Cổ phiếu Nissan tăng vọt sau thông tin sáp nhập với Honda
Cổ phiếu Nissan tăng 23,7% trong phiên giao dịch sáng 18/12 tại Tokyo, buộc sàn phải tạm dừng giao dịch vì đạt giới hạn tăng trong ngày.
Nissan và Honda đang tiến tới mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn, với các cuộc đàm phán về việc thành lập một công ty mẹ chung, trang Nikkei đưa tin.
Theo đó, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai và ba của Nhật Bản sẽ hướng tới việc hợp tác chặt chẽ hơn về công nghệ, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh với Toyota – hãng xe giữ thị phần lớn nhất tại thị trường này.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin sáp nhập với Honda, cổ phiếu Nissan tăng vọt 23,7% trong phiên giao dịch sáng thứ tư (18/12) tại Tokyo, lên mức 417,6 yen (2,72 USD), buộc sàn phải tạm dừng giao dịch vì đạt giới hạn tăng trong ngày.
Cổ phiếu Mitsubishi Motors cũng tăng 19,65% lên 487 yen (3,17 USD) sau thông tin này, còn cổ phiếu Honda giảm gần 4%, xuống còn 1.233 yen (8,04 USD).
Trong khi đó, Toyota vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu khi giá cổ phiếu tăng gần 2% lên 2.725 yên (17,76 USD).
Với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 44 tỷ USD của Honda và 30 tỷ USD của Nissan (sau đợt tăng giá cổ phiếu hôm 18/12), việc sáp nhập hoàn toàn có thể vượt qua thương vụ khổng lồ trị giá 52 tỷ USD giữa Fiat Chrysler và PSA để thành lập Stellantis vào năm 2021.
Cũng theo nguồn tin của Nikkei, Honda và Nissan đang cân nhắc đưa Mitsubishi Motors – công ty mà Nissan đang nắm giữ 24% cổ phần – vào dưới sự quản lý của công ty mẹ chung.
Trong thông báo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo, Nissan cho biết đang xem xét “nhiều khả năng hợp tác trong tương lai” với Honda và Mitsubishi, như một phần của chiến lược hợp tác được công bố trước đó, nhưng khẳng định chưa có quyết định nào được đưa ra.
Honda cũng đưa ra tuyên bố tương tự, cho biết các thông tin từ báo chí không dựa trên bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía công ty.
Renault, cổ đông lớn của Nissan, từ chối bình luận và cho biết không có thông tin nào liên quan đến sự việc này.
Giới phân tích nhận định, kế hoạch sáp nhập giữa Nissan và Honda được xem là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự tái cơ cấu trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, nhằm đối phó với thách thức to lớn từ Tesla và các hãng xe Trung Quốc.
Mặt khác, các hãng xe Nhật Bản còn đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số tại châu Âu và Mỹ, góp phần gia tăng áp lực lên hoạt động kinh doanh.