Cổ phiếu ngân hàng 'cầm cờ' nửa cuối năm
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng giá khá mạnh vào đầu năm, song vùng giá hiện tại vẫn được định giá hấp dẫn và được nhìn nhận sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm.
Định giá vẫn ở vùng hấp dẫn
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của ngành ngân hàng đã cho thấy sự cải thiện tích cực trong quý II/2024, đặc biệt là vào tháng 6, kéo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế lên mức 6% vào cuối quý so với cuối năm ngoái, đạt mục tiêu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong nửa đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng cải thiện là động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng trong quý II vừa qua cũng như các quý còn lại của năm.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán VietCap đánh giá, tăng trưởng tín dụng quý II/2024 khả quan hơn nhờ các biện pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như khuyến khích tiếp tục giảm lãi suất cho vay, gia hạn thêm Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, công bố lãi suất cho vay trung bình công khai, cho vay phát triển dự án bất động sản có xu hướng tăng lên do nhu cầu tăng và việc phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn.
Ngoài ra, nhu cầu vay mua nhà ở sẽ bắt đầu tăng từ quý III/2024 cũng như cho vay tín dụng thương mại, dịch vụ (chiếm hơn 67% tổng dư nợ tín dụng) có khả năng hồi phục từ quý này cũng sẽ giúp tăng trưởng tín dụng tăng.
Như vậy, việc đặt cược vào cổ phiếu ngân hàng tại thời điểm này đối với nhà đầu tư dài hạn cũng là hợp lý khi đang ở mặt bằng giá tương đối thấp chờ sóng cuối năm.
Về định giá, tính đến ngày 17/7/2027, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/E và P/B là 9,71x và 1,54x, thấp hơn so với P/E và P/B trung bình 3 năm là 10,26x và 1,67x, nên sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và phù hợp với người có tầm nhìn trung và dài hạn.
Trong trường hợp thị trường điều chỉnh và đẩy mặt bằng cổ phiếu về mức định giá phù hợp hơn, nhóm ngân hàng vẫn là mục tiêu hàng đầu bởi 2 lý do: Tính thị trường cao và có nhiều lựa chọn khi quyết định đầu tư.
Tính thị trường cao thể hiện ở những yếu tố thông tin minh bạch, thanh khoản cao và độ biến động bám sát chỉ số VN-Index, còn việc có nhiều lựa chọn bởi đây là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường và nhà đầu tư có thể dễ dàng lựa chọn cổ phiếu phù hợp với khẩu vị đầu tư của mình.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá tốt kể từ đầu năm 2024 và đến hiện tại, định giá của nhiều cổ phiếu vẫn trong vùng hấp dẫn. Ngành ngân hàng cũng được cho là đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần tăng trưởng trở lại.
Sự rung lắc giữa các cổ phiếu trong những phiên gần đây là diễn biến bình thường sau một giai đoạn tăng giá. Việc điều chỉnh sẽ giúp nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn hơn và thu hút nhà đầu tư trở lại. Đối với nhà đầu tư cá nhân, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là lựa chọn hấp dẫn giai đoạn hiện tại.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VNDirect phân tích, tín dụng tăng trưởng với tốc độ chậm trong những tháng đầu năm do quá trình phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến và không thể triển khai các gói tín dụng hỗ trợ kinh tế như mong đợi.
Tăng trưởng tín dụng bất ngờ tăng tốc trong những tuần cuối tháng 6, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng để đạt chỉ tiêu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp và chủ yếu chảy vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và bất động sản.
Các ngân hàng có NIM (biên lãi ròng) mở rộng nhiều nhất đã được hưởng lợi từ việc tăng cường cho vay vào lĩnh vực bất động sản (HDBank) hoặc có lợi thế về chi phí vốn (Techcombank, TPBank và LPBank).
Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng đã tăng từ 0,31%/năm lên 4,8%/năm từ tháng 4 đến tháng 7/2024. VNDirect kỳ vọng chi phí vốn của ngành này sẽ kết thúc xu hướng giảm vào cuối quý II/2024 và tăng dần từ đầu quý III/2024.
