Cổ phiếu Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) tăng phi mã trước tin đồn thâu tóm
Cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp (5/5 - 17/5), đưa cổ phiếu từ vùng 15.100 đồng/cp hiện đang ở mức 27.450 đồng/cp, tương ứng tăng 83% chỉ trong 10 ngày giao dịch, thanh khoản hơn 90.000 đơn vị/phiên. Với mức giá này, AGM đang giao dịch ở mức định giá P/E 19,31 lần, P/B 1,06 lần.
Cổ phiếu tăng phi mã trong bối cảnh kết quả kinh doanh trồi sụt
Tính trong 1 năm gần nhất, AGM đã tăng trưởng 140%, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên hơn 41.000 đơn vị. Diễn biến tăng giá của AGM đặt trong bối cảnh kết quả kinh doanh trong 5 năm gần nhất có chiều hướng sụt giảm dần về doanh thu, còn lợi nhuận có phần trồi sụt.
AGM có lợi nhuận trồi sụt hàng năm
Thông tin từ các nhà đầu tư nhạy tin trên thị trường cho biết, khả năng AGM sắp có thay đổi cơ cấu cổ đông lớn, một bên thứ 3 đang thực hiện gom mua trên sàn và có thỏa thuận với các cổ đông lớn của AGM để “quy về một mối”. Đây là cơ sở quan trọng cho việc giá cổ phiếu AGM đột biến trong thời gian qua.
Nhờ thông tin này, nhóm các nhà đầu tư này đã tiến hành giải ngân ở AGM từ vùng giá 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên, do thanh khoản của AGM không quá cao và tỷ lệ freefloat thấp, nên các nhà đầu tư này xác định chỉ mua dưới 50.000 cổ phiếu đối với AGM.
Đó là trao đổi của nhóm các nhà đầu tư này, “tin đồn” có thành tin thật hay không thì cần thêm thời gian theo dõi. Hiện chưa có thông tin mới nào về việc các cổ đông lớn này sẽ thực hiện chuyển nhượng, thoái vốn tại AGM. Tuy nhiên, với việc giá tăng cao như hiện nay, cũng là điều kiện thuận lợi để cổ đông nhà nước là SCIC thoái vốn, khi những năm trước đã nhiều lần bất thành.
Hiện vốn điều lệ AGM là 182 tỷ đồng và duy trì ở mức từ năm 2011 đến nay. Trong cơ cấu cổ đông, AGM có 2 cổ đông lớn là Nguyễn Kim và SCIC nắm tổng cộng hơn 80% vốn. Trong đó, SCIC đang sở hữu 5,12 triệu cổ phiếu, tương ứng 28,17% vốn, còn CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim sở hữu 9,44 triệu cổ phiếu, tương ứng 51,85% vốn AGM.
SCIC đã từng nhiều lần thất bại với việc thoái vốn tại AGM thông qua phương thức đấu giá, khi mức giá khởi điểm được cho là quá cao so với thị giá của AGM tại thời điểm đó. Chẳng hạn năm 2016, với giá dưới mệnh giá, nhưng giá khởi điểm đấu giá AGM là 19.000 đồng/cp; năm 2017 là 19.400 đồng/cp.
“Người của Nguyễn Kim” nắm đa số ghế trong HĐQT AGM
Thông tin đáng chú ý khác tại AGM là trong ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra ngày 29/4, AGM đã tiến hành bầu cử HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. HĐQT mới bao gồm 5 thành viên, trong đó cổ đông lớn Nguyễn Kim đề cử 4 nhân sự là ông Lê Huỳnh Gia Hoàng, ông Nguyễn Minh Tân, bà Cao Thị Phi Hoàng, bà Nguyễn Thị Thu Thảo. Một nhân sự do SCIC đề cử là ông Lê Văn Huy cũng trúng cử thành viên HĐQT AGM.
