Cổ phiếu TSMC và các hãng công nghệ hàng đầu Đài Loan giảm mạnh sau khi ông Biden ngừng tranh cử

Các cổ phiếu công nghệ hàng đầu Đài Loan đã giảm sáng 22.7 sau khi ông Joe Biden thông báo rút khỏi cuộc đua tái tranh cử và ủng hộ bà Kamala Harris làm ứng viên Tổng thống Mỹ cho đảng Dân chủ, một diễn biến chính trị gây chấn động nền kinh tế công nghệ chip châu Á.

Từng tăng gần 28% trong năm nay tính đến ngày 19.7, chỉ số Taiex chuẩn đã giảm gần 700 điểm, tương đương giảm 3,04%, vào một thời điểm sáng 22.7.

Chỉ số Taiex chuẩn là chỉ số chứng khoán chính của Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan (TWSE). Nó được xem như thước đo tổng thể cho thị trường chứng khoán Đài Loan, phản ánh biến động giá và hiệu suất của các cổ phiếu niêm yết trên TWSE.

Cổ phiếu TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, đã giảm hơn 3% tại Đài Bắc vào một thời điểm. Trong khi MediaTek, nhà phát triển chip di động hàng đầu thế giới tính theo doanh số, đã thấy cổ phiếu của mình giảm hơn 5% sáng 22.7. Cổ phiếu United Microelectronics Corp, hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai của Đài Loan, đã giảm hơn 3%. Cổ phiếu ASE Technology Holding, nhà cung cấp đóng gói và kiểm tra chip lớn nhất thế giới, đã giảm hơn 4%.

Cổ phiếu của Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và hãng lắp ráp iPhone chính cho Apple, giảm gần 6% sáng 22.7.

Năm 2018, Foxconn từng tuyên bố sẽ đầu tư 10 tỉ USD vào bang Wisconsin (Mỹ) để xây dựng một cơ sở sản xuất màn hình tiên tiến. Ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ khi đó, gọi đây là "kỳ quan thứ tám của thế giới", nhưng cuối cùng kế hoạch đầu tư đã bị thu hẹp mạnh và việc xây nhà máy sản xuất màn hình không thành hiện thực. Tổng thống Mỹ - Joe Biden gần đây đã chỉ trích việc Foxconn không hoàn thành cam kết đầu tư.

Giá cổ phiếu giảm nhẹ hơn trong những nơi khác ở châu Á. Thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Nhật Bản giảm chưa đến 1% trong phiên giao dịch buổi sáng 22.7, còn Hàn Quốc giảm 1,41%.

Cổ phiếu công nghệ ở Đài Loan nói riêng và châu Á nói chung từng giảm cuối tuần trước sau những phát biểu từ ông Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa. Ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg rằng Đài Loan nên trả tiền để được nằm dưới sự bảo vệ của Mỹ và đảo này "đã đảm nhận khoảng 100% hoạt động sản xuất chip của chúng ta".

Hôm 18.7, TSMC tiết lộ kế hoạch đầu tư của họ vào bang Arizona (Mỹ) vẫn không thay đổi và không xem xét việc liên doanh tại Mỹ để giảm thiểu rủi ro địa chính trị. Tuyên bố này được TSMC đưa ra để trả lời câu hỏi từ một nhà phân tích về những bình luận của ông Trump về ngành công nghiệp chip Đài Loan.

Cổ phiếu chip và công nghệ Đài Loan đang bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn chính trị ở Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống đến gần - Ảnh: Reuters

Cổ phiếu chip và công nghệ Đài Loan đang bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn chính trị ở Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống đến gần - Ảnh: Reuters

Jeff Pu, Giám đốc nghiên cứu công nghệ tại hãng Haitong Securities, nói với trang Nikkei Asia rằng các cổ phiếu liên quan đến công nghệ và chip đang giảm trong tuần này chủ yếu do ông Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng và lo ngại từ nhà đầu tư rằng những bất ổn địa chính trị có thể gia tăng.

