Cổ phiếu Vinafood 2 tăng dựng đứng, Tập đoàn T&T có thêm hàng nghìn tỷ đồng
Giá gạo tăng cao đã 'phả' hơi nóng vào cổ phiếu nhóm ngành này trên thị trường chứng khoán. Hiệu quả của khoản đầu tư của T&T Group vào Vinafood 2 cũng nhanh chóng 'phình to'.
Kết phiên 22/9, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, sàn UPCoM) đứng ở mốc 38.800 đồng/cp, gấp 5 lần so với thời điểm giữa tháng 7.
Từ khi lên sàn hồi tháng 4/2018, VSF chỉ lình xình quanh mệnh giá 10.000 đồng, thậm chí thời điểm còn xuống mức 3.000 đồng. Tuy nhiên chỉ trong 3 tháng gần đây, mã đã bứt phá mạnh mẽ với nhiều phiên tăng kịch trần, thanh khoản cũng cải thiện nhiều, lên hàng chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
VSF tăng mạnh cùng nhóm cổ phiếu ngành lương thực, cùng diễn biến giá gạo tăng và triển vọng xuất khẩu. TAR, LTG, PAN đều đã tăng giá đáng kể so với thời điểm đầu năm.
8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm.
Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nóng lên từng ngày từ nửa cuối tháng 7/2023, do Ấn Độ và Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, cùng với đó là hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực và Nga đã rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen…
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch 22/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 613 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất thế giới và cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 10 USD/tấn.
Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 8 tháng qua tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 544 triệu USD/tấn.
"Quả ngọt" với T&T Group
Cổ phiếu VSF phi mã giúp khoản đầu tư của CTCP Tập đoàn T&T vào Vinafood 2 cũng tăng mạnh. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của Vinafood 2, doanh nghiệp do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm chủ tịch đang nắm giữ 25% cổ phần, tương ứng 125 triệu cổ phiếu. Tính theo mức giá trên sàn, khoản đầu tư đang có trị giá 4.850 tỷ đồng.
Năm 2018, Vinafood 2 lần đầu thực hiện bán cổ phần ra công chúng (IPO). Lúc đó, T&T và Tập đoàn FPT là 2 đơn vị quan tâm, đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng chỉ có T&T đạt điều kiện. Sau đó, T&T đã trả hơn 1.200 tỷ đồng để mua 125 triệu cổ phần VSF (tương đương 10.100 đồng/cp), sở hữu 25% Vinafood 2 trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ ấy được duy trì đến bây giờ và đã đem đến “quả ngọt” cho công ty của bầu Hiển. Nếu "chốt lãi" theo mức giá thị trường hiện tại, T&T Group có thể lời đến hơn 3.600 tỷ đồng.
Ngoài T&T là cổ đông lớn, hiện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước vẫn đang chi phối Vinafood 2 với tỷ lệ nắm giữ 51,43%.
Trong suốt hơn 40 năm hoạt động, VSF là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8-3 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên sau cổ phần hóa vào năm 2018, Vinafood 2 đã đối mặt với không ít lùm xùm do các sai phạm trong quản lý của dàn lãnh đạo cũ. Việc kinh doanh cũng gặp khó khăn khiến công ty liên tục thua lỗ đậm hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2021. Tính đến hết năm 2021, lỗ lũy kế của Vinafood 2 là 2.654 tỷ đồng.
Từ năm 2022 đến nay, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 mới hồi phục. 6 tháng đầu năm 2023, VSF ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 11.336 tỷ đồng và 9,9 tỷ đồng. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế là hơn 100 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2022.