Trong đó, ông Lê Huỳnh Gia Hoàng được bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT. Hiện ông Hoàng cũng đang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Lâm Đồng - Ladophar (LDP), thời gian được bầu là ngày 26/4/2021. Trước khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT LDP, ông Hoàng là Tổng giám đốc công ty này. Cả ông Tân và bà Thảo cũng mới được bầu vào HĐQT LDP ngày 26/4/2021 vừa qua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ái tiếp tục được bầu là trưởng Ban kiểm soát AGM nhiệm kỳ 2021-2025. Hiện ông Ái cũng là Trưởng Ban kiểm soát của LDP.
Điều này cũng dễ hiểu, khi Nguyễn Kim đồng thời cũng là công ty mẹ của LDP, hiện sở hữu 68,48 triệu cổ phiếu, tương ứng 53,91% vốn LDP (và cổ đông lớn khác của LDP là bà Nguyễn Ánh Kim Trang với 42,679 triệu cổ phiếu LDP, tương ứng 33,6% vốn).
Suốt nhiều năm trước, Nguyễn Kim liên tục mua gom cổ phần để gia tăng ảnh hưởng tại Ladophar và đến tháng 4/2019, Nguyễn Kim chính thức là công ty mẹ của LDP. Ở thời điểm nâng sở hữu, Nguyễn Kim cho biết, mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51%, đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Cam kết sau khi nắm tỷ lệ chi phối sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính của LDP.
Sức hấp dẫn của LDP được giới đầu tư cho rằng đến từ những bất động sản mà công ty đang quản lý và sử dụng. Cụ thể, LDP có 18 lô đất là đất làm những nhà thuốc bán lẻ, văn phòng, khu dự trữ, nhà máy sản xuất dược… với nhiều lô đất diện tích lớn như lô đất rộng hơn 8.100 m2 tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, là đất thuê đến năm 2036 làm văn phòng, kho dự trữ, nhà xưởng sản xuất thuốc.
Hay lô đất rộng hơn 942 m2 tại thị trấn Di Linh, Lâm Đồng, là đất Nhà nước cho thuê đến năm 2046, lô đất tại Thành phố Bảo Lộc, lâm Đồng rộng 2.525m2 là đất nhà nước cho thuê đến năm 2055…
Ngoài ra, LDP còn nhiều bất động sản đầu tư, như lô đất rộng hơn 11.800 m2 tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, là đất trồng cây lâu năm, được giao đất sử dụng đến năm 2043 để triển khai kỹ thuật nuôi trồng dược liệu …
Động thái này được thị trường nhìn nhận là tăng tốc đầu tư vào một số lĩnh vực, trong đó có dược phẩm của Nguyễn Kim, sau khi bán đi 49% chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim cho Central Group, Thái Lan.
Ngoài LDP, Nguyễn Kim đầu tư một số công ty dược phẩm khác. Giai đoạn trước đó, khi lĩnh vực lương thực thực phẩm ăn nên làm ra, Nguyễn Kim đã đầu tư vào AGM, Docimexco (FDG), Vĩnh Long Food (VLF), CTCP Hoàn Mỹ, CTCP Sài Gòn lương thực… Trong đó, AGM là khoản đầu tư được xem là hiệu quả khi chưa năm nào thua lỗ, và trả cổ tức đều đặn hàng năm.
AGM có gì?
Nhìn về tình hình kinh doanh của AGM cũng như ngành nghề “đa dạng” nhưng lại không mấy “ăn nhập” với nhau là mảng nông nghiệp và phân phối xe máy honda. Năm 2020, AGM đạt doanh thu thuần là 1.960 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ gần 25 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu gồm 3 mảng chính, mảng lúa gạo mang về doanh thu 1.308,5 tỷ đồng, xe gắn máy và phụ tùng doanh thu 584 tỷ đồng và vật tư nông nghiệp 59 tỷ đồng.
