Cổ phiếu HNM bị tạm ngừng giao dịch, Hanoimilk cứ mãi sa lầy
Cổ phiếu HNM của CTCP Sữa Hà Nội vừa bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định cho tạm ngừng giao dịch từ ngày 7/10 do không khắc phục được nguyên nhân dẫn tới việc bị kiểm soát và tiếp tục vi phạm công bố công tin.
Đặc biệt, Hanoimilk chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 và báo cáo soát xét bán niên 2019.
Theo đó, Sở sẽ có thông báo cho phép cổ phiếu HNM được giao dịch trở lại hoặc chuyển sang diện cảnh báo/kiểm soát sau khi Hanoimilk khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch.
Trước đó, hồi tháng 7/2019, tại đại hội cổ đông của Hanoimilk, giải thích cho việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát từ tháng 11/2018, Ban lãnh đạo Công ty cho biết Công ty chưa thống nhất với đơn vị kiểm toán về việc trích lập thêm khác khoản chi phí. Theo đó, Công ty sẽ cố gắng xử lý trong thời gian sớm nhất.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2019, Hanoimilk đặt kế hoạch sản lượng sản xuất và gia công đạt 11 triệu lít, tăng 17% so với năm trước. Về mặt doanh thu, Công ty đề ra chỉ tiêu doanh thu bán hàng 242 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.42 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 106% so với thực hiện 2018.
Kế hoạch cả năm là vậy, song 6 tháng 2019, Hanoimilk mới thực hiện được 856 triệu đồng, chưa được phân nửa kế hoạch đề ra.
Cũng phải nói thêm, từ năm 2015 đến 2018, Hanoimilk chưa năm nào hoàn thành được kế hoạch đề ra cho cả năm, mà chỉ đạt quanh mốc 48-78% dù con số chỉ tiêu đặt ra không hề lớn, chỉ vài tỷ đồng/năm. Thậm chí năm 2018 còn lỗ tới gần 19 tỷ đồng.
Được thành lập năm 2001, Hanoimilk từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, với các sản phẩm mang nhãn hiệu Izzi, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%, sữa chua Hanoimilk...
Tuy nhiên, chuỗi thành công vang dội tạm chấm dứt ở thời điểm cuối năm 2008 khi “cơn bão melamine” tràn vào Việt Nam, Hanoimilk trở thành tâm bão và chịu ảnh hưởng nặng nề mà đến nay vẫn chưa thể vực dậy.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNM đang giao dịch quanh mức 4.900 đồng/cổ phiếu, giảm gần 17% trong vòng 1 tháng qua và giảm gần 89% tính từ khi niêm yết.
Tại thời điểm cuối năm 2018, cổ đông lớn của Hanoimilk vẫn là Chủ tịch Hà Quang Tuấn với 21,88%, tiếp đến là bà Vũ Thị Thanh Vân 18,75%, CTCP Hoàng Mai Xanh 6,25%, Công ty TNHH Phát triển sản phẩm mới công nghệ mới 6,25% và ông Nguyễn Thiện Thành 5,05%.
Tuy nhiên gần đây, ông Nguyễn Thiện Thành đã chính thức tháo chạy khỏi cổ phiếu này khi thoái hết vốn vào tháng 7 vừa qua.