Cổ phiếu ngành thép dậy sóng sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn

Ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn từ 2,3% xuống 2% cho khoản vay kỳ hạn một năm trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (42,66 tỷ USD) cho một số tổ chức tài chính, cổ phiếu của các 'ông lớn' trong ngành thép nội địa đã đồng loạt bứt phá mạnh mẽ.

Mặc dù thị trường biến động, nhóm cổ phiếu ngành thép đã nhanh chóng "bứt phá" ngay từ khi mở cửa. Lượng tiền lớn đổ vào thị trường đã đẩy các cổ phiếu ngành thép tăng mạnh, trong đó HPG tăng 1,55%, còn HSG và NKG tăng lần lượt 2,98% và 2,61%. Các mã khác cũng tăng tốc mạnh mẽ với TIS (+8,96%), TVN (+3,45%) và SMC (+47%)…

Sự tăng trưởng ấn tượng này đến sau khi PBOC công bố gói kích thích tiền tệ quan trọng nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái trầm trọng của thị trường bất động sản.

Sắc xanh lan rộng toàn thị trường đã giúp VN-Index tiếp tục tiến bước lên trên vùng giá 1.287 điểm. Nguồn: FiinTrade.

Sắc xanh lan rộng toàn thị trường đã giúp VN-Index tiếp tục tiến bước lên trên vùng giá 1.287 điểm. Nguồn: FiinTrade.

Gói kích thích này bao gồm việc giảm 50 điểm cơ bản trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm 20-30 điểm trong lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR), cùng với nhiều chính sách lãi suất khác. PBOC cũng hỗ trợ ngành bất động sản thông qua gói tài chính trị giá 5.300 tỷ USD, đồng thời nới lỏng quy định về mua nhà thứ hai.

Những tín hiệu tích cực này đã góp phần củng cố niềm tin của người dân, giúp nền kinh tế Trung Quốc dần thoát khỏi nguy cơ giảm phát và lấy lại đà tăng trưởng. Điều này đã thúc đẩy giá thép thanh kỳ hạn tăng mạnh lên mức 3.130 CNY/tấn vào phiên giao dịch ngày 24/9, mức cao nhất trong ba tuần.

Trước tình hình này, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự đoán sản lượng thép tiêu thụ trong hai quý cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm trước, nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ dần phát huy hiệu quả và việc khôi phục xây dựng sau thiên tai.

Ngoài ra, các chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng nhận định, năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất thép trong nước sẽ được cải thiện đáng kể nhờ chênh lệch giá thép xây dựng trong nước và thép nhập khẩu tiếp tục giảm so với năm 2023. Chi phí đầu vào giảm trong nửa đầu năm 2024 cũng tạo điều kiện cho các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán, nhằm đảm bảo tiêu thụ ổn định./.

Chốt phiên sáng 25/9, sàn HOSE ghi nhận 274 mã tăng và 107 mã giảm, VN-Index tăng 10,36 điểm (+0,81%) lên 1.287,35 điểm. Thanh khoản tăng mạnh với 515,68 triệu đơn vị, giá trị đạt 11.630,85 tỷ đồng, cao hơn 89,3% về khối lượng và 107,3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.

Nhóm VN30 đóng góp tích cực, tăng 11,32 điểm với 22 mã tăng. SSI dẫn đầu nhóm chứng khoán với mức tăng 3%, trong khi cổ phiếu ngân hàng và thép cũng ghi nhận đà tăng tốt.

Sàn HNX cũng tăng 1,35 điểm lên 235,67 điểm, khối lượng giao dịch gấp 2,5 lần so với phiên trước. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,4 điểm xuống 93,41 điểm.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-phieu-nganh-thep-day-song-sau-khi-trung-quoc-cat-giam-lai-suat-cho-vay-trung-han-160297.html