Cổ phiếu KPF của Đầu tư Tài sản Koji bị đình chỉ giao dịch

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc cổ phiếu KPF của Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji (mã chứng khoán: KPF) sẽ bị đình chỉ giao dịch.

Nguyên nhân là do Koji đã chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 6 tháng so với thời hạn quy định. Trước đó, cổ phiếu KPF đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch theo Quyết định số 565/QĐ-SGDHCM ngày 4/10/2024 cũng vì lý do chậm nộp báo cáo tài chính.

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết, HoSE sẽ chuyển cổ phiếu KPF từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch.

Trước đó, vào ngày 21/1/2025, Đầu tư Tài sản Koji đã công bố phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu KPF bị cảnh báo. Công ty cho biết đã đạt được một số kết quả tài chính tích cực trong quý 4/2024, bao gồm tiến triển trong việc thu hồi nợ và kỳ vọng lợi nhuận từ các khoản đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, Koji cũng thừa nhận việc phải trích lập dự phòng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung.

Về giải pháp, Koji đưa ra lộ trình hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (quý 1/2025 - quý 3/2025): Tập trung hoàn thành kế hoạch thu hồi nợ, rà soát và tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện tại.

Giai đoạn 2 (quý 3/2025 - cuối năm 2025): Đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và triển khai các dự án tiềm năng.

Theo Báo cáo tài chính quý 4/2024, Đầu tư Tài sản Koji không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 9 tỷ đồng, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ các chi phí, Koji báo lãi ròng hơn 6,6 tỷ đồng trong quý 4/2024, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng hơn 26,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2024, Đầu tư Tài sản Koji vẫn không có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, đồng thời báo lỗ sau thuế hơn 276,9 tỷ đồng, trong khi năm 2023 công ty có lãi hơn 1,7 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Koji giảm 34% so với đầu năm, xuống còn gần 532,3 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ còn gần 104 triệu đồng, khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm phần lớn với hơn 482,1 tỷ đồng (giảm nhẹ so với đầu năm), tương đương 90,6% tổng tài sản.

Tổng nợ phải trả của Koji tại thời điểm cuối năm 2024 là hơn 16,5 tỷ đồng, tăng 21,3% so với đầu năm. Khoản mục "Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước" chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nợ phải trả, với gần 13,9 tỷ đồng (chiếm 84,2%).

Hà Linh

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/co-phieu-kpf-cua-dau-tu-tai-san-koji-bi-dinh-chi-giao-dich-80820.html