Cổ phiếu 'họ' FLC nằm sàn la liệt sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết giao dịch 'chui'
Dù nhiều lần 'khởi nghĩa' nhưng 2 cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là FLC và ROS vẫn chốt phiên ở mức giá sàn và chạm sàn, khối lượng khớp lệnh tiếp tục phá kỷ lục với lần lượt gần 155 triệu và gần 99 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu “họ” FLC sàn la liệt
Phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục là phiên sóng gió với nhà đầu tư. Dù thị trường mở cửa có phần lạc quan hơn lúc mở cửa nhưng lại chốt phiên với mức giảm sâu.
Cụ thể, thị trường duy trì sắc xanh trong gần như cả phiên sáng cho đến nửa phiên chiều, tuy nhiên số mã giảm áp đảo cho thấy dấu hiệu “xanh vỏ đỏ lòng”.
Đến gần cuối phiên giao dịch, áp lực bán dâng cao đột ngột đẩy hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc. VN-Index rơi tự do kể từ sau 14h và chốt phiên với mức giảm 11,4 điểm (-0,76%) xuống 1.492,31 điểm. HNX-Index giảm 1,28 điểm (-0,27%) xuống 481,61 điểm. Ở chiều ngược lại UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (0,13%) lên 114,45 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 39.383 tỷ đồng, giảm 16,8%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 12,3% và đạt mức 34.628 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trở lại khoảng 100 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Các cổ phiếu liên quan đến tỷ phú Trịnh Văn Quyết, trong đó 2 cổ phiếu FLC và ROS vẫn là tâm điểm chú ý trong phiên giao dịch hôm nay.
Sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên hôm qua, các cổ phiếu này đều diễn biến hết sức tiêu cực. FLC và ROS mở cửa ở mức giá sàn và trong trạng thái gần như trắng bên mua.
Các cổ phiếu như HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) cũng chốt phiên ở mức giá sàn; GAB (Đầu tư Khai khoáng và quản lý tài sản FLC) cũng trong trạng thái giảm điểm.
Riêng cổ phiếu FLC, sau nhiều lần cố gắng “khởi nghĩa” rồi lại liên tục bị đẩy xuống mức giá sàn, đã chốt phiên với mức giảm sâu gần 6% về 19.900 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu này tiếp tục lập lỷ lục với xấp xỉ 155 triệu cổ phiếu – con số chưa từng có đối với khối lượng giao dịch 1 cổ phiếu. Trong đó, gần 95 triệu cổ phiếu được khớp ở mức giá sàn.
ROS chốt phiên ở mức giá sàn với hơn 98,6 triệu cổ phiếu được trao tay, trong đó gần 88 triệu cổ phiếu được khớp ở mức giá sàn.
Yêu cầu xử lý nghiêm hành vi “bán chui” cổ phiếu
Cổ phiếu FLC và ROS bất ngờ gặp sóng gió kể từ phiên giao dịch hôm qua khi bất ngờ giảm sàn sau chuỗi phiên tăng nóng. Đáng nói, đến chiều tối qua, các nhà đầu tư bất ngờ khi nhận được thông tin ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC đăng ký bán ra tới 175 triệu cổ phiếu FLC, bắt đầu từ ngày 10/1. Dù thông báo trên được ký từ ngày 5/1 nhưng không hề có thông báo trên HOSE.
Theo thông tin chính thức từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chiều ngày 10/1, cơ quan này đã nhận được báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Theo quy định tại khoản 1, điều 33 Thông tư số 96/2020 do Bộ Tài chính ban hành, trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc, người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này phải công bố thông tin việc dự kiến giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng việc bán cổ phiếu mà không công bố thông tin của ông Trịnh Văn Quyết là việc làm “tùy tiện, không đàng hoàng”.
Theo ông Kỳ, việc giao dịch trên thị trường chứng khoán cần đảm bảo minh bạch, tuân thủ luật pháp luật, không chấp nhận những hành xử theo kiểu “cá lớn”.
“Luật đã có chế tài xử phạt rồi, cần có hình thức xử phạt thích đáng, không ngoại trừ ai cả” – ông Nguyễn Thanh Kỳ nói.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải chỉ đạo công ty chứng khoán phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết.
Sau đó buộc ông Quyết phải mua ngay lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà ông này đã bán trong phiên giao dịch hôm 10/1. Trường hợp ông Quyết không chấp hành, không tự đặt mua toàn bộ số cổ phiếu này, công ty chứng khoán nơi ông Quyết mở tài khoản sẽ phải thực hiện lệnh mua.
Toàn bộ số tiền chênh lệch mà ông Quyết có được sau khi giao dịch số lượng cổ phiếu nói trên sẽ được tịch thu để sung vào ngân sách nhà nước. Vì đây là số tiền thu lợi bất chính.
“Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán phải thực hiện những giải pháp xử lý khẩn cấp này để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau đó, cơ quan quản lý tính đến các bước xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cả hình sự đối với ông Quyết vì hành vi bán chui cổ phiếu FLC” - ông Hải kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, nếu ông Quyết chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu đến trăm triệu đồng đối với việc bán chui một lượng lớn cổ phiếu thì mất mát của thị trường chứng khoán rất lớn.
Đó là niềm tin của nhà đầu tư với thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi Chính phủ kỳ vọng đây là kênh thu hút vốn cho nền kinh tế.