Đồng thời, lãi suất huy động sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024 để thu hút tiền gửi khách hàng hơn. Do đó, lãi suất cho vay sẽ tăng nhưng tốc độ tăng sẽ thấp hơn lãi suất huy động để kích thích tăng trưởng tín dụng.
Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, việc tăng huy động làm tăng tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ tài sản/vốn chủ sở hữu) và gây rủi ro lớn hơn cho toàn ngành. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng vốn để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tăng cường khả năng chịu đựng trong những thời điểm nhiều biến động.
Dự phóng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15% trong năm 2024, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của thị trường địa ốc cũng như nền kinh tế. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý và tăng cường nguồn cung nhà ở.
Cơ hội không chia đều
Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thời gian tăng giá khá dài, nhiều mã ghi nhận mức tăng 20-30% kể từ đầu năm 2024. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 sẽ là bài test đối với triển vọng của nhóm cổ phiếu này. Do vậy, cần có sự đánh giá và lựa chọn kỹ với từng cổ phiếu, chỉ những cổ phiếu có triển vọng cao hơn so với kỳ vọng của thị trường thì mới có thể bứt phá.
Ngoài ra, càng gần thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ càng phân hóa rõ nét, cơ hội sẽ đến từ những cổ phiếu riêng lẻ chứ không diễn ra đồng loạt.
Về định giá, tính đến ngày 17/7/2027, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/E và P/B là 9,71x và 1,54x, thấp hơn so với P/E và P/B trung bình 3 năm là 10,26x và 1,67x.
Một số ngân hàng sẽ có lợi nhuận tăng trưởng vượt trội lên đến hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và cũng có nhiều ngân hàng chỉ tăng vừa phải, thậm chí tăng trưởng âm. Mặc dù vậy, với việc chiếm tổng tỷ trọng hơn 35% giá trị vốn hóa và trên 60% tổng lợi nhuận của sàn HOSE nên nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn luôn thu hút được dòng tiền.
Một số ngân hàng như VPBank (mã VPB), HDBank (mã HDB) và MBBank (mã MBB) được dự báo có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội nhờ tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và có danh mục cho vay cân bằng giữa khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Còn Techcombank (mã TCB) và LPBank (mã LPB) sẽ được hưởng lợi từ tỷ trọng cao trong cơ cấu cho vay lĩnh vực bất động sản và vay mua nhà.
Theo ông Đinh Quang Hinh, định giá của nhóm cổ phiếu “vua” đang khá hấp dẫn trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế trở nên rõ ràng hơn ở nửa cuối năm 2024. Sau thời gian tăng giá trước đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa và điều chỉnh dựa trên hiệu suất kinh doanh.
Đây là thời điểm tốt để tiếp tục tích lũy các cổ phiếu ngân hàng một cách có chọn lọc dựa trên triển vọng tăng trưởng của từng ngân hàng. Tỷ lệ P/B của ngành thấp hơn so với mức trung bình 5 năm và áp lực bán từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm dần.
Chuyên gia VNDirect cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới. TCB và LPB là 2 cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất trong nửa đầu năm 2024, cũng là 2 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành.
Trong khi đó, Vietcombank (mã VCB) tuy tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2024, nhưng việc tăng vốn thành công cùng với chiến lược tập trung vào lĩnh vực bán lẻ và cho vay doanh nghiệp FDI sẽ hỗ trợ ngân hàng này tăng trưởng tín dụng ổn định hơn trong tương lai.
Cổ phiếu VPB đi ngang và và có hiệu suất kém hơn so với chỉ số VN-Index thời gian gần đây, phản ánh những khó khăn xuất phát từ số liệu tăng trưởng tín dụng thấp và chất lượng tài sản của ngân hàng này.
Cổ phiếu MBB được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao thứ 5 và ROE cao thứ 3 trong ngành. Mặc dù diễn biến giá cổ phiếu tích cực vượt trội so với VN-Index kể từ đầu năm, nhưng vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng này.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-cam-co-nua-cuoi-nam-post351243.html