Cổ phiếu tài chính toàn cầu bốc hơi 465 tỷ USD sau khi SVB sụp đổ
Sau vụ phá sản của SVB, tổng giá trị vốn hóa của chỉ số tài chính MSCI toàn cầu và chỉ số tài chính MSCI thị trường mới nổi đã giảm 465 tỷ USD trong vỏn vẹn 3 ngày.
Theo Bloomberg, giá trị của các cổ phiếu tài chính trên toàn cầu đã bay hơi 465 tỷ USD sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Từ New York tới Nhật Bản, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng.
Bước sang phiên giao dịch ngày 14/3, MSCI Asia Pacific Financials Index (chỉ số tài chính MSCI châu Á - Thái Bình Dương) lao dốc 2,7% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2022.
Giá cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group (Nhật Bản) bốc hơi 8,3%, Hana Financial Group (Hàn Quốc) giảm 4,7%, còn ANZ Group Holdings (Australia) mất 2,8%.
465 tỷ USD bốc hơi trong 3 ngày
Đà bán tháo lan rộng toàn cầu sau khi ngành ngân hàng của Mỹ chao đảo vì sự sụp đổ của SVB - vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 tại Mỹ. Giới đầu tư vẫn lo ngại về hiệu ứng domino từ rắc rối của SVB bất chấp những nỗ lực trấn an của giới chức Mỹ.
Tổng giá trị vốn hóa của MSCI World Financials Index (Chỉ số tài chính MSCI toàn cầu) và MSCI EM Financials Index (Chỉ số tài chính MSCI thị trường mới nổi) đã giảm khoảng 465 tỷ USD trong khoảng 3 ngày.
Chuyên gia phân tích Francis Chan của Bloomberg Intelligence cho rằng tác động đối với các ngân hàng lớn ở Bắc Á sẽ không đáng kể nhờ vào "sự kết hợp tài sản, tiền gửi và thanh khoản vững chắc".
"Nhưng các nhà băng nhỏ hơn có thể tiềm ẩn những rủi ro về thanh khoản và tín dụng, vốn thường dễ dàng bị bỏ qua", ông cảnh báo.
Giới quan sát cũng lo ngại rằng vụ việc của SVB có thể tác động tiêu cực lên những khoản đầu tư lớn của các công ty tài chính, bao gồm trái phiếu và những công cụ tài chính khác.
Rủi ro lan rộng
Trong phiên giao dịch đầu tuần hôm 13/3, nhóm cổ phiếu ngân hàng của Mỹ đã chịu sức ép lớn do những lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng nước này.
Ngành công nghiệp này bị giáng đòn mạnh sau khi SVB sụp đổ. Tính tới đầu tuần trước, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ. Với 40 năm hoạt động, nhà băng này được coi là nguồn vốn đáng tin cậy của các startup công nghệ và đầu tư mạo hiểm.
Ngay sau SVB, các cơ quan quản lý Mỹ cũng tuyên bố đóng cửa Signature Bank, có trụ sở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ 3 phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng các cơ quan quản lý đã làm ngơ những vấn đề của SVB. Chiến lược của ngân hàng này dựa vào tiền gửi của doanh nghiệp, thay vì cá nhân, và nắm giữ đa số tài sản dưới dạng các gói vay và chứng khoán. Điều đó khiến rủi ro của SVB lớn hơn nhiều những nhà băng khác.
Một số người lập luận rằng sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ lòng tham của ban lãnh đạo. Các khoản nắm giữ của nhà băng này rất dễ tổn thương với lãi suất dài hạn, vốn đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của Fed.
Lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng tới giá chứng khoán, từ đó thiêu rụi niềm tin của người gửi.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vừa ghi nhận ngày giảm lớn nhất kể từ đầu những năm 1980. Các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất do những biến động gần đây của hệ thống ngân hàng.
"Chúng ta cần đánh giá lại khả năng về một 'cú tiếp đất cứng' và kịch bản Fed điều chỉnh lãi suất", Bloomberg dẫn lời ông Michael Makdad - một nhà phân tích tại Morningstar Inc. - nhận định.
"Nếu những điều này không xảy ra, các cổ phiếu tài chính của Nhật Bản có thể đang phản ứng thái quá", ông nói thêm.