Cổ phiếu HSG có thể được cấp margin trở lại, tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoa Sen kỳ vọng bật tăng
Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) dự báo sẽ phục hồi đáng kể trong năm sau. Đồng thời, cổ phiếu HSG có thể được cấp margin trở lại nhờ việc Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận lãi trong niên độ tài chính 2022/2023.
Cổ phiếu HSG có thể được cấp margin trở lại
Vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của niên độ tài chính 2022/2023 (từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/9/2023).
Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 31.650 tỷ đồng, không biến động đáng kể so với báo cáo tài chính tự lập trước đó của tập đoàn này.
Biến động được ghi nhận ở một số hạng mục chủ yếu gồm: giá vốn hàng bán giảm 3 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8,4 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giảm 7,6 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Như vậy, sau kiểm toán, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỷ đồng, tăng 1,7 tỷ đồng tương đương 5,96% so với báo cáo tự lập. So với niên độ trước, mức lợi nhuận niên vụ này giảm hơn 88%, chủ yếu do doanh thu bán hàng suy giảm mạnh.
Đáng chú ý, với việc ghi nhận lợi nhuận dương 30 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022/2023, dựa trên các quy định trong quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán hiện hành, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen nhiều khả năng sẽ được cho phép giao dịch ký quỹ trở lại (margin).
Trước đó, kể từ tháng 5/2023, cổ phiếu HSG đã bị liệt vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2022/2023) là số âm.
Với các kết quả kinh doanh vừa được kiểm toán, Tập đoàn Hoa Sen đã không hoàn thành các kế hoạch kinh doanh đề ra trong niên độ tài chính 2022/2023. Tập đoàn này sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2023/2024 vào ngày 18/3/2024. Các tài liệu họp hiện chưa được tập đoàn này công bố.
Kỳ vọng tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoa Sen phục hồi mạnh từ năm sau
Theo đánh giá hiện nay của một số tổ chức tài chính, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen trong năm 2024 kỳ vọng sẽ phục hồi đáng kể so với mức nền thấp của năm 2023.
Cụ thể, đối với thị trường nội địa, nhu cầu thép dự báo sẽ tăng lên khi hoạt động sản xuất công nghiệp tăng tốc trở lại dưới sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất thấp. Đồng thời, các chính sách quyết liệt của Chính phủ đang dần giúp thị trường bất động sản phục hồi, cũng như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Khi thị trường nội địa hồi phục, Tập đoàn Hoa Sen sẽ là một trong các đơn vị hưởng lợi trực tiếp đầu tiên nhờ vị thế dẫn đầu trong ngành thép, đặc biệt là lĩnh vực tôn mạ (chiếm 28% thị phần cả nước), và sở hữu hơn 500 chi nhánh, đại lý trên toàn quốc, giúp dễ dàng tiếp cận khách hàng hoặc thay đổi chính sách giá bán phù hợp theo nhu cầu của từng địa phương.
Đối với thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu năm 2024 dự kiến tăng 1,9% so với năm 2023. Trongg đó, các thị trường dự kiến tăng mạnh nhất, gồm EU (tăng 5,8%), Ấn Độ (tăng 7,7%), và ASEAN (tăng 5,2%). Ngoài ra, thị trường lớn là Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,6%.
Do đó, nhờ vào tập khách hàng xuất khẩu đa dạng, Tập đoàn Hoa Sen được hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung của thị trường thế giới cũng như giảm thiểu rủi ro mất thị trường nếu thị trường đó áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen còn hưởng lợi từ việc đã chủ động tích trữ hàng tồn kho khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào ở mức nền thấp trong quý 2 và quý 4 niên độ tài chính 2022/2023. Kể từ tháng 10/2023 đến nay, giá HRC tại Mỹ, EU, và Trung Quốc đã phục hồi đáng kể với mức tăng lên đến trên 25%, chủ yếu do nguồn cung hạn chế, chi phí năng lượng tăng cao, và thời gian giao hàng kéo dài trong khi nhu cầu thực tế không suy giảm sâu.
Giá HRC hiện được đánh giá là đã qua vùng đáy do hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã tiệm cận với mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Đồng thời, Trung Quốc cũng không còn nhiều áp lực phải đẩy lượng hàng tồn kho thép giá rẻ (bao gồm HRC) do lượng hàng tồn kho cũng đã tiệm cận mức đáy và nguồn cung thép nước này cũng đã vơi bớt do những động thái chỉ đạo cắt giảm sản lượng thép thô của chính phủ Trung Quốc kể từ đầu quý 2/2023.