Cổ phiếu 'vua bánh kẹo' lao dốc dù cận kề mùa trung thu, đại diện doanh nghiệp nói gì?
CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) vừa công bố BCTC quý II/2024 với kết quả kinh doanh lao dốc: lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 10,9 tỷ đồng, 'bốc hơi' tới gần 99% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế 21,6 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 150 tỷ đồng hồi cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KIDO đạt 3.532 tỷ đồng doanh thu, 32 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 19% và 94,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, KIDO mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận.
CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) vừa công bố BCTC quý II/2024 với kết quả kinh doanh lao dốc, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 10,9 tỷ đồng, "bốc hơi" tới gần 99% so với cùng kỳ
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc KIDO cho biết, nguyên nhân lợi nhuận lao dốc chủ yếu đến từ việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời do biến động từ thị trường đã tác động lên doanh nghiệp.
Năm 2024, KIDO lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, KIDO mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận.
Không chỉ suy giảm ở lợi nhuận, chất lượng tài sản của KIDO cũng không mấy khả quan, tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của KIDO ở mức 11.377 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, giảm chủ yếu đến từ các khoản tiền và tương đương tiền co lại từ 2.185 tỷ đồng tại đầu năm xuống còn 1.637 tỷ đồng, tức giảm 25%.
Đồng thời, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn - ngắn hạn của KIDO cũng ghi nhận lao dốc tới 71% xuống còn đạt 173 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của KIDO đạt 4.288 tỷ đồng, giảm 18% so với số đầu kỳ. Trong đó ghi nhận giảm chủ yếu đến từ các khoản vay. Cụ thể, KIDO ghi nhận vay ngắn hạn 2.566 tỷ đồng, vay dài hạn 252 tỷ đồng; giảm lần lượt 9% và 49% so với đầu năm
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDC cũng liên tục lao dốc kể từ đầu tháng 6 trở lại đây. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8, cổ phiếu KDC thêm một phiên giảm điểm (-1.27%) về mức 54.500 đồng/cp, giảm khoảng 18% chỉ sau gần 2 tháng.
Được biết, thời điểm này mùa trung thu đang cận kề, đây cũng sẽ là khoảng thời gian mà các DN ngành bánh kẹo đặt kỳ vọng cải thiện bức tranh lợi nhuận, nhờ đó cổ phiếu của các DN này cũng được kỳ vọng sẽ tạo “sóng” trong những ngày tới.
Thực tế, không chỉ riêng cổ phiếu ngành bánh kẹo lao dốc, trong phiên giao dịch 15/8, áp lực bán có xu hướng gia tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index có phiên đỏ điểm sâu nhất so với 4 phiên trước đó.
Nhận định thị trường phiên giao dịch tiếp theo, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua mới.
CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, sự chững lại của dòng tiền và thanh khoản trong phiên thể hiện nhà đầu tư chưa hoàn toàn bỏ được tâm lý thận trọng khiến thị trường suy yếu và trượt điểm vào hôm nay.
“Nếu diễn biến không được cải thiện, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư cân nhắc hiện thực hóa những giao dịch đã có lợi nhuận. Đồng thời, hạn chế giải ngân mua mới và kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu xác nhận rõ ràng từ thị trường” – VCBS lưu ý.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cũng nhận định, việc giảm điểm với thanh khoản mất hút lại ở vùng ít biến động cho thấy xu hướng vẫn đang trong quá trình tích lũy đi ngang.
Vì vậy, theo CSI nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục kiên nhẫn nắm giữ danh mục đã mua và chờ ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.250 điểm để chốt một phần.
Quán tính điều chỉnh có thể tiếp diễn trong phiên tới, song chưa phải là dấu hiệu để chúng ta căn bán, thay vào đó chúng ta có thể gia tăng thêm vị thế ở những mã cổ phiếu đang có lợi nhuận khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.200 điểm.