Cổ phiếu ngành bán lẻ: Động lực từ sự phục hồi sau mở cửa
Trong bối cảnh Việt Nam dần mở cửa trở lại, nhóm cổ phiếu bán lẻ là một trong những nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhờ hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục hậu Covid-19. Nhờ đó, từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu ngành bán lẻ liên tục gây chú ý khi hết đợt sóng này lại nối tiếp đợt sóng khác.
Ngay từ phiên sáng 25/3, trong khi nhiều nhóm ngành điều chỉnh hàng loạt, nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn đua nhau bứt phá mạnh. Dòng tiền đầu cơ vẫn tập trung vào một số nhóm có câu chuyện riêng như FRT của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) lại tiếp tục phá đỉnh lịch sử khi tăng 3,6% lên 155.500 đồng/cp. Cổ phiếu của doanh nghiệp sở hữu FPT Long Châu đang trải qua thời điểm tăng “dựng đứng” suốt thời gian trở lại đây.
Sóng nối sóng
Tương tự, cổ phiếu PET của Tổng công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp dầu khí liên tiếp lập đỉnh mới khi ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Đặc biệt, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư thế giới di động tăng 3,7% lên 138.900 đồng/cp và là mã tác động tích cực nhất đến thị trường.
Không chỉ vậy, cổ phiếu MWG cùng với cổ phiếu PNJ (CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) là 2 mã 'gánh' cả rổ VN30.
Ngoài ra, cổ phiếu DGW (Digiword) tăng trần lên 138.900 đồng/cp, cổ phiếu PSD của CTCP Dịch vụ phân phối Tổng hợp dầu khí tăng 5,7% lên 44.200 đồng/cp,…
Trước đó 1 tháng, nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng là nhóm ngành tăng điểm gây chú ý. Cụ thể, trong tuần từ 21-25/2, cổ phiếu bán lẻ cũng ghi nhận một tuần giao dịch đầy sôi động. Giá cổ phiếu tăng tốt bất chấp thị trường giằng co và điều chỉnh, nổi bật nhất là FRT tăng 22%, HFX (CTCP sản xuất - xuất nhập khẩu Thanh Hà) tăng 14,3%, TH1(CTCP xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam) tăng 14%, CEN (CTCP Cencon Việt Nam) tăng 14,8% và PSH (CTCP Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu) tăng 13,6%.
Các chuyên gia nhận định, thời gian qua, cổ phiếu các doanh nghiệp bán lẻ tăng giá đáng kể. Đà tăng của cổ phiếu ngành bán lẻ có lẽ đến từ việc nền kinh tế dần mở cửa sau dịch bệnh khiến nhu cầu hồi phục mạnh, qua đó triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Chẳng hạn, FPT Retail sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu có câu chuyện được hưởng lợi từ nhu cầu thuốc chữa Covid tăng đột biến; Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu có lượng hàng tồn kho lớn.
Không chỉ vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, cho thấy kinh doanh bán lẻ đang dần quay trở lại mạnh mẽ.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, những thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước như MUJI, Aeon Group, CTCP Con Cưng (CCI), Thế giới Di động... liên tục mở cửa hàng mới. Tháng 1/2022, Con Cưng mở cửa hàng theo mô hình "super center" đầu tiên tại quận 1 với diện tích 2.000 m2 và đặt mục tiêu cứ 2-3 quận có một cửa hàng. Ngay sau Tết Nguyên đán, Con Cưng mở 2 cửa hàng tại quận 5 và quận Phú Nhuận (TP. HCM).
Tương tự, Thế giới Di động cùng lúc mở 5 chuỗi cửa hàng thuộc nhóm AVA bao gồm: AVAFashion - chuỗi cửa hàng thời trang gia đình, AVASport - chuỗi cửa hàng chuyên đồ thể thao, AVAKids - chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé, AVAJi - hệ thống bán lẻ trang sức, AVACycle - chuỗi cửa hàng xe đạp dưới hình thức "shop in shop" tại hệ thống Điện máy Xanh.
Thời điểm phục hồi
Hiện tại, diễn biến liên quan đến xung đột Nga và Ukraine dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu gia tăng, khiến giá cả nhiều loại hàng hóa tăng. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam có thể sẽ chậm lại so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá ở trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong năm 2022 và 2023. Bên cạnh đó, sự hồi phục nhanh chóng của nhóm ngành sản xuất là một động lực quan trọng giúp cho tỷ lệ thất nghiệp sẽ bắt đầu giảm xuống mức 2.6% (2022) và 2.4% (2023). Đây là một chỉ báo quan trọng đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế và giúp cho thu nhập người dân tăng trưởng tích cực trở lại. Sức mua tiêu dùng của người dân được kỳ vọng tỷ lệ thuận với sự tăng cao của tầng lớp trung lưu.
Cùng với đó, sự quyết liệt của Chính phủ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, tạo tiền đề để ngành bán lẻ phục hồi trong năm 2022.
Các công ty chứng khoán kỳ vọng, nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến khi quyết định cắt giảm thuế VAT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2 bởi đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
“Lợi nhuận năm 2022 của các công ty bán lẻ như Thế giới di động, Digiworld, FPT Retail, PNJ sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu phục hồi”, SSI Research dự báo.
Thực tế cho thấy, một vài doanh nghiệp cũng tiết lộ kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 2 chữ số năm nay. Như Thế giới di động lên kế hoạch doanh thu tăng 14% đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 30% đạt 6.350 tỷ đồng năm 2022.
Tương tự, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trên 22-25%. Còn FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu là 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 30% so với thực hiện trong năm 2021.
Trong khi đó, PNJ kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 30% vào năm 2022, thậm chí có khả năng tăng nhanh hơn nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, dưới sức ép của đại dịch, các nhà bán lẻ cần thích ứng với “bình thường mới” và thói quen mua sắm đang thay đổi chóng mặt. Theo đó, doanh nghiệp nên tận dụng tối đa ưu điểm của thương mại điện tử và thương mại truyền thống để thu hút khách hàng.
“Kênh trực tuyến sẽ trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế bán lẻ”, VNDirect nhận định.
Như vậy, với các dự báo ngành hồi phục mạnh, cổ phiếu bán lẻ vẫn đáng “đồng tiền bát gạo” trong năm 2022 và hiện tại đang là giai đoạn phục hồi của nhóm ngành này.
“Theo chỉ số dòng tiền của FiinTrade, dòng tiền vào nhóm bán lẻ đang ở mức cao trong vòng 1 năm. Nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm này sẽ là cơ hội để cổ phiếu ngành tăng điểm”, một chuyên gia nhận xét.