Cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ thị trường phiên 26/12, cổ phiếu YEG của Yeah1 giảm sàn

YEG sau nhiều phiên tăng trần liên tiếp đã gặp phải áp lực bán tháo và giảm sàn trở lại.

VN-Index đứng ở mức 1.274,04 điểm, tương ứng tăng 1,09% so với phiên trước với khối lượng giao dịch tăng 39%. Tuy nhiên, khi bước sang phiên giao dịch ngày 26/12, tâm lý nhà đầu tư không còn giữ được sự hưng phấn như trước. Thị trường quay trở lại với diễn biến giằng co, lình xình quanh mốc tham chiếu. Nhiều nhóm ngành cổ phiếu cũng có sự phân hóa mạnh trở lại. Nhiều cổ phiếu “nóng” gần đây bị “xả” mạnh đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, từ đó lực cầu cũng yếu đi đáng kể so với phiên trước. VN-Index trước giờ nghỉ đã bị bán xuống dưới mốc tham chiếu.

Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán có phần dâng cao đã đẩy VN-Index lùi thêm, tuy nhiên, áp lực bán không quá gắt nên mức giảm cũng khá khiêm tốn. Sự phân hóa ở phiên hôm nay là khá mạnh nên VN-Index tiếp tục có sự giằng co mạnh quanh tham chiếu với nhưng nhịp tăng, giảm đan xen. Mức giảm mạnh nhất của VN-Index ở phiên hôm nay chưa đến 2%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,17 điểm (0,09%) xuống 1.272,87 điểm. HNX-Index tăng 0,09 điểm (0,04%) lên 229,9 điểm. UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,19%) xuống 94,41 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 363 mã tăng, trong khi có 359 mã giảm và 838 mã đứng giá/không giao dịch. Phiên hôm nay vẫn ghi nhận đến 40 mã tăng trần trong khi có 10 mã giảm sàn.

Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index

Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index

Điểm nhấn của phiên hôm nay đến từ cổ phiếu "nóng” YEG. Cổ phiếu này tiếp tục tăng kịch trần từ phiên giao dịch. Tuy nhiên, sự bất ngờ diễn ra sau đó khi áp lực bán tháo đột ngột xuất hiện và khiến YEG bị kéo xuống mức giá sàn. Đóng cửa phiên giao dịch, YEG vẫn giảm sàn xuống 21.600 đồng/cổ phiếu và dư bán giá sàn hơn 4,92 triệu đơn vị. Tuy nhiên điểm tích cực là việc YEG giảm sàn không gây ra tác động dây chuyền đến nhóm cổ phiếu nhỏ.

Một cổ phiếu khác cũng gây chú ý đó là MWG khi bị bán mạnh sau thông tin một cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm chất cấm ký hợp đồng bán cho Bách Hóa Xanh hàng trăm kg/ngày. MWG có thời điểm trong phiên giảm gần 3% về 60.500 đồng/cổ phiếu. Dù vậy lực đỡ cuối phiên đã giúp MWG chỉ còn giảm hơn 1%.

Trong khi đó, nhóm VN30 có sự phân hóa rất mạnh ở phiên hôm nay. Bên cạnh MWG, các mã như BVH, SSB, VRE, FPT, HPG… đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực rất lớn lên VN-Index. VCB là cổ phiếu gây tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi 0,5 điểm. VCB chốt phiên giảm 0,32%. FPT giảm 0,66% và cũng lấy đi 0,39 điểm.

Ở chiều ngược lại, sắc xanh được duy trì khá tốt ở nhóm ngân hàng khi MBB, BID, VIB, STB… đều tăng giá và là các mã có đóng góp tích cực nhất đến VN-Index. MBB đóng góp nhiều nhất với 0,55 điểm khi tăng 1,84%. Việc MBB tăng giá đến từ thông tin ngân hàng này thông báo chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Cụ thể, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới.

Bên cạnh đó, các mã như BCM, SAB, GAS hay VHM cũng giữ được sắc xanh ở phiên hôm nay.

Trong khi đó, khá nhiều các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chìm trong sắc đỏ. Tại nhóm chứng khoán, sau phiên giao dịch có phần tích cực hôm qua thì đã bị bán ngược trở lại. VDS giảm 2,4%, BSI giảm 1,4. Đáng chú ý, APG giảm 6,8%. Mới đây, Chứng khoán APG công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị đóng cửa chi nhánh TP HCM và phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế. Lý do là thực hiện tái cấu trúc công ty, chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch. Trong thông tin mới nhất, Chứng khoán APG thông báo bán ra hàng triệu cổ phiếu LDP (Ladophar) và GKM (GKM Holdings) đang nắm giữ.

Khối ngoại quay trở lại trạng thái bán ròng

Khối ngoại quay trở lại trạng thái bán ròng

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 595 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch đạt 13.712 tỷ đồng, giảm 27% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3.072 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.152 tỷ đồng và 964 tỷ đồng.

STB đứng đầu về giá trị khớp lệnh toàn thị trường với 607 tỷ đồng. MBB và VIB giao dịch lần lượt 492 tỷ đồng và 427 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 360 tỷ đồng trên toàn thị trường. VCB đứng đầu danh sách bán ròng với 175 tỷ đồng. FPT và VNM bị bán ròng lần lượt 68 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Trong khi đó, SSI được mua ròng mạnh nhất với 43 tỷ đồng. CTG cũng được mua ròng 42 tỷ đồng.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phieu-ngan-hang-nang-do-thi-truong-phien-2612-co-phieu-yeg-cua-yeah1-giam-san-d235781.html