Cổ phiếu ngân hàng, khi 'tin xấu' đã rõ
Điểm khó khăn nhất của các tổ chức tín dụng, nhưng cũng tiềm ẩn dư địa tăng trưởng nếu vấn đề được xử lý, đó là trích lập dự phòng. Quan trọng hơn, những yếu tố rủi ro của hệ thống ngân hàng đã được nhận diện.
Góc nhìn lạc quan
Chị Thanh Lan ở phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, sau một thời gian quan sát thị trường chứng khoán, ngày 23/2/2023, chị đã quyết định giải ngân hơn 1,2 tỷ đồng vào 7 cổ phiếu ngân hàng. Ngày đầu tiên tham gia thị trường, chị đã lãi 12 triệu đồng, khi đóng cửa cuối phiên có 6 mã tăng giá so với giá mua, còn 1 mã đứng giá. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi giá sau đó có diễn biến giảm; tính đến ngày 1/3/2023, chị lỗ hơn 3%, tương đương 38 triệu đồng.
Khi được hỏi có thấy sốc và buồn không, chị Lan nói: “Tôi là nhà đầu tư mới, nhưng do đã quan sát thị trường trong thời gian dài rồi mới quyết định tham gia nên mức lỗ này chấp nhận được. Quan trọng hơn, trong 7 mã cổ phiếu lựa chọn ban đầu có 5 mã tôi quyết định đầu tư lâu dài vì tin vào “sức khỏe” của ngân hàng, chỉ có 2 mã dự định “lướt sóng” nên thời điểm này quá sớm để nói điều gì”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về triển vọng cổ phiếu ngân hàng, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây và ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do đó, định giá của ngành đang ở mức thấp lịch sử là 1,1 lần P/B dự phóng năm 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn, dù trong ngắn hạn vẫn còn rủi ro.
“Chúng tôi giữ lập trường thận trọng đối với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023, do căng thẳng thanh khoản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu. Khoảng 46.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong nửa đầu năm 2023 sẽ là một phép thử lớn cho hệ thống tài chính. Trong giai đoạn biến động này, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động”, bà Hiền nói.
Nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu của những ngân hàng có định giá hấp dẫn, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng khi giá đã chiết khấu mạnh do tin xấu.
Sang nửa sau năm 2023, bà Hiền kỳ vọng, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng sẽ ổn định hơn khi áp lực lãi suất và tỷ giá bắt đầu giảm bớt, cùng lúc với việc thanh khoản được cải thiện nhờ Nhà nước đẩy mạnh các gói đầu tư công. Nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu của những ngân hàng có định giá hấp dẫn, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng bởi các thị trường này sẽ dần tốt lên, trong khi ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ trước đó.
“Trong giai đoạn nhiều biến động như hiện tại, nhà đầu tư sẽ có phần dè chừng đối với một số cổ phiếu ngân hàng tham gia đầu tư trái phiếu lớn. Tuy vậy, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, chúng tôi cho rằng, bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp đều là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới. Theo đó, những ngân hàng nói trên sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ này”, bà Hiền nói.
Yếu tố rủi ro đã được nhận diện
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Khối Phân tích chứng khoán, FiinGroup cho biết, VN-Index hiện có mức giảm khoảng 30% từ đỉnh, còn thanh khoản bình quân giảm 60%. Tuy nhiên, nếu nhìn theo chuỗi 5 tháng gần đây thì thanh khoản đang cao hơn 3 - 4 lần so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Đây là điểm tích cực trong bối cảnh dư nợ vay giao dịch ký quỹ (margin) giảm sâu, gần 80% lượng margin cấp trong năm 2021 đã được thu hồi và nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay bán ròng khoảng 47.000 tỷ đồng, tương đương một nửa giá trị mua ròng trong năm 2021.
