Indonesia muốn vượt Việt Nam về xuất khẩu cà phê

Indonesia đang đặt mục tiêu vượt Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, với nỗ lực tăng sản lượng nội địa và mở rộng thị trường quốc tế.

 Indonesia muốn vượt mặt Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Nikkei Asia.

Indonesia muốn vượt mặt Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Nikkei Asia.

Ông Zulkifli Hasan (Zullhas), Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Lương thực của Indonesia, cho biết quốc gia này hiện đứng thứ 4 thế giới với sản lượng cà phê hàng năm đạt hơn 700.000 tấn. Ông tin rằng con số này có thể tăng mạnh nếu áp dụng đúng chiến lược, theo Jakarta Globe.

Mục tiêu trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới

"Giá cà phê hiện rất thuận lợi. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao năng suất", ông Zulhas nói. Ông cũng cho rằng cần phải cải thiện chất lượng giống cây, nâng cao quy trình xử lý sau thu hoạch và bao bì cạnh tranh hơn để gia tăng giá trị cho cà phê Indonesia.

Vị Bộ trưởng cũng cho biết Indonesia sở hữu nhiều vùng đất rộng lớn phù hợp cho việc trồng cà phê - từ vùng cao nguyên Aceh đến các khu vực phía đông Papua - mỗi nơi đều cho ra những hạt cà phê với hương vị đặc trưng riêng biệt.

Hiện tại, Indonesia có 54 chỉ dẫn địa lý (GI) cho cà phê, bao gồm 26 cho cà phê Arabica, 24 cho Robusta, 3 cho Liberica và một cho Excelsa.

"Cà phê không chỉ là một mặt hàng nông sản mà loại hạt này còn là lối sống của nhiều cộng đồng trên khắp đất nước. Từ cao nguyên Gayo đến sườn núi Toraja, cà phê là biểu tượng của sự lao động cần cù, di sản văn hóa và niềm tự hào dân tộc", ông Zulhas nói.

Hiện, Indonesia đứng sau Brazil, Việt Nam và Colombia trong danh sách các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.

Việt Nam đang là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai, với quy mô trồng Robusta rộng lớn và sản lượng đạt khoảng 1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm.

Để thu hẹp khoảng cách với đối thủ, ông Zulhas kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ và khu vực tư nhân nhằm khai thác tối đa tiềm năng cà phê của Indonesia.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), từ tháng 1 đến tháng 9/2024, Indonesia đã xuất khẩu 342.220 tấn cà phê, với trị giá 1,49 tỷ USD. Trong khi đó, lượng cà phê nhập khẩu chỉ ở mức 67.650 tấn, trị giá 319,84 triệu USD.

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này bao gồm Philippines (85.000 tấn), Mỹ (31.730 tấn) và Malaysia (32.330 tấn). Phần sản lượng còn lại được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác.

Về nhập khẩu, Việt Nam dẫn đầu các quốc gia cung cấp cà phê cho Indonesia với 47.270 tấn. Xếp sau trong danh sách lần lượt là Brazil (13.040 tấn), Malaysia (1.840 tấn).

Lo ngại thiếu hụt sản lượng

Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, các nhà trồng cà phê Indonesia cảnh báo rằng sản lượng thu hoạch đang giảm sút trong khi mức tiêu thụ trong nước tăng đột biến sẽ khiến quốc gia xuất khẩu này thành nước nhập siêu cà phê trong vài năm tới.

Indonesia chủ yếu trồng cà phê Robusta nhưng cũng sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao. Trong đó, Mỹ, Ai Cập, Malaysia, Nhật Bản và Ấn Độ là các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước này.

Tuy nhiên, xu hướng uống cà phê ngày càng phổ biến trong nước, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các chuỗi cà phê nội địa giá rẻ như Fore, Kopi Kenangan và Flash Coffee đang thúc đẩy lượng cà phê tiêu thụ nội địa.

Đồng thời, sản lượng cà phê nhập khẩu từ các nước như Việt Nam, Brazil và Malaysia cũng gia tăng.

Wedya Julianti, chủ sở hữu Tập đoàn Khách sạn Tugu và cũng là đơn vị vận hành vườn cà phê Kawisari tại thị trấn Blitar, Đông Java cho biết sản lượng cà phê hiện tại của Indonesia đang không đáp ứng kịp nhu cầu trong nước.

