Cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 tăng kịch trần, bất chấp bị khối ngoại bán ròng đột biến

Trong bối cảnh thị trường chung khởi sắc, VN-Index vượt 1.500 điểm trong phiên hôm nay (22/7), khối ngoại quay đầu bán ròng tổng cộng 1.880 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trong đó, cổ phiếu VJC (CTCP Hàng không Vietjet) là mã bị bán ròng đột biến với giá trị lên tới 1.978 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù bị bán ròng mạnh nhất thị trường song cũng không ngăn được cổ phiếu VJC giữ vững “sắc tím” ở mức 101.700 đồng/cp. Đến cuối phiên, mã này vẫn dư mua giá trần hơn 2 triệu cổ phiếu. Đây cũng là mã duy nhất trong nhóm VN30 tăng trần.

Cổ phiếu VJC giữ vững “sắc tím” ở mức 101.700 đồng/cp, dù bị khối ngoại bán mạnh nhất thị trường.

Cổ phiếu VJC giữ vững “sắc tím” ở mức 101.700 đồng/cp, dù bị khối ngoại bán mạnh nhất thị trường.

Cổ phiếu tăng mạnh, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Vietjet Air cũng tăng lên 2,8 tỷ USD, chỉ đứng sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong danh sách những người giàu nhất thế giới tại Việt Nam, theo cập nhật của Forbes chiều nay.

Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là người giàu thứ 1.383 trên thế giới, tăng thêm so với ngày trước đó là 153 triệu USD, tương ứng với khoảng hơn 3.900 tỷ đồng.

Cổ phiếu VJC tăng trần được cho là nhờ thông tin mới nhất về việc Cục Hàng không Việt Nam cho biết Bộ Xây dựng đã phê duyệt Vietjet là nhà đầu tư trúng thầu dự án xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 3 và số 4 tại sân bay Long Thành. Hai dự án này dự kiến hoàn thành trong năm nay, đưa vào khai thác từ năm 2026 đến hết ngày 31/12/2050.

Trong 5 năm đầu khai thác, Vietjet đề xuất nộp ngân sách Nhà nước mức 0,05% doanh thu. Từ năm thứ 6, mức nộp tối thiểu là 2% và tăng dần 2,5% theo từng giai đoạn. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là khoảng 1.543 tỷ đồng, triển khai trên khu đất 8,4 ha trong khu vực E-01 sân bay Long Thành.

Dự án hướng đến hình thành tổ hợp bảo dưỡng máy bay phục vụ hãng nội địa, đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành. Mỗi tổ hợp có thể bảo dưỡng đồng thời 2 máy bay thân rộng (code E) và 4 máy bay thân hẹp (code C), đi kèm cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Trong một thông báo mới đây, Công ty CP Aviation báo cáo đã trở thành cổ đông lớn của Vietjet sau khi mua thêm 25 triệu cổ phiếu, nâng tổng sở hữu lên 35 triệu đơn vị (tương đương 5,92% vốn).

Còn theo Vietjet, hãng đã chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 100.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu về được là hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó Aviation mua 25 triệu cổ phiếu. CTCP Đầu tư Dynamic & Development nắm giữ 25 triệu cổ phiếu, chiếm 4,23% vốn tại Vietjet.

Vietjet đã tăng vốn điều lệ từ hơn 5.416 tỷ đồng lên hơn 5.916 tỷ đồng. Đồng thời, hãng mới bổ nhiệm ông Philipp Rösler (SN 1973) - cựu Phó thủ tướng Đức (người Đức gốc Việt) làm thành viên HĐQT VJC nhiệm kỳ 2022-2027.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/co-phieu-duy-nhat-trong-nhom-vn30-tang-kich-tran-bat-chap-bi-khoi-ngoai-ban-rong-dot-bien-1108321.html