"Nhưng một lý do cơ bản khác là rất nhiều cổ phiếu công nghệ đã tăng quá nhanh, quá mạnh. Nhiều cổ phiếu được định giá rất cao. Lý do cổ phiếu công nghệ Đài Loan giảm mạnh hơn so với thị trường chứng khoán khu vực là vì những bình luận từ ông Trump về việc Đài Loan phải trả tiền để được Mỹ bảo vệ sẽ có tác động đến tỷ trọng của các nhà đầu tư toàn cầu với thị trường chứng khoán Đài Loan... Ngoài ra, đồng Tân Đài tệ đã giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn. Điều đó cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang điều chỉnh một số cổ phiếu để có sự cân bằng nhẹ", Jeff Pu bình luận.

Tuy nhiên, Jeff Pu nói thêm rằng ông coi đây chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn và triển vọng của ngành công nghiệp công nghệ vẫn không thay đổi.

Jonah Cheng, Giám đốc đầu tư tại hãng J&J Investment, cho biết thị trường chứng khoán Đài Loan đã tăng trưởng rất nhiều kể từ đầu năm nay và dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tin tức tiêu cực nào.

"Các rủi ro trên thị trường chứng khoán Đài Loan đã tang gần đây, đặc biệt là với các cổ phiếu có định giá cao. Bất kỳ thông tin nào cũng có thể gây áp lực bán cổ phiếu. Tin tức về việc ông Biden rút lui là nguyên nhân mới nhất và không ai có thể biết áp lực bán này sẽ kéo dài bao lâu", Jonah Cheng chia sẻ với Nikkei Asia.

Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và công ty bảo hiểm đã bán cổ phiếu Đài Loan vào đầu tháng 7, có thể là dấu hiệu của việc chốt lời, theo Jonah Cheng - nhà phân tích ngành bán dẫn đã theo dõi thị trường chứng khoán Đài Loan và Mỹ nhiều thập kỷ.

"Điều này đồng nghĩa những người tiếp tục mua cổ phiếu gần đây là các nhà đầu tư ngắn hạn và cá nhân, khiến thị trường trở nên biến động hơn trước các diễn biến tin tức", ông nhận định.

Hôm 17.7, những bình luận của ông Trump về Đài Loan và việc tăng thuế đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu các hãng công nghệ lớn ở Phố Wall.

Vấn đề là thế này: Dù đang có ý định đưa ra chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" cùng ứng viên Phó tổng thống Mỹ của mình là thượng nghị sĩ JD Vance nhưng ông Trump dường như không nhận ra Đài Loan đang đóng một vai trò to lớn trong việc giúp Mỹ xây dựng trụ cột quan trọng trong tương lai là trí tuệ nhân tạo (AI).

Đài Loan là quê hương của TSMC, hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới được những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple và Nvidia tin tưởng để tạo ra những chip thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp AI và cả thị trường chứng khoán Mỹ.

Với vốn hóa thị trường từng vượt qua mốc 1.000 tỉ USD trong tháng này, TSMC báo cáo doanh thu quý 2/2024 tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức hơn 20 tỉ USD và đang xây dựng một số nhà máy chip tiên tiến ở bang Arizona (Mỹ).

Nếu có vấn đề gì xảy ra với Đài Loan tại một thời điểm nào đó thì sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip chuyên dụng trong nước. Điều đó đặt Tổng thống Mỹ tiếp theo vào tình thế khó khan, đặc biệt là trong việc duy trì vị trí đứng đầu về AI của nước này trước Trung Quốc.

TSMC nhận 11,6 tỉ USD tài trợ và khoản vay từ Mỹ cho 3 nhà máy sản xuất chip tiên tiến

Đầu tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ trao cho đơn vị tại Mỹ của TSMC khoản tài trợ 6,6 tỉ USD để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở thành phố Phoenix (bang Arizona) và khoản vay lên tới 5 tỉ USD của chính phủ với lãi suất thấp.