"Thị trường nội địa đã tăng trưởng mạnh mẽ khi chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các quán cà phê trong nước so với những năm trước", bà Julianti.

Trước đây, lượng cà phê tại vườn Kawisari phụ thuộc vào các bên xuất khẩu thứ 3. Tuy nhiên, gần như toàn bộ sản lượng cà phê hiện đều được phục vụ thị trường nội địa và chỉ một lượng nhỏ hạt cà phê dùng để xuất khẩu.

"Nếu không tăng năng suất, Indonesia có thể trở thành nước nhập khẩu ròng cà phê trong vòng 5 năm tới", ông Moelyono Soesilo, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu và Công nghiệp Cà phê Indonesia cảnh báo.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng không phải là câu chuyện dễ dàng. Các vấn đề như giá phân bón cao, nông dân ngày càng già hóa và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã khiến sản lượng cà phê của Indonesia giảm dần và khó phục hồi.

Ferry Frans Sinatra, một nông dân trồng cà phê Robusta, cho biết giá phân bón tăng vọt đã đẩy chi phí vận hành tăng cao.

Tương tự nhiều nông dân khác, khu vườn cà phê rộng 7.000 m2 của ông ở Malang, Đông Java đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận phân bón giá rẻ, do chương trình trợ giá của chính phủ chủ yếu nhắm vào các cây lương thực như lúa, ngô và đậu nành.

Việc tiếp cận hạt giống cũng là một vấn đề nan giải đối với nhiều nông dân trồng cà phê ở Indonesia. Ông Sinatra cho biết giá giống cà phê Robusta đã tăng gấp đôi từ năm 2021 đến 2024, khiến việc canh tác càng khó khăn hơn cho nông dân nhỏ lẻ.

"Làm nông nghiệp cà phê rất tốn kém. Không có đủ vốn thì rất khó để duy trì hoạt động", ông nói thêm.

Theo Trung tâm Công nghệ Phân bón và Thực phẩm châu Á - Thái Bình Dương, năng suất trung bình của các vườn cà phê tại Indonesia là 585 kg/ha và chỉ bằng 1/4 năng suất của Việt Nam.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài và mưa lớn cũng là một thách thức lớn.

Các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành than phiền rằng chính phủ chưa hỗ trợ đủ để giúp nông dân ứng phó. Thời tiết khắc nghiệt đã khiến sản lượng cà phê của Indonesia giảm 24%, chỉ còn 8,15 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ 2023-2024, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

"Cà phê Robusta của chúng tôi rất dễ bị tổn thương bởi thời tiết cực đoan, đặc biệt là mưa lớn vào mùa thu hoạch. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ về nghiên cứu và phân bón, nhiều nông dân trồng cà phê ở Indonesia sẽ không thể tồn tại, dẫn đến giảm mạnh năng suất của cả ngành", bà Julianti cho hay.

Mặt khác, một thách thức lớn nữa mà Indonesia đang phải đối mặt chính là việc thiếu nguồn nhân lực trẻ có tay nghề để quản lý các nông trại cà phê.

Esther Sri Astuti, chuyên gia kinh tế tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF) ở Jakarta, cho rằng ngành nông nghiệp (bao gồm cà phê) đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hệ thống phân phối với việc tình trạng "qua tay" quá nhiều trung gian. Điều này khiến phần lớn lợi nhuận bị ăn mòn và làm cho nghề nông trở nên kém hấp dẫn.

Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia cho biết hồi tháng 1 rằng họ sẽ tăng cường nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho nông dân trồng cà phê, nhằm giúp họ nâng cao sản lượng và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp cũng thông báo đang mở rộng diện tích vùng trồng và tái canh các vùng trồng cũ, với mục tiêu 4.400 ha trong năm nay. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ cung cấp đào tạo, hỗ trợ và giống cà phê ưu việt để nâng cao năng suất.

"Indonesia đang gia tăng mật độ trồng cây trên mỗi đơn vị diện tích, đồng thời vẫn giữ được hương vị đặc trưng của cà phê Indonesia", người phát ngôn thuộc Bộ Nông nghiệp cho hay.

Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/indonesia-muon-vuot-viet-nam-ve-xuat-khau-ca-phe-post1554445.html