Năm 2021, AGM đặt kế hoạch 2.175 tỷ đồng doanh thu, tăng 11%, lãi sau thuế hơn 28 tỷ đồng, tương ứng tăng 14%.
AGM đã thành lập các công ty con: Công ty TNHH Lương thực Angimex (Angimex Food) từ ngành gạo vào ngày 01/10/2020, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Angimex (Angimex Trading) từ ngành thương mại dịch vụ vào ngày 09/11/2020 và chuyển đổi mô hình công ty con Dasco từ công ty cổ phần sang công ty TNHH vào ngày 26/11/2020.
Kế hoạch trong năm 2021, Angimex Trading sẽ mở mới 1 cửa hàng tại An Giang/Kiên Giang; đẩy mạnh bán hàng, tăng cường khai thác thêm các dòng sản phẩm ngoài Honda Việt Nam sản xuất (Vario, Raider, Sonic, xe 50cc.v.v..) mà thị trường tiêu thụ tốt; mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm khách hàng mới ở các huyện/thị trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tăng doanh thu phụ tùng.
Còn Dasco phụ trách mảng phân bón, lúa giống, đặt mục tiêu phát triển cân đối tỷ trọng sản phẩm hữu cơ và vô cơ; mở rộng thêm 50 ha vùng nguyên liệu chuyên sản xuất lúa giống; cung cấp Lúa giống và phân bón cho vùng nguyên liệu bán sang thị trường châu Âu của Công ty Angimex Food.
Angimex Food với các hoạt động sản xuất thu mua, phát triển vùng nguyên liệu (hợp tác cùng Lộc Trời phát triển vùng nguyên liệu lúa đạt dư lượng cho thị trường châu Âu và thị trường nội địa), xuất khẩu (tăng cường bán hàng cho thị trường EU, tận dụng hiệu quả từ EVFTA), và hoạt động thương mại.
Đặc điểm giống với LDP, hiện AGM đang sở hữu và quản lý, sử dụng nhiều khu đất. Cụ thể, AGM có các nhà máy và kho chứa nguyên liệu, cửa hàng phân bón, cửa hàng dịch vụ sửa chữa và kinh doanh xe Honda, văn phòng công ty tại tỉnh An Giang… tổng diện tích đất sở hữu hơn 30.000 m2 và hơn 75.371 m2 đất thuê Nhà nước với thời gian thuê đa phần đến 2054 - 2058, trong đó có những lô đất lớn là nhà máy và kho chứa nguyên liệu gần 20.000 m2 tại khóm Thạnh An, thành phố Long Xuyên; tương tự các nhà máy và kho chứa lớn khác 8.300 m2…
Thông tin đáng lưu ý khác, theo thông tin đăng ký kinh doanh, ngày 29/12/2020, ông Phạm Nhật Vinh (sinh năm 1977) đã rời vị trí Tổng giám đốc Nguyễn Kim - ngay trước khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định truy nã toàn quốc vào ngày 31/12/2020. Đến 13/1/2021, cơ quan điều tra có đề nghị Bộ Công an thực hiện các thủ tục truy nã quốc tế đối với ông Vinh – cựu Tổng giám đốc Nguyễn Kim Group, Thành viên HĐQT Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Ông Vinh được xác định có sai phạm liên quan trong vụ sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận (IPC), Công ty Sadeco và các đơn vị liên quan
Đồng thời, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Kim sinh năm 1969 cũng thôi vị trí Chủ tịch HĐQT (vẫn là thành viên HDQT), thay vào đó là ông Nguyễn Minh Nhật, sinh năm 1994.
Với các chuyển động lớn tại Nguyễn Kim, không rõ, các định hướng đầu tư đa ngành của tập đoàn này liệu có còn tiếp diễn và khoản đầu tư AGM cụ thể ra sao? Nhà đầu tư vẫn nên chờ đợi để có thêm câu trả lời, thay vì tham gia đầu cơ AGM ở vùng giá được xem là quá cao mà không dựa trên nền tảng cơ bản.