Cổ phiếu TAR của Gạo Trung An bị đưa vào diện cảnh báo
Mã cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An) vừa bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/9/2023.
Mã cổ phiếu TAR bị đưa vào diện cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc đưa mã cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An) vào diện bị cảnh báo kể từ ngày 25/9/2023.
HNX cho biết Gạo Trung An đã chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Điều này vi phạm Điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2023 do Gạo Trung An tự lập, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng lãi ròng chỉ đạt 600 triệu đồng, giảm 99% so với nửa đầu năm 2022.
Trong đó, tính riêng quý 2/2023, Gạo Trung An báo lỗ 8 tỷ đồng, so với mức lãi 23 tỷ đồng của quý 2/2022. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán hồi đầu năm 2019. Việc ghi nhận khoản lỗ lớn quý 2/2023 đã kéo tụt kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của doanh nghiệp này.
Ban lãnh đạo Gạo Trung An chia sẻ chi phí lãi vay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái cùng với việc phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài đã khiến kết quả kinh doanh kém tích cực.
Trong năm nay, Gạo Trung An đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện trong năm 2022, và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với mức thực hiện năm ngoái. Dựa trên số liệu tự lập, doanh nghiệp gạo này đã hoàn thành 66% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ mới thực hiện được 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Xem thêm: "Tập đoàn Tân Tạo: Cổ phiếu ITA được ra khỏi diện kiểm soát và cảnh báo" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Vì sao giá gạo xuất khẩu tăng mạnh nhưng lợi nhuận của Gạo Trung An lại “mỏng”?
Kết quả kinh doanh kém tích cực của Gạo Trung An diễn ra trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Tính riêng giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu được 4,2 triệu tấn gạo, với trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị. Mức giá gạo xuất khẩu trung bình 6 tháng đầu năm nay đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với nửa đầu năm 2022, chạm vùng giá cao nhất 10 năm trở lại đây. Tính đến cuối tháng 8/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm mức 630 USD/tấn - mức cao nhất kể từ khi xảy ra cơn sốt giá gạo hồi năm 2008, và cũng là mức giá cao nhất thế giới.
Hiện doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An. Đặc biệt, doanh nghiệp này chuyên xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ sang các thị trường phát triển như EU, Hàn Quốc, Australia… Đây được xem là những thị trường có biên lợi nhuận cao và có giá xuất khẩu cao vượt trội so với mặt bằng giá gạo xuất khẩu bình quân cả nước.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, cổ đông Gạo Trung An đã có câu hỏi: “Năm nay giá gạo tăng, xuất khẩu cũng tăng, doanh thu tăng vậy tại sao lợi nhuận giảm mạnh đồng thời kế hoạch kinh doanh năm 2023 cũng rất thấp?”.
Ban lãnh đạo Gạo Trung An cho biết trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty nhận thấy thực trạng giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo làm chi phí sản xuất, giá thành tăng cao; đồng thời, lãi suất ngân hàng ở mức cao cũng gây sức ép lên lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch sáng nay ngày 25/9, thị giá cổ phiếu TAR giảm 2,2% xuống mức 17.700 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu TAR đã tăng 49%.