Cổ phiếu tăng 3 phiên liên tiếp nhờ loạt thông tin các 'sếp' FPT khẳng định
Cổ phiếu FPT đứng thứ 3 đà tăng của thị trường sau những thông tin từ cuộc Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra vào chiều 10/4.
Cụ thể, chiều 10/4, Công ty Cổ phần FPT (Tập đoàn FPT, mã cổ phiếu FPT – sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tại Đại hội, cổ đông Tập đoàn FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 18% so với mức thực hiện của năm 2023.
“Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, thì con số 5 tỷ hay 10 tỷ USD nằm trong tầm tay”, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT nói
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định mục tiêu trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh Tập đoàn đã lọt danh sách các công ty dịch vụ công nghệ quy mô tỷ USD trên thế giới vào năm 2023.
“Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, thì con số 5 tỷ hay 10 tỷ USD nằm trong tầm tay”, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT nói.
Xét về cơ cấu doanh thu, khối Công nghệ dự kiến tiếp tục là động lực tăng trưởng mũi nhọn của Tập đoàn FPT trong năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 31.449 tỷ đồng (tương đương 51% mục tiêu tổng doanh thu), tăng 21% so với năm 2023.
Trong khi đó, hai khối Viễn thông và khối Giáo dục & Đầu tư khác dự kiến doanh thu sẽ lần lượt là 17.600 tỷ đồng và 6.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và tăng 14% so với năm 2023.
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết thêm, trong quý 1/2024, Tập đoàn ước tính doanh thu tăng trưởng 20% và lợi nhuận tăng trưởng gần 20%. Trong đó, doanh thu từ mảng xuất khẩu phần mềm tăng khoảng 20% với động lực chính tiếp tục đến từ thị trường Nhật Bản (tăng trưởng 40%).
Trên thị trường chứng khoán phiên 11/4, cổ phiếu FPT tăng 0,97% và tiếp tục là phiên tăng điểm thứ 3, đưa giá cổ phiếu này lên 114,900 đồng/CP.
Cũng trong phiên giao dịch 11/4, dòng tiền rất thận trọng khiến giao dịch nhạt nhòa. Thanh khoản cả 3 sàn tiếp tục dưới mốc 19 nghìn tỷ đồng. Kết phiên VN-Index giảm 0,36 điểm tương đương 0,03%, xuống còn 1.258,2 điểm.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, đây vẫn là tín hiệu đáng quan ngại cho thị trường.
Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 12/4, CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, thanh khoản thị trường tiếp tục ghi nhận ở mức thấp, dưới trung bình 20 phiên giao dịch cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc.
Thị trường thoát một phiên giảm sâu, tuy nhiên số mã điều chỉnh vẫn chiếm áp đảo, cho thấy nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn chưa dừng lại.
“Chúng tôi ưu tiên quan điểm thận trọng, ưu tiên căn bán khi thị trường tăng và kiên nhẫn chờ đợi ngưỡng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm mới quay lại vị thế mua” – CSI lưu ý.
Tương tự, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu lại danh mục nếu xu hướng hồi phục tiếp tục kéo dài trong những phiên tới.
Theo đó, ưu tiên bán giảm những mã đã giảm dưới vùng hỗ trợ và cân nhắc giải ngân lướt sóng đối với những cổ phiếu đã có xu hướng tạo nền ngắn hạn, thuộc các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.