Cổ phiếu thủy sản 'bứt tốc' vì đâu?

Ngoài việc hưởng lợi từ giá trị xuất khẩu phục hồi thì từ đầu tháng 10-2021 đến nay, giá cước vận tải trên nhiều tuyến quốc tế hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng đã giúp giải tỏa bớt khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.Việc nhóm cổ phiếu ngành thủy sản thi nhau bứt phá cho thấy nhà đầu tư đang đặt không ít kỳ vọng đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này trong các tháng tới.

Nhà đầu tư đang đặt không ít kỳ vọng đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thủy sản trong các tháng tới.

Tình hình kinh doanh dần cải thiện

Hai năm trở lại đây được coi là giai đoạn khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu khiến nhu cầu của khách hàng sụt giảm, làm số đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp có thời điểm giảm đến 35-50%. Sức cầu giảm trong khi các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho càng làm cho giá bán rơi xuống thấp, qua đó gây áp lực lớn lên tỷ suất lợi nhuận gộp.

Những khó khăn trên đã khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp thủy sản gặp bất lợi. Riêng trong quí 3-2021, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) đã báo lỗ hơn 13 tỉ đồng. Công ty cổ phần Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) báo lãi giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng giảm 9,5%, còn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) giảm 55%…

Tuy vậy, bước sang quí 4-2021, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đứng trước triển vọng hồi phục khi mà các điều kiện sản xuất kinh doanh đã và đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi hơn. Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 10-2021 ước đạt 918 triệu đô la Mỹ, tăng 47% so với tháng trước và gần tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng 31%, sang EU tăng 9%, sang Hàn Quốc tăng 20%, sang Canada tăng 17%.

Tại Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC), hoạt động kinh doanh sôi động trở lại từ tháng 10. Minh Phú đã khởi công chuỗi ba nhà máy chế biến thủy sản, gồm Minh Phát, Minh Quý và Minh Phú có cùng công suất 18.000 tấn/năm và Nhà máy Bao bì Quang Minh có công suất 5.000 tấn/năm. Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Thủy sản Minh Phú nhận được quyết định từ Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) hủy bỏ quyết định áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ.

Qua đó, Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá, đồng thời được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp. Tại thị trường châu Âu, Minh Phú cũng đang được hưởng lợi từ việc giảm thuế theo các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo đó, sau khi thuế nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào EU giảm ngay từ mức 4,2% về 0% từ ngày 1-8-2020, thuế nhập khẩu tôm chế biến giảm dần từ 7% về 0% trong bảy năm tiếp theo. Trong khi đó, thuế nhập khẩu của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan vẫn duy trì ở mức từ 4-20% tùy quốc gia. Điều này cũng giúp Minh Phú có khả năng cạnh tranh tốt hơn về giá bán.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cũng cho biết, doanh thu xuất khẩu tháng 10 đã đạt 780 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19% so với tháng trước. Thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ở mức 95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 37% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 6.899 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Bên cạnh sức cầu hồi phục, Vĩnh Hoàn còn hưởng lợi từ việc vào tháng 6-2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra – ba sa của Việt Nam. Trong đó, DOC xác định mức thuế chống bán phá giá đối với Vĩnh Hoàn và Nam Việt trong đợt rà soát này là 0 đô la Mỹ/ki lô gam, giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho Vĩnh Hoàn khi một doanh nghiệp khác là Biển Đông bị áp thuế 2,39 đô la Mỹ/ki lô gam sau nhiều năm liền hưởng thuế 0%. Còn với Nam Việt là mở rộng cửa để phát triển thị trường này.

Giá cổ phiếu lập đỉnh mới

Ngoài việc hưởng lợi từ giá trị xuất khẩu phục hồi thì từ đầu tháng 10-2021 đến nay, giá cước vận tải trên nhiều tuyến quốc tế hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng đã giúp giải tỏa bớt khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Chỉ số cước phí, bao gồm cước vận tải các loại tàu đến giữa tháng 11-2021 giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 6-2021. Trên tuyến xuyên Thái Bình Dương, cước vận chuyển container cũng đã duy trì xu hướng giảm từ tháng 9 đến giữa tháng 11-2021.

Những chuyển động tích cực trong hoạt động kinh doanh cũng như những khó khăn khách quan dần qua đi là nguyên nhân chính giúp nhóm cổ phiếu thủy sản có sóng tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Kể từ giữa tháng 7-2021 đến nay, thị giá cổ phiếu VHC đã vượt qua mức 60.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% chỉ trong vòng chưa đầy năm tháng.

Thị giá cổ phiếu MPC cũng tiến sát vùng 46.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20% chỉ sau hơn một tháng và tăng hơn 70% so với đầu năm. Bất chấp lợi nhuận ở mức âm 13 tỉ đồng trong quí 3-2021, cổ phiếu ANV cũng tăng giá mạnh 30% kể từ đầu tháng 10 đến nay, hiện đạt mức 35.000 đồng/cổ phiếu nhờ kỳ vọng vào đà phục hồi tại thị trường trọng điểm Trung Quốc. Thị giá một loạt cổ phiếu thủy sản khác như IDI, FMC, CMX cũng tăng hàng chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn. Đợt tăng giá này đã đưa thị giá VHC, ANV, IDI, FMC vượt qua các đỉnh giá kể từ khi niêm yết.

Việc nhóm cổ phiếu ngành thủy sản thi nhau bứt phá cho thấy nhà đầu tư đang đặt không ít kỳ vọng đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này trong các tháng tới. Điều này không phải là không có căn cứ xét trong bối cảnh các hoạt động giãn cách xã hội trong nước đang dần được gỡ bỏ trong khi thị trường xuất khẩu liên tục phát đi những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-phieu-thuy-san-but-toc-vi-dau/