Cổ phiếu Evergrande 'bay hơi' 12,5% sau khi thỏa thuận bán tài sản bất thành
Cổ phiếu Evergrande trượt dốc 12,5% trong ngày giao dịch 21/10 sau khi thỏa thuận bán một phần tài sản trị giá hàng tỷ USD của tập đoàn này cho Hopson Development Holdings đổ bể.
Trước đó, nỗ lực của Evergrande để bán lại tòa nhà trụ sở tại Hong Kong trị giá 1,7 tỷ USD cũng bất thành. Ảnh: AFP
Cổ phiếu Hopson niêm yết tại Hong Kong hôm 21/10 đóng cửa tăng gần 7,6%, trong khi cổ phiếu Công ty dịch vụ bất động sản Evergrande (Evergrande Property Services) giao dịch tại thị trường này rớt giá 8%.
Đầu tháng này, Evergrande đã xúc tiến một số cuộc đàm phán để bán một phần tài sản tại công ty con Evergrande Property Services cho đối thủ có quy mô nhỏ hơn Hopson.
Tuy nhiên, cuối ngày 20/10 Hopson phát đi thông báo rằng việc đàm phán mua lại 50,1% cổ phần tại Evergrande Property Services đã bất thành. Phía Evergrande cũng xác nhận việc chấm dứt thỏa thuận mua bán này trong một thông báo riêng. Theo hồ sơ, thỏa thuận mua lại 50,1% cổ phần tại Evergrande Property Services có giá trị 20,04 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 2,58 tỷ USD).
Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc, xét về doanh số, và là nhà phát hành trái phiếu ra nước ngoài lớn nhất trong ngành này, với tổng nợ phải trả khoảng 300 tỷ USD.
Liên tiếp xuất hiện những nghi ngại rằng việc Evergrande mất khả năng trả nợ có thể gây ra sự sụp đổ theo “hiệu ứng domino” của các doanh nghiệp bất động sản khác ở Trung Quốc. Bất động sản và các ngành liên quan có đóng góp quan trọng cho kinh tế Trung Quốc và chiếm 1/4 GDP của nước này.
Thỏa thuận bán một phần tài sản cho Hopson thất bại đúng lúc Evergrande sắp kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày đối với việc thanh toán lãi suất 83 triệu USD cho nhà đầu tư trái phiếu bằng đô la Mỹ do tập đoàn này phát hành. Nếu không thanh toán được khoản nợ lãi suất này vào ngày 23/10, về mặt kỹ thuật Evergrande sẽ bị vỡ nợ.
Vào cuối ngày 20/10, Evergrande cho biết sau khi bán 1,5 tỷ USD cổ phần tại Ngân hàng Shengjing vào cuối tháng 9, doanh nghiệp này "không có bước tiến quan trọng nào về việc bán tài sản".
Tuần trước, Reuters trích dẫn các nguồn tin cho biết Yuexiu Property, một công ty bất động sản thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã hủy thỏa thuận mua lại tòa nhà trụ sở của Evergrande tại Hong Kong, trị giá 1,7 tỷ USD.
Việc Evergrande huy động vốn bằng phát hành trái phiếu và phụ thuộc nhiều vào các khoản vay để nhanh chóng tăng quy mô hoạt động đã bị chính quyền Trung Quốc soi xét chặt chẽ hơn vào năm ngoái. Cụ thể, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách "ba lằn ranh đỏ" đối với các công ty bất động sản nhằm giảm tỷ lệ nợ trên tài sản của nhóm doanh nghiệp này.
Nhưng Evergrande đã bước qua cả "ba lằn ranh đỏ" tính đến nửa đầu năm nay, trong khi Hopson và Yuexiu vẫn chưa vượt qua bất kỳ ranh giới nào trong số đó, theo đánh giá của Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp).
Evergrande cho biết doanh số bất động sản theo hợp đồng của tập đoàn này tính từ đầu tháng 9 đến ngày 20/10, đạt tổng cộng 3,65 tỷ nhân dân tệ (tương đương 571,1 triệu USD), chỉ bằng 1/10 so với con số 38,08 tỷ nhân dân tệ trong tháng 8. Lũy kế doanh số bán bất động sản theo hợp đồng của Evergrande từ đầu năm đến ngày 20/10 đạt 442,3 tỷ nhân dân tệ.
Cuối tuần trước, cơ quan chức năng Trung Quốc có động thái xoa dịu những lo ngại về số phận đáng lo ngại của Evergrande và sự suy thoái của ngành bất động sản.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hơn một lần khẳng định rằng Evergrande là chỉ trường hợp cá biệt của ngành bất động sản và vấn đề vẫn "có thể kiểm soát được". Ông Dịch Cương (Yi Gang), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng biện pháp đầu tiên cần làm là ngăn chặn rủi ro của Evergrande lây lan sang các công ty bất động sản khác.
Tại một diễn đàn tài chính mới đây, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã nhấn mạnh rằng thị trường bất động sản đã xuất hiện những vấn đề riêng lẻ và nhu cầu bơm vốn ở mức hợp lý đang được đáp ứng. Thế nhưng, ông Lưu Hạc không nhắc tên cụ thể Evergrande.