Cổ phiếu 'vua cá tra' một thời bị đình chỉ giao dịch
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong ngày 28/2, nhiều mã chứng khoán sẽ bị điều chỉnh tình trạng giao dịch từ trạng thái bị hạn chế giao dịch sang trạng thái bị đình chỉ giao dịch. Trong danh sách công bố, có mã cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương.
Từ thời huy hoàng, doanh thu chục nghìn tỷ đến chuỗi thua lỗ triền miên và nợ nần
Thủy sản Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, thành lập năm 2003, hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 2007 công ty chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần với vốn điều lệ 420 tỷ đồng.
Năm 2009, Hùng Vương đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán HVG, vốn điều lệ khi đó xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Kể từ khi niêm yết (25/11/2009), HVG đã trải qua 12 lần tăng vốn. Từ số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 120 tỷ đồng, sau 10 năm con số này đã gấp 19 lần, lên mức 2.270 tỷ đồng.
Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, HVG ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong kinh doanh. Khoảng thời gian từ 2008 - 2014 có thể nói là giai đoạn tăng tốc của HVG khi doanh thu tăng 7 lần, từ 2.985 tỷ đồng lên 14.902 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, HVG bứt phá khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất, đạt 485 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Kể từ năm 2015, ngành cá tra nói riêng và thủy sản nói chung gặp phải nhiều biến động do thời tiết, dịch bệnh. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thủy sản còn bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn đầu ra bấp bênh trong khi tín dụng ngân hàng bị hạn chế, giá cá tra thời điểm đó cũng bắt đầu giảm mạnh xuống mức xấp xỉ giá thành sản xuất. Đây cũng là năm ghi nhận sự suy thoái của HVG khi công ty rơi vào cảnh khốn khó. Dù doanh thu vẫn tăng 10% lên hơn 16.400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận đã giảm 3 lần, xuống 142 tỷ đồng.
2015 cũng là năm mở màn cho sự suy thoái của HVG khi Công ty liên tục sụt giảm lợi nhuận những năm sau đó. Sang 2016, lãi sau thuế đã giảm 14 lần, xuống vỏn vẹn gần 10 tỷ. 2017 là năm đầu tiên HVG ghi nhận lỗ với con số lên tới 705 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ sâu đến từ việc HVG sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao trong lúc tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi. Việc vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài trợ cho các hoạt động đầu tư, M&A đã khiến cho HVG càng rơi vào "hố sâu". Đỉnh điểm vào năm 2016, nợ phải trả của HVG ghi nhận 13.336 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm đó.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh lại tiếp tục thua lỗ. Năm 2019, HVG tiếp tục báo lỗ hơn 1.075 - con số lỗ cao nhất tính từ khi niêm yết của HVG. Tính đến 30/9/2019, HVG lỗ lũy kế công ty mẹ 1.489 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.170 tỷ đồng. Đây cũng là năm cuối cùng HVG công bố báo cáo tài chính.
Vào thời điểm hưng thịnh nhất, HVG sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, trang thiết bị hiện đại, công suất 400.000 tấn/năm. Tuy nhiên, kể từ khi rơi vào "bể nợ", HVG đã phải bán ra loạt công ty con cũng như nhiều tài sản khác để gồng gánh doanh nghiệp. Quyết định được ban lãnh đạo Công ty lý giải nhằm thu hồi dòng vốn, chuyển hướng kinh doanh, trong đó tập trung nguồn lực phát triển ngành kinh doanh cốt lõi.
Cụ thể, hồi tháng 11/2017, HVG đã bán hết hơn 54% vốn tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) cho nhóm cổ đông SSI, thu hồi về 487 tỷ đồng; thoái trên 50% vốn tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), thu hồi 501 tỷ đồng. Ngoài ra, HVG còn thanh lý loạt các dự án bất động sản và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc.
Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch để bảo vệ nhà đầu tư
Theo đơn vị kiểm toán, các yếu tố như lỗ kéo dài, gánh nặng nợ... cùng một số vấn đề khác (được nêu trong thuyết minh) cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương.
Đầu tháng 5/2020, cổ phiếu HVG đã bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch, cũng bởi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trước đó (19/1/2018).
Đến giữa tháng 5/2020, HOSE có thêm công văn nhắc nhở lần thứ 3 về việc HVG chưa nộp Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I/2020. Trong công văn giải trình sau đó, HVG cho biết, việc chậm nộp các báo cáo tài chính do số lượng nhân sự kế toán và thống kê của Công ty đang thiếu hụt do một số đã nghỉ hoặc chuyển công tác qua các công ty mới trong thời gian cách ly xã hội từ tháng 4/2020, cùng một số nguyên nhân khác nên làm gián đoạn việc cung cấp số liệu cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính.
Thua lỗ, không công bố thông tin, tháng 8/2020 cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Cũng trong tháng 8, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang UpCOM. Tuy vậy việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến cổ phiếu của công ty trên UpCOM tiếp tục bị đình chỉ giao dịch lần này.
Quá trình phát triển và suy tàn của cổ phiếu HVG
Năm 2009, cổ phiếu HVG lên sàn với giá 11.990 đồng/cp.
Từ 2009 - T5/2012: HVG trải qua nhiều biến động khi khi chạm đáy với mốc 3.980 đồng/cp, sau đó lại tăng về giá lên sàn.
2014 là năm đánh dấu tên tuổi của HVG trên sàn chứng khoán khi giá cổ phiếu tăng liên tục và tạo đỉnh vào phiên 6/10/2014 tại mức giá 22.012 đồng/cp.
Cùng với thời điểm công ty bắt đầu khó khăn, giá cổ phiếu HVG cũng bắt đầu “trượt dài”, có lúc đã "bốc hơi" 90%, về mức 2.280 đồng/cp vào ngày 5/7/2018.
Kể tháng 1/2018,HVG thuộc diện bị kiểm soát do lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và 2017 là số âm (-49,3 tỷ và -712,96 tỷ đồng).
Kể từ ngày 15/5/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa cổ phiếu vào diện tạm ngừng giao dịch do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ngày 28/2/2023, cổ phiếu HVG bị đình chỉ giao dịch.
Tổng quan tình hình phát triển của cổ phiếu HVG từ năm 2012 đến nay. Ảnh: BSC
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-phieu-vua-ca-tra-mot-thoi-bi-dinh-chi-giao-dich.html