Cổ phiếu 'họ Vin' dậy sóng, Vinhomes vượt BIDV lên top 3 vốn hóa
Bộ đôi VIC và VHM cùng tăng trần trong khi VPL và VRE ghi nhận biên độ tăng lớn. Sự đột biến này giúp vốn hóa 4 doanh nghiệp 'họ Vin' niêm yết trên HoSE tăng lên 850.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu "họ Vin" tiếp tục dẫn dắt thị trường. Ảnh: Nam Khánh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch khởi sắc trong ngày 20/5. Nhờ sự hưng phấn của dòng tiền, chỉ số VN-Index dễ dàng nới rộng khoảng cách với mốc tham chiếu.
Mặt khác, chỉ số chính không gặp quá nhiều trở ngại mà nguồn cung gây ra, qua đó tạo điều kiện để giữ vững thành quả giao dịch của cả phiên.
Kết phiên, VN-Index tăng 18,86 điểm (+1,5%) lên mốc 1.315,15 điểm; HNX-Index tăng 0,46 điểm (+0,2%) lên 217,7 điểm; riêng UPCoM-Index đi ngược dòng với biên độ giảm 0,02 điểm (-0,1%).
Thanh khoản trên cả 3 sàn không có nhiều đột biến so với hôm qua, đạt 24.300 tỷ đồng.
Trên bảng điện tử, sắc xanh đã quay lại chiếm ưu thế với 447 mã tăng (gồm 38 mã tăng trần), 830 mã giữ tham chiếu và 335 mã giảm (gồm 18 mã giảm sàn).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 22 mã tăng, 5 mã đứng giá và 3 mã điều chỉnh. Động lực này giúp chỉ số đại diện rổ bứt phá gần 28 điểm và tiến lên mốc 1.407 điểm.
Đối với VN-Index, động lực thúc đẩy chủ yếu đến từ các mã VIC (tăng trần), VHM (tăng trần), TCB (+4,9%), VRE (+4,2%), VPL (+1,3%), CTG (+1%), GVR (+1,8%), MBB (+1%), MWG (+1,6%), FPT (+0,9%). Đáng chú ý, cả 4 cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup đều xuất hiện trong danh sách kéo chỉ số chính đi lên hôm nay.

VN-Index trở lại vùng cao nhất kể từ đợt điều chỉnh do cú sốc thuế quan gây ra. Ảnh: TradingView.
Trong đó, bộ đôi VIC và VHM cùng tăng kịch biên độ, qua đó lần lượt tiến lên vùng cao nhất 40 tháng và 21 tháng. Với VHM, nhịp tăng giá giúp vốn hóa của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam vượt qua BIDV để trở thành doanh nghiệp niêm yết top 3 sàn HoSE.
Màn dậy sóng của các cổ phiếu "họ Vin" xuất hiện trong bối cảnh hệ sinh thái này lên kế hoạch mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh khác, từ năng lượng cho tới hạ tầng với dự án tiêu biểu nhất là xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu này cũng đã đưa giá trị tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng "phình to". Theo cập nhật từ Forbes, tài sản của ông Vượng đã đạt 10,2 tỷ USD trong sáng nay (20/5).
Với quy mô hiện tại, ông Vượng trở thành người giàu thứ 278 trong danh sách tỷ phú thế giới. So với đầu năm 2025, tài sản của vị tỷ phú tăng hơn 3,5 tỷ USD.
Về giao dịch của khối ngoại, nhóm nhà đầu tư này đẩy mạnh bán ròng trong phiên hôm nay với quy mô hơn 500 tỷ đồng, tập trung chốt lời VHM (-571 tỷ đồng), FPT (-319 tỷ đồng), SHB (-176 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, dòng tiền chuyển hướng mua vào các mã FUEVFVND (+180 tỷ đồng), MWG (+119 tỷ đồng), VIX (+111 tỷ đồng).