Cổ phiếu MFS của MobiFone Service tăng 132% dù lợi nhuận đi lùi

Sau một thời gian dài nằm im bất động, cổ phiếu MFS của MobiFone Service đã có một tháng sôi động, lập đỉnh trong lịch sử lên mức 74.300 đồng.

Trong làn sóng của cổ phiếu ngành công nghệ viễn thông, cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật MobiFone – MobiFone Service (MFS) gây chú ý với mức tăng mạnh 132,4% trong 1 tháng qua. MobiFone Service là đơn vị thành viên của Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Kết thúc quãng thời gian dài giữ nguyên ở mức giá 24.000 - 25.000 đồng/cp giữa tháng 5/2024, cổ phiếu MFS của Mobifone bắt đầu thời kỳ vọt tăng và cán mốc đỉnh 74.300 đồng/cp ở phiên giao dịch 21/6, tức tăng gấp 3 lần chỉ trong 1 tháng.

Ngay sau đó, cổ phiếu MFS có những đợt điều chỉnh đi xuống, đóng cửa phiên giao dịch 24/6, MFS giảm 12% giá trị xuống còn 63.900 đồng/cp. Đến sáng 25/6, MFS tiếp tục giảm 8,8% xuống còn 57.500 đồng/cp. Mở cửa phiên giao dịch 26/6, giá trị cổ phiếu này lại tăng 4,7% lên mức 62.600 đồng/cp.

 MFS chinh phục đỉnh cao 74.300 đồng/cp sau một thời gian dài đi ngang.

MFS chinh phục đỉnh cao 74.300 đồng/cp sau một thời gian dài đi ngang.

Trong một quý qua, cổ phiếu MFS đã tăng 168,7% và tăng 155,7% sau một năm. MFS chính thức lên sàn Upcom vào ngày 16/4/2019, với mức giá tham chiếu là 26.300 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của MFS ước tính đạt gần 186 tỷ đồng. Sau 5 năm niêm yết, giá trị cổ phiếu MFS tính đến hiện tại đã tăng 282,2%.

Cùng chiều tăng giá, thanh khoản khớp lệnh của MFS trong 1 tháng qua đạt trung bình hơn 120.000 đơn vị mỗi phiên, trong khi trước đó chỉ ở mức 10.000 đơn vị. Khối lượng giao dịch nhiều nhất trong một năm qua là ngày 14/6/2024 với 414.776 đơn vị, trong khi đó, ngày 24/8/2023, khối lượng giao dịch chỉ có duy nhất 1 đơn vị.

Hiện nay, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang là cổ đông lớn nhất, chiếm 31,26% tương đương 2.208.000 cổ phiếu. Cổ đông lớn thứ 2 là ông Nguyễn Duy Hưng với 19,91%, tương đương 1.406.400. Còn lại là các cổ đông khác và nhóm nhà đầu tư nước ngoài chiếm 8,6%.

Mới đây, ngày 25/6, ông Phan Tiến Dũng, Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Service, đã đăng ký bán tất cả số cổ phiếu đang nắm giữ tại MFS là 139.345 cổ phiếu (tỷ lệ 1,97%), vì nhu cầu cá nhân, theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh. Ngày dự kiến bắt đầu giao dịch 27/6 – 26/7/2024.

 Lợi nhuận của MobiFone Service liên tục đi lùi giai đoạn 2021 - 2023.

Lợi nhuận của MobiFone Service liên tục đi lùi giai đoạn 2021 - 2023.

Ngược lại với đà tăng của cổ phiếu, MobiFone Service lại đặt mục tiêu kinh doanh với lợi nhuận đi lùi trong năm 2024. Tài liệu sẽ thông qua tại Đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức vào 27/6 tới cho thấy, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế khiêm tốn ở mức hơn 15 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Tổng doanh thu đặt mục tiêu 395,4 tỷ đồng, cũng giảm 2,7% so với năm trước. Riêng doanh thu thuần hợp nhất với MobiFone được MobiFone Service đề ra mục tiêu cao hơn cùng kỳ năm trước 2,8% ở mức 51,4 tỷ đồng.

Về kế hoạch chia cổ tức, Mobifone Service dự kiến chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 25% tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.500 đồng. Số tiền này được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối và lợi nhuận sau thuế năm 2023.

Trong năm 2024, Mobifone Service tập trung sản phẩm cốt lõi bao gồm 3 lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ cốt lõi của công ty, gồm: dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ hạ tầng viễn thông và dịch vụ giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện có của công ty như Call Center, SMCC, vận hành khai thác - ứng cứu thông tin để phát triển thêm khách hàng ngoài MobiFone.

Phương Thảo

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/co-phieu-mfs-cua-mobifone-service-tang-132-du-loi-nhuan-di-lui-post175950.html