Cổ phiếu tăng giá hơn 6.000% nay ra sao?

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh tới cả nghìn phần trăm, sau đó giảm mạnh khiến không ít nhà đầu tư trở tay không kịp...

Tăng hơn 6.000%

Đáng chú ý nhất trong các cổ phiếu có mức tăng khủng là TGG của CTCP Louis Capital. Năm 2021, giá cổ phiếu này đã tăng với tỷ lệ khó tưởng tượng là 1.441,6% từ 1.200 đồng lên 18.500 đồng/cổ phiếu.

Nhưng nếu so với mức đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 22/9/2021 thì mức tăng so với hồi đầu năm lên tới 6.133,3%.

Biểu đồ giá của TGG trong hơn 1 năm qua

Biểu đồ giá của TGG trong hơn 1 năm qua

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, giá cổ phiếu này đã quay đầu giảm theo mô hình cây thông. Chốt phiên giao dịch 25/3, giá cổ phiếu này ở mức 25.950 đồng/cổ phiếu.

Đây cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu tăng giá tính theo đơn vị “nghìn phần trăm” trong năm 2021.

TGG và sự biến động giá của cổ phiếu này có liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân cùng nhóm Louis Holdings đã liên tục mua cổ phần và thâu tóm loạt doanh nghiệp trong đó có việc mua 51% vốn cổ phần tại Công ty Xây dựng và Đầu tư Trường Giang và đổi tên thành Louis Capital (TGG).

Liên quan tới Louis Holdings, ngày 22/3 vừa qua Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 161 triệu đồng đơn vị này do vi phạm hành chính về giao dịch vượt quá giá trị đăng ký đối với cổ phiếu TGG.

Ngoài ra, Louis Holdings còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán hai tháng từ 22/3.

CBS lên giá như diều gặp gió

Chốt phiên giao dịch 24/3, giá cổ phiếu CBS của CTCP mía đường Cao Bằng giảm nhẹ sau 4 phiên tăng giá liên tiếp.

CBS gây ấn tượng mạnh với giới đầu tư bởi đây là một số ít mã chứng khoán tăng khủng nhất trong năm 2021 với mức tăng 824,6% từ 7.300 đồng lên gần 70.000 đồng khi chốt năm.

Diễn biến cổ phiếu CBS từ đầu năm 2021

Diễn biến cổ phiếu CBS từ đầu năm 2021

Hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021, CBS đã có 11 phiên tăng giá liên tục, trong đó có 9 phiên trần như diều gặp gió khiến nhiều nhà đầu tư chú ý.

CTCP Mía đường Cao Bằng có tiền thân là Nhà máy Mía đường Cao Bằng, được thành lập từ 1996. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh đường kính trắng và mía nguyên liệu.

Theo kết quả kinh doanh năm 2021 (năm tài chính kết thúc ngày 30/6/2021), doanh thu CSB giảm 5% khi chỉ đạt 243 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của CBS lại tăng 642% lên 56,4 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hiện đang nợ hơn 48,5 tỷ đồng nợ ngắn hạn, chi phí lãi vay trong kỳ hơn 3 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 tới nay, giá cổ phiếu CBS đã đạt đỉnh tại 100.800 đồng ngày 12/1 sau đó liên tục sụt giảm. Dù vậy, giá mã chứng khoán này vẫn cao hơn so với phiên chốt năm.

Đáng chú ý, kể từ khi cổ phiếu tạo đỉnh, lãnh đạo công ty liên tục bán ra để giảm tỷ lệ nắm giữ.

Loạt cổ phiếu tăng phi mã trên 500%

Một cổ phiếu khác đáng chú ý là CMS của CTCP Tập Đoàn CMH Việt Nam. CMS cũng tăng phi mã 735,7% trong năm 2021, từ 4.300 đồng lên 31.500 đồng/cổ phiếu.

CMS tạo đỉnh rồi sụt giảm

CMS tạo đỉnh rồi sụt giảm

Đáng chú ý nhất trong thời gian này của CMS là sự tham gia của ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Tổng giám đốc LienVietPostBank vào Hội đồng quản trị hồi tháng 11/2021.

Thời điểm này, CMS có 18 phiên tăng trần trong vòng 1 tháng dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Chuỗi tăng thẳng đứng này kéo theo vốn hóa thị trường vọt từ 84 tỷ đồng lên 485 tỷ đồng.

Cũng tương tự như CSB, sau khi giá cổ phiếu CMS tăng mạnh lãnh đạo và người nhà đua nhau thoái vốn.

Sau khi cổ phiếu đạt đỉnh ngày 15/12, giá CMS liên tục sụt giảm và đến nay còn 30.400 đồng/cổ phiếu.

CMS được thành lập năm 2007 và niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội cách đây hơn 10 năm. Ban đầu công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, sau đó mở rộng sang xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, thủy điện.

Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty lãi hơn 21 tỷ đồng sau khi lỗ hơn 5 tỷ đồng năm 2020. Cuối 2021, công ty có vốn chủ sở hữu 228 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 133 tỷ đồng và nợ dài hạn 17 tỷ đồng.

Tương tự, một mã khác cũng tăng khó tưởng tượng là ASA của CTCP ASA. Giá ASA từ 700 đồng/cổ phiếu năm 2019 đã tăng lên 1.000 đồng giữa năm 2020.

Đà tăng bất ngờ của ASA bắt đầu từ tháng 3/2021 sau đó leo lên đỉnh 14.700 đồng ngày 14/1/2022. Kể từ cuối tháng 1 tới nay mã này giữ nguyên giá 12.600 đồng/cổ phiếu do không có giao dịch.

ASA thường xuyên có những phiên không có giao dịch

ASA thường xuyên có những phiên không có giao dịch

Một số cổ phiếu khác cũng có mức tăng trên 500% năm 2021 đáng chú ý là ATA, KSK, L14…

Có một điểm chung của những mã tăng “nóng” hơn cả tưởng tượng này là đây đều là những cổ phiếu nhỏ, được xếp vào nhóm các cổ phiếu đầu cơ bởi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh không khả quan thậm chí bết bát.

Thời điểm những cổ phiếu này tăng mạnh cũng là thời điểm dòng tiền đổ vào thị trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dòng tiền dồi dào này chủ yếu từ những nhà đầu cơ.

Đặc điểm của dòng tiền đầu cơ là "đánh nhanh, rút gọn" nên sau khi khi dòng tiền này rút đi, người gia nhập sau sẽ gánh chịu rủi ro không nhỏ.

Do đó, nhà đầu tư được khuyến cáo phải theo dõi tất cả các chỉ số trước khi quyết định rót tiền như doanh thu, lợi nhuận, chỉ số sinh lời, dòng tiền… của doanh nghiệp.

C.Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-phieu-tang-gia-hon-6000-nay-ra-sao-d546859.html