Cổ phiếu họ FLC, Louis vẫn nằm sàn
Hàng loạt cổ phiếu đầu cơ vẫn bị bán tháo ở giá sàn, hiện tượng bán giải chấp đã bắt đầu nhen nhóm.
VN-Index giảm mạnh, sau đó phục hồi nhẹ.
Khối ngoại mua ròng khoảng 300 tỷ đồng.
Cổ phiếu thủy sản là điểm sáng
10:36 20/04
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 20/4 tiếp đà lao dốc sau những phiên giao dịch rất bi quan trước đó. Chỉ số dù mở cửa có giằng co nhưng sau đó vẫn rơi mạnh khi lực bán luôn thường trực bởi tâm lý dè chừng.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư đã nhắc đến câu chuyện bán giải (force sell) nhiều hơn và hiện tượng này có vẻ đang diễn ra khi hàng loạt cổ phiếu có nhiều thời điểm bị bán tháo dữ dội.
Tính đến 10h30, VN-Index rơi thêm 13 điểm (-0,93%) về mốc 1.393 điểm. Toàn sàn có 376 mã giảm giá (trong đó 52 giảm sàn) và chỉ 76 mã tăng giá.
Tương tự HNX-Index lao dốc gần 5 điểm (-1,26%) về 387,7 điểm. Sàn này có 180 mã giảm giá (29 giảm sàn) và chỉ 29 mã tăng giá.
10:53 20/04
Cổ phiếu đầu cơ bị vẫn chưa tìm được điểm dừng khi nhà đầu tư tháo chạy bằng mọi cách. Hiện nhóm FLC Group đều đã nhúng giá sàn và vẫn đang có hơn 30 triệu cổ phiếu đang tranh bán tại mức sàn. Điển hình mã FLC lùi về 6.650 đồng, tức giảm hơn 70% kể từ sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết.
Tương tự là cổ phiếu họ Louis với TGG, APG, AGM, LDP giảm sàn trắng bên mua. Cổ phiếu họ Apec có APS rơi 8% hay IDJ giảm 6,5%. Cổ phiếu nhóm Gelex cũng tiếp tục có lực bán rất lớn khiên MHC giảm sàn, PXL rơi 7,2% hay GEX giảm 2,5% về mốc 29.000 đồng. Bộ đôi cổ phiếu họ Trí Việt là TVB và TVC nhúng giá sàn.
10:55 20/04
Nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn là điểm sáng rất lớn cho thị trường. Hiện ANV, ACL và AAM đã có lúc được kéo lên giá trần. Cổ phiếu đầu ngành cá tra là VHC tăng hơn 5% lên trên 107.000 đồng hay IDI cũng ngược dòng từ sát sàn lên sắc xanh với mức tăng gần 2%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản tháng 3 đạt gần gần 1,02 tỷ USD, tăng mạnh 59,9% so với tháng 2 và tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung quý đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng 45,4% đạt 2,52 tỷ USD.
11:06 20/04
Tính đến 11h, các chỉ số chứng khoán ghi nhận đà hồi phục nhanh khi lực bán giảm tải và lực bắt đáy dâng cao. VN-Index đã tiến về vùng tham chiếu gần 1.406 điểm, trong khi HNX-Index chỉ còn giảm 0,28% về 391,6 điểm.
Thị trường hồi phục chủ yếu do lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn, khi riêng rổ VN30 đã tăng hơn 7 điểm với 21/30 mã tăng giá. Lực kéo lớn nhất đang thuộc về MSN của Masan Group khi tăng giá 2,7% đạt 123.700 đồng.
11:42 20/04
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tích cực mua vào cổ phiếu Việt Nam trong những phiên đỏ lửa gần đây. Sáng nay khối ngoại mua ròng thêm gần 300 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào các mã GEX, STB và VIC, ngược lại bán mạnh DGC và VHM.
11:43 20/04
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index quay đầu tăng 2,32 điểm (0,16%) lên 1.408,77 điểm. Trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0,1% còn 392,31 điểm và UPCoM-Index giảm 0,41% xuống 107,88 điểm.
Lực nâng đỡ vẫn chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn khi VN30 đã tăng đến10,77 điểm với 23/30 mã tăng giá và chỉ 4 mã giảm giá, 3 mã tại mức tham chiếu. Các mã có đóng góp tốt nhất cho chỉ số với mức tăng lần lượt là VCB tăng 1,4% lên 78.800 đồng, MSN tăng 3% đạt 124.100 đồng và BID tăng 1,4% lên 38.500 đồng.
Trong khi đó các cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa thể thoát cảnh nằm sàn hàng loạt tại nhóm FLC và Louis. Các cổ phiếu họ Apec, Licogi, DNP Corp, Gelex vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ với áp lực bán vẫn rất lớn và gây lo ngại về tình trạng bán giải chấp chéo sang cổ phiếu khác.
11:44 20/04
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tích cực mua vào cổ phiếu Việt Nam trong những phiên đỏ lửa gần đây. Sáng nay khối ngoại mua ròng thêm gần 300 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào các mã GEX, STB và VIC, ngược lại bán mạnh DGC và VHM.
Tổng giá trị giao dịch trên tất cả các sàn rơi về mức rất thấp đạt khoảng 13.170 tỷ đồng. Các ngành được giao dịch tích cực nhất vẫn là tài chính ngân hàng, công nghiệp và bất động sản với giá trị lần lượt khoảng 2.588 tỷ, 1.975 tỷ và 1.459 tỷ đồng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-phieu-ho-flc-louis-van-nam-san-post1310924.html