa mạnh ở các khu vực. Giá bán trên thị trường điện (CGM) trung bình đạt 1.689 đồng/kWh (+11%). VSH là một trong số các doanh nghiệp thủy điện tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong quý 1/2023 với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với năng lượng tái tạo, cơ chế giá mới là cơ sở để các doanh nghiệp chưa kịp phát điện có thể đàm phán giá bán điện và bắt đầu vận hành, tạo ra dòng tiền bù đắp chi phí như chi phí bảo dưỡng, chi phí khấu hao và chi phí lãi vay.
Các doanh nghiệp có dự án kịp vận hành thương mại trước thời hạn được hưởng giá FIT ưu đãi như PC1, REE và GEG sẽ có hiệu quả đầu tư dự án tốt hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp có dự án được phân loại là dự án chuyển tiếp.
Các doanh nghiệp cần lựa chọn những vị trí tốt hơn để triển khai dự án như các khu vực có tốc độ gió tốt và lượng bức xạ mặt trời lớn để cải thiện hệ số công suất (Capacity Factor), gia tăng sản lượng bởi vì yếu tố vận tốc gió sẽ có tác động lớn nhất đến sản lượng điện do sự phụ thuộc công nghệ vào nước ngoài.
Với phân tích triển vọng như trên, VCBS lựa chọn POW, PGV, TV2, QTP là những mã cổ phiếu điện còn dư địa tăng giá mạnh.