TSMC đã đồng ý mở rộng khoản đầu tư theo kế hoạch của mình từ 40 tỉ USD thêm 25 tỉ USD lên 65 tỉ USD và bổ sung nhà máy thứ ba ở Arizona vào năm 2030, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ khi công bố về khoản trợ cấp sơ bộ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết TSMC sẽ sản xuất chip công nghệ 2 nanomet tiên tiến nhất thế giới tại nhà máy thứ hai ở Arizona, dự kiến bắt đầu vào năm 2028.

Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói: “Đây là những chip làm nền tảng cho tất cả AI và là thành phần cần thiết cho những công nghệ mà chúng ta cần để củng cố nền kinh tế của mình, nhưng thành thật mà nói là chúng hỗ trợ cho cả bộ máy quân sự và an ninh quốc gia của thế kỷ 21”.

TSMC trước đó từng công bố kế hoạch đầu tư 40 tỉ USD vào bang Arizona. Tập đoàn Đài Loan dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất số lượng lớn chip tại nhà máy đầu tiên của mình ở bang Arizona vào nửa đầu năm 2025, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ.

Bộ này cho biết khoản đầu tư trị giá hơn 65 tỉ USD của TSMC là khoản đầu tư bên ngoài lớn nhất vào một dự án hoàn toàn mới trong lịch sử Mỹ.

Vào năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Chips and Science để thúc đẩy sản lượng bán dẫn trong nước với 52,7 tỉ USD trợ cấp cho nghiên cứu và sản xuất. Các nhà làm luật Mỹ còn phê duyệt khoản vay của chính phủ trị giá 75 tỉ USD.

TSMC ở Arizona cũng đã cam kết hỗ trợ phát triển khả năng đóng gói tiên tiến thông qua các đối tác ở Mỹ để cho phép khách hàng mua chip tiên tiến được sản xuất hoàn toàn trên đất Mỹ. Bộ Thương mại cho biết 70% khách hàng của TSMC là các công ty Mỹ.

C.C. Wei, Giám đốc điều hành TSMC, nói tập đoàn Đài Loan sẽ giúp các hãng công nghệ Mỹ “kích hoạt những đổi mới của họ bằng cách tăng cường năng lực cho công nghệ tiên tiến thông qua TSMC ở Arizona”.

Bộ Thương mại Mỹ kỳ vọng các dự án sẽ tạo ra 6.000 việc làm sản xuất chip trực tiếp và 20.000 công việc xây dựng. Ngoài ra, Bộ này cho biết 14 nhà cung cấp trực tiếp của TSMC có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy ở Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, khi hoạt động hết công suất, ba nhà máy của TSMC ở Arizona sẽ sản xuất hàng chục triệu chip hàng đầu trong smartphone 5G/6G, ô tô tự hành và máy chủ trung tâm dữ liệu AI.

"Thông qua ba nhà máy ở Arizona, TSMC sẽ hỗ trợ các khách hàng Mỹ quan trọng như Apple, Nvidia, AMD và Qualcomm bằng cách giải quyết nhu cầu năng lực hàng đầu của họ, giảm thiểu các vấn đề về chuỗi cung ứng và cho phép họ cạnh tranh hiệu quả trong kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra”, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố.

Hôm 15.4, Bộ Thương mại Mỹ thông báo chính quyền Biden sẽ trao khoản tài trợ 6,4 tỉ USD cho Samsung Electronics để mở rộng cơ sở sản xuất chip của họ ở miền trung bang Texas (Mỹ).

Vào tháng 3, Bộ này đã công bố khoản tài trợ 8,5 tỉ USD và khoản vay lãi suất thấp lên tới 11 tỉ USD cho Intel để sản xuất chip tiên tiến nhất, từ cùng một chương trình.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/co-phieu-tsmc-va-cac-hang-cong-nghe-hang-dau-dai-loan-giam-manh-sau-khi-ong-biden-ngung-tranh-cu-220845.html