Theo bà Vân, với các đợt sụt giảm về giá cổ phiếu trong năm 2022, mặt bằng định giá P/E toàn thị trường đang ở mức tương đối thấp (11,8 lần), một phần nhờ đóng góp về lợi nhuận từ khối ngân hàng, nhưng triển vọng lợi nhuận năm 2023 kém tích cực ở một số ngành như bất động sản (chủ yếu là bất động sản nhà ở), hóa chất, phân bón, thủy sản, may mặc chưa được phản ánh hết vào giá. Với các nhóm ngành khác, triển vọng doanh nghiệp cũng như giá cổ phiếu có sự phân hóa rõ nét. Trong đó, thị trường xuất hiện không ít cổ phiếu có định giá về vùng thấp, hấp dẫn, do giá chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giảm chung, trong khi triển vọng lợi nhuận năm 2023 của một số nhóm ngành được đánh giá tích cực.
“P/B ngành ngân hàng đang ở vùng thấp so với lịch sử, nhưng P/B của nhóm ngân hàng có triển vọng tích cực ở mức cao”, bà Vân nói.
Ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia chứng khoán phân tích, ngân hàng là nơi cung cấp vốn chính của nền kinh tế nên trong bối cảnh kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn, tăng trưởng tín dụng các ngân hàng dự kiến vẫn cao trong năm 2023 và đây là yếu tố tích cực đối với lợi nhuận của hệ thống. Biên lãi ròng (NIM) ngành ngân hàng có khả năng mở rộng trong giai đoạn tới. Đặc thù kinh doanh của ngân hàng là trừ trường hợp tăng trưởng tín dụng giảm tốc, NIM vẫn có khả năng mở rộng, chứ khó thu hẹp trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn.
“Ngân hàng cần tăng phần đệm rủi ro của khoản cho vay. Bù trừ cho mở rộng NIM là chi phí tín dụng tăng lên. Theo đó, ngân hàng sẽ trích lập dự phòng nhiều hơn, nên nếu chỉ nhìn NIM ngân hàng để định hình tăng trưởng lợi nhuận thì sẽ khiên cưỡng. Tôi cho rằng, NIM sẽ mở rộng, chứ không giảm”, ông Tường nói.
Bên cạnh đó, ông Tường nhìn nhận, điểm khó khăn nhất của các tổ chức tín dụng nhưng cũng tiềm ẩn điểm sáng, đó là trích lập dự phòng. Hiện tại, trích lập dự phòng cho nợ xấu là điểm tối rất khó để đánh giá, nhất là khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2022 suy giảm đáng kể so với năm 2021. Trong năm 2023, nếu giá bất động sản tiếp tục giảm thì các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng sẽ là thách thức, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
“Nhưng đây sẽ là điểm sáng nếu Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng xử lý nợ nhưng không để cho nợ nhảy nhóm. Không phải tăng trích lập dự phòng, ngân hàng lại có thêm thời gian tích lũy lợi nhuận và tạo bộ đệm mới. Dưới góc độ đầu tư cổ phiếu ngân hàng, khi Ngân hàng Nhà nước có động thái nới lỏng, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu, thì nhóm ngân hàng tư nhân sẽ được lợi nhiều nhất, vì đây là nhóm có dư nợ cho vay bất động sản khá cao trên tổng dư nợ cho vay”, ông Tường cho biết.
Điểm sáng nhất, theo ông Tường, là những yếu tố rủi ro chính đều đã được nhận diện và đó chính là cơ hội. Cơ hội đầu tư năm nay sẽ rất nhiều. Vấn đề là nhà đầu tư cần có tính kỷ luật, có kế hoạch đầu tư rõ ràng, phù hợp với khẩu vị rủi ro. Ví dụ, xuất khẩu dệt may sang Mỹ sụt giảm trong quý IV/2022 và tháng 1/2023, cộng với thị trường chung chịu áp lực từ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, khiến giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lao dốc. Tuy nhiên, đây là cơ hội lớn cho tầm nhìn đầu tư dài hạn, bởi khi kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” thì giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ bật tăng.
“Đa số cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam mang tính chu kỳ, xuống bầm dập, lên thăng hoa, nên nhà đầu tư cần chuẩn bị trước để nắm lấy cơ hội. Nhà đầu tư cần có tính kỷ luật cho việc kiểm soát dòng tiền. Và quan trọng nhất, cá nhân tôi cho rằng, không còn nhiều mây mù nữa”, ông Tường nhấn mạnh.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-khi-tin-xau-da-ro